Chuỗi hội thảo trực tuyến kéo dài ba ngày này thu thập và chia sẻ các câu chuyện, công trình nghiên cứu và quan điểm liên ngành đằng sau ‘Của Kẻ Đi Săn và Kẻ Hái Lượm’ – một dự án thuộc chương trình ‘Pollination’, do LIR và Kittima Chareeprasit giám tuyển trong mối tương quan với thực hành của hai nghệ sĩ Maryanto and Ruangsak Anuwatiwimon.
Suốt một năm qua, quá trình thực địa tại sườn Núi Merapi (Yogyakarta) đang phun trào, dọc các tuyến sông hạ nguồn Mekong (giữa biên giới Thái Lan và Lào) đang dần thu hẹp, đã khiến các giám tuyển và nghệ sĩ của ‘Pollination’ nhớ về những dự án nghệ thuật và công trình nghiên cứu xã hội xoay quanh chủ đề suy thoái môi trường (là hệ quả của khai thác thuộc địa, thái độ thờ ơ trong giám sát của chính phủ, và lòng tham tột độ của các tập đoàn-doanh nghiệp). Song song tìm hiểu cả những phát hiện mang tính khoa học lẫn các hình thức ‘tri thức bản năng của địa phương’ (chẳng hạn như truyện dân gian, thần thoại, cổ tích và các phương pháp sinh tồn bản địa), LIR và Kittima nhận thấy nhu cầu cần lắng nghe không chỉ từ một phía của vấn đề, mà từ nhiều phía, nhiều tầng lớp khác nhau của cùng vấn đề ấy. Vì vậy ở chuỗi hội thảo trực tuyến này, họ đã mời nghệ sĩ, nhà sử học, nhà làm phim, giám tuyển, người viết, nhà khoa học đến từ Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ (và hơn thế nữa) bàn luận về ý nghĩa/hậu quả của việc ‘săn lùng’ (vật chất, tiêu dùng, khai thác, ham muốn), cũng như tầm quan trọng của thực hành ‘hái lượm’, chăm sóc và mở rộng thế giới quan để đón nhận những nguồn tri thức mới/khác. Cùng tham gia với chúng tôi, để lắng nghe chia sẻ về công việc và thực hành của những tri thức tài ba đã truyền cảm hứng cho dự án ‘Của Kẻ Đi Săn và Kẻ Hái Lượm’.
Một trang web dành riêng cho dự án sẽ ra mắt vào ngày 28/05. Cùng đón chờ nhé!
NGÀY 1: Thứ 6, 28/05/2021
Tiêu đề: “Kẻ đi săn và kẻ hái lượm: Một cuộc đối thoại”
Thời gian: 15.00 – 17.00 (Indonesia/Thailand/Vietnam | UTC+7)
Diễn giả: LIR (Mira Asriningtyas & Dito Yuwono), Kittima Chareeprasit, Ruangsak Anuwatwimon
và Maryanto
Phản hồi bởi: Zoe Butt
Miêu tả sự kiện:
Ngày đầu tiên của chuỗi thảo luận sẽ bóc tách ‘bộ máy’ đằng sau Pollination #3: ‘Kẻ đi săn và kẻ hái lượm’: bắt đầu từ quá trình nghiên cứu thực địa của nghệ sĩ và giám tuyển, để dẫn tới kết quả là một triển lãm, một chuỗi thảo luận chuyên đề và một trang web dành riêng cho dự án. Từ tháng 3/2020, các giám tuyển đã cùng nghệ sĩ lần theo sườn núi lửa Merapi đang phun trào ở Yogyakarta, dọc sông ngòi đang dần co lại ở vùng hạ lưu Mekong nằm giữa Thái Lan và Lào. Qua hành trình này, họ được gợi nhắc đến các nghệ sĩ, tác phẩm khác, cũng như các công trình nghiên cứu xã hội cùng chia sẻ mối quan ngại trước vấn đề suy thoái môi trường (là hệ quả của khai thác thuộc địa, thái độ thờ ơ trong giám sát của chính phủ, và lòng tham tột độ của các tập đoàn-doanh nghiệp). Buổi thảo luận sẽ bàn luận về quá trình làm việc của các giám tuyển với hai nghệ sĩ Maryanto (Yogyakarta) và Ruangsak Anuwatwimon (Bangkok); với trọng tâm là câu hỏi ‘Lao động của giám tuyển phản hồi ra sao trước sản tạo nghệ thuật?’. Chẳng hạn, Maryanto kiến tạo các tác phẩm sắp đặt mang dáng dấp của những túp lều, bốn bề là tranh làm bằng than củi và đất – gợi nhắc những lời răn dạy bản địa về phép sống tôn trọng trước Thiên nhiên, đồng thời cũng làm dấy lên những lo ngại về tác động của việc khai thác nước và cát bất hợp pháp tại Merapi. Trong khi đó, các tác phẩm điêu khắc đa dạng được làm từ xương của Ruangsak thiết tha kêu gọi sự quan tâm đến tính mạng (đang bị đe dọa bởi các công trình đập thuỷ điện) của những loài động vật sinh sống bên dòng Mekong. Những mô hình đẽo gọt từ xương được dựng lên như các tượng đài cho những linh vật đã từng bảo hộ tuyến đường thủy quan trọng này. Bắt nguồn từ hình tượng ‘người thợ săn’ trong truyền thuyết/thần thoại địa phương; đồng thời so sánh số phận của ‘người thợ săn’ dân gian với đời sống của ‘kẻ đi săn’ đương đại, phiên thảo luận sẽ phân tích cách thức vận hành của ‘Pollination’, chú trọng vào tinh thần ‘tri thức đến từ sự chia sẻ và lòng cam kết’ của dự án.
Khung thời gian cụ thể:
15.00 – 15.10: Zoe Butt giới thiệu về chương trình ‘Pollination’
15.10 – 15.15: Phát biểu mở đầu bởi Heru Hikayat, Giám tuyển tại Selasar Sunaryo Art Space
15.15 – 15.30: LIR và Kittima Chareeprasit
15.30 – 15.45: Maryanto chia sẻ về nghiên cứu và thực hành nghệ thuật
15.45 – 16.00: Ruangsak Anuwatwimon chia sẻ về nghiên cứu và thực hành nghệ thuật
16.00 – 16.15: LIR thuyết trình về nghiên cứu thực địa
16.15 – 16.30: Kittima Chareeprasit thuyết trình về nghiên cứu thực địa
16.30 – 16.45: Phản hồi về các bài thuyết trình: Zoe Butt
16.45 – 17.00: Hỏi đáp mở (Q&A) dẫn dắt bởi Heru Hikayat
TIỂU SỬ CỦA CÁC DIỄN GIẢ
Kittima Chareeprasit nhận bằng Thạc sĩ về Giám tuyển và Bộ sưu tập/Sưu tầm từ ĐH Nghệ thuật Chelsea (Anh Quốc). Nằm 2016, cô đồng sáng lập studio xuất bản nghệ thuật/workshop thử nghiệm mang tên ‘Waiting You Curator Lab’. Mối quan tâm nghệ thuật – văn hoá của cô xoay quanh lịch sử và các vấn đề xã hội/chính trị, đặc biệt là ở Thái Lan và Đông Nam Á. Kittima cộng tác với đa dạng học giả và nghệ sĩ; và làm việc với các tổ chức và không gian nghệ thuật khác nhau. Là thành viên đội ngũ giám tuyển Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại MAIIAM (Chiang Mai), trước đây cô từng sản xuất nhiều dự án nghệ thuật. Các dự án giám tuyển gần đây của cô bao gồm ‘Temporal Topography: MAIIAM’s New Acquisitions; từ năm 2010 đến nay’ tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại MAIIAM (2019), ‘In search of other times: reminiscence of things collected’ tại JWD Art Space Bangkok (2019), ‘Occasionally Utility’ tại Gallery VER, Bangkok (2017), ‘The Things That Take Us Apart’ tại Gallery Seescape, Chiang Mai (2017), ‘Remembrance’ tại Sri Prakat, Chiang Mai (2015). Cô cũng đồng giám tuyển Festival Nghệ thuật Thái tại Bournemouth, Anh Quốc (2015).
LIR Bắt nguồn là một tổ chức nghệ thuật, LIR sau này chuyển thành một collective giám tuyển, bao gồm Mira Asriningtyas (sn. 1986, sống tại Yogyakarta) và Dito Yuwono (sn. 1985, sống tại Yogyakarta). Từ năm 2011 tới nay, hoạt động của LIR mở rộng từ các ‘phòng thí nghiệm triển lãm’ (exhibition laboratory) và dự án khảo cứu nghệ thuật, tới các chương trình cộng đồng, lưu trú nghệ sĩ và dự án giáo dục nghệ thuật. Hoạt động của LIR đặc biệt mang tính hợp tác đa ngành; thường diễn ra dưới dạng các triển lãm đề cao tính trình diễn (performative); thúc đẩy và nuôi dưỡng dòng chảy của kiến thức, ký ức và lịch sử xuyên suốt các thế hệ khác nhau. Các dự án gần đây nhất của LIR bao gồm chuỗi triển lãm ‘Curated by LIR’ (KKF – Yogyakarta, 2018 – 2019); ‘Transient Museum of a Thousand Conversations’ (ISCP – New York, 2020); và ‘900mdpl’ (Kaliurang – 2017, 2019, & 2021). ‘900mdpl’ là dự án nghệ thuật dài hạn, mang tính biệt vị (site-specific), diễn ra tại Kaliurang, Indonesia (là một khu nghỉ dưỡng lâu đời, nằm dưới một ngọn núi lửa đang hoạt động, với mục đích lưu giữ ký ức chung về không gian).
Maryanto tạo ra những tác phẩm hội hoạ đen trắng, những sắp đặt đầy gợi mở, cốt để làm suy yếu ngôn ngữ lãng mạn của tranh phong cảnh truyền thống, đồng thời để soi xét những kết cấu chính trị – xã hội ở những nơi anh trưng bày nghệ thuật của mình. Được bài trí trong những không gian mang tính sân khấu cao, phong cảnh xuất hiện trong tác phẩm của Maryanto vừa là di sản, vừa là hệ quả của quá trình công nghiệp hoá quá độ, phát triển công nghệ dẫn tới ô nhiễm đất đai và khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên – đây là những quá trình nhuốm màu thực dân và tư bản. Maryanto tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật, Viện Nghệ thuật Indonesia, Yogyakarta vào năm 2005 và hoàn thành chương trình lưu trú tại Rijksakademie, Amsterdam năm 2013. Các triển lãm đáng chú ý gần đây bao gồm ‘Permanent Osmosis’, LIR Space, Yogyakarta (2019, cá nhân); ‘A Journey of Forking Paths’, Yeo Workshop, Singapore (2019, cá nhân); ‘On the Shoulders of Fallen Giants: 2nd Industrial Art Biennial’, Labin, Croatia (2018); ‘Behind the Terrain’, Koganei Art Spot Chateau, Tokyo (2018). Maryanto sinh ra tại Jakarta, hiện đang sống và làm việc tại Yogyakarta.
Ruangsak Anuwatwimon sinh ra, lớn lên và hiện đang sống và làm việc tại Bangkok. Các vấn đề chính trị-xã hội, các trải nghiệm thường nhật đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho các sáng tác của anh. Trong nghệ thuật của mình, Ruangsak truy vấn mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên – mà ở đó, con người luôn đóng vai nhân vật chính. Sử dụng đa dạng các chất liệu nghệ thuật, với mục đích thách thức những thành tố tạo nên một ‘tác phẩm’, các dự án nghệ thuật của Ruangsak khám phá nền tảng văn hóa và đạo đức của xã hội loài người. Các dự án đáng chú ý gần đây của anh bao gồm ‘Monstrous Phenomenon’ tại 1Projects, Bangkok (2019, cá nhân); ‘Temporal Topography: MAIIAM New Acquisitions from 2010 to Present’, Bảo tàng nghệ thuật đương đại MAIIAM, Chiang Mai (2019/2020); ‘Every Step in the Right Direction – Singapore Biennale’ 2019, Singapore (2019); ‘Post-Nature – A Museum as an Ecosystem: Đài Bắc Biennial lần thứ 11, Đài Bắc (2018). Năm 2020, Ruangsak sẽ tham gia Bangkok Art Biennale.
Zoe Butt
Zoe Butt là giám tuyển và cây viết sống tại Việt Nam. Thực hành giám tuyển của cô tập trung vào việc xây dựng các cộng đồng nghệ thuật đặt tư duy biện luận và nhận thức lịch sử làm nền tảng, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia thuộc bán cầu nam. Hiện, Zoe là Giám đốc Nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, TP.HCM – không gian đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Cô từng là Giám đốc điều hành và giám tuyển của Sàn Art, TP. Hồ Chí Minh (2009-2016); Giám đốc Chương trình quốc tế, dự án Long March, Bắc Kinh (2007-2009) và Trợ lý giám tuyển mảng nghệ thuật đương đại Châu Á tại Queensland Art Gallery, Brisbane (2001-2007) – một vị trí đặc biệt tập trung vào phát triển Triển lãm Triennial về Nghệ thuật Đương Đại Châu Á-Thái Bình Dương. Các bài viết của Zoe đã được xuất bản trên Hatje Cantz; Art Review; Independent Curators International; ArtAsiaPacific; Printed Project; Lalit Kala Akademi; JRP-Ringier; Routledge; và Sternberg Press, v.v. Các dự án giám tuyển của Zoe bao gồm những nền tảng đối thoại liên ngành như ‘Nhận thức Thực tại’ (2013-2016); triển lãm online ‘Những phương Nam đan xen’ (2016); và các triển lãm nhóm của nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế tại các nhiều địa điểm trên thế giới. Các triển lãm gần đây bao gồm: ‘Sharjah Biennial 14: Leaving the Echo Chamber – Journey Beyond the Arrow’ (2019); ‘Rừng Hoang: Tuấn Andrew Nguyễn’ (2018); ‘Tinh thần bằng hữu’ và ‘Quên lãng nên thơ: Phan Thảo Nguyên’ (2017); ‘Dislocate: Bùi Công Khánh’ (2016); ‘Conjuring Capital’ (2015). Zoe là thành viên trong Hội đồng nghệ thuật Châu Á của bảo tàng Solomon R. Guggenheim New York; và trong năm 2015, Zoe được vinh danh là Nhà lãnh đạo trẻ Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế Giới.
_____
NGÀY 2: Thứ 7, 29/05/2021
Tiêu đề: “Khai thác môi trường: Chống chịu và phục hồi giữa những hỗn loạn”
Thời gian: 15.00 – 17.00 (Indonesia/Thailand/Vietnam | UTC+7)
Diễn giả: Prilla Tania, Elizabeth D.Inandiak, Wut Chalanant, Sutthirat Supaparinya
Phản hồi bởi: Agung Hujatnikajennong
Miêu tả sự kiện:
Ngày thứ hai của chuỗi thảo luận sẽ tập trung vào các vấn đề môi trường cấp bách đang xảy ra ở các vùng miền khác nhau – là hệ quả của quá trình thay đổi xã hội, phát triển kinh tế, khai thác/bóc lột thiên thiên tới kiệt quệ. Nhà văn Elizabeth D.Inandiak sẽ chia sẻ nghiên cứu của cô về kho tàng tri thức Muara Jambi – khu cổ tự rộng lớn được hình thành từ thế kỷ thứ 7, là thời kỳ Phật Giáo phát triển và lan rộng khắp Châu Á qua cả đường bộ lẫn đường biển. Nghiên cứu của nghệ sĩ Wut Chalanant sẽ dẫn dắt chúng ta dọc theo lưu vực sông Mekong, lần theo tuyến đường bị chặn bởi các đập thuỷ điện cung cấp năng lượng cho “Khối pin Đông Nam Á.” Nghệ sĩ Sutthirat Supaparinya sẽ luận bàn về việc sản xuất năng lượng, đặc biệt là từ các đập thuỷ điện được xây dựng trên các con sông lớn như sông Ping và sông Mekong, cũng như những tác động ảnh hưởng tới hệ thống sinh thái và đời sống của các cộng đồng địa phương. Cuối cùng, nghệ sĩ Prilla Tanio sẽ trình bày tác phẩm video của cô – một nghiên cứu về ngành nông nghiệp trường tồn (permaculture) từ góc nhìn của Nyi Pohaci (một thần thoại đến từ Indonesia).
Khung thời gian cụ thể:
15.00 – 15.10: LIR giới thiệu chung
15.10 – 15.30: Elizabeth D. Inandiak
15.30 – 15.50: Wut Chalanant
15.50 – 16.10: Suthirat Supaparinya
16.10 – 16.35: Prilla Tania
16.35 – 16.50: Phản hồi về các bài thuyết trình: Agung Hujatnikajennong
16.50 – 17.10: Hỏi đáp mở (Q&A) dẫn dắt bởi Kittima Chareeprasit
TIỂU SỬ CỦA CÁC DIỄN GIẢ
Agung Hujatnikajennong
Tiến sĩ Agung Hujatnika, hay Agung Hujatnikajennong, là giám tuyển tự do và là giảng viên toàn thời gian chuyên khoa Nghệ thuật và Thiết kế tại Viện Công nghệ Bandung (ITB). Một số triển lãm ông đã giám tuyển bao gồm Fluid Zones tại Jakarta Biennale ARENA (2009); Exquisite Corpse, Bandung Pavilion cho chương trình Shanghai Biennale (2012); Not a Dead End, Jogja Biennale – Equator # 2 (2013); Passion/ Possession (2014); và dự án cá nhân của Tintin Wulia, “1001 Martian Homes” cho Indonesia Pavilion tại Venice Biennale (2017). Ông là người khởi xướng, và cũng là giám đốc nghệ thuật cho Instrumenta, một liên hoan quốc tế cho media arts tại Jakarta (2018-2019). Agung đã tham gia một số dự án nghiên cứu về nghệ thuật Indonesia và Đông Nam Á, bao gồm Ambitious Alignments (2013-2015) và Shaping Indonesian Contemporary Arts – Role of the Institutions (2014-2017). Ông là tác giả cuốn sách Kurasi dan Kuasa, bàn về thực hành giám tuyển và mối tương quan quyền lực trong giới nghệ thuật Indonesia, được xuất bản bởi Hội đồng Nghệ thuật Jakarta (2015).
Elisabeth D. Inandiak
Nhà văn, dịch giả và công chức; sinh ra ở Pháp. Từ năm 19 tuổi, cô bắt đầu đi khắp thế giới với tư cách một nhà báo, viết một số sách văn học, bao gồm câu chuyện về cuộc đời của Marceline Loridan Ivens (một phụ nữ Do Thái bị đày ải trong trại Auschwitz-Birkenau giữa chiến tranh thế giới thứ hai) và nhiều truyện phim, tiêu biểu như “A Tale of the Wind”, cộng tác với đạo diễn phim tài liệu người Hà Lan Joris Ivens (Indonesian Calling). Năm 1989, cô định cư tại Yogyakarta. Cô đã biên soạn lại Serat Centhini, một tác phẩm văn học vĩ đại của người Java, thành một phiên bản thế kỷ 21 mang tên “Kekasih yang Tersembunyi”. Sau trận động đất vào ngày 27 tháng 5 năm 2006, cô đã xây dựng studio Giri Gino Guno ở Bebekan, Bantul (DIY). Khi núi Merapi phun trào vào ngày 26 tháng 10 năm 2010, cô đã hợp tác với Trường Nội trú Hồi giáo Al Qodir để đồng hành cùng các cư dân của Kinahrejo cho đến khi đời sống của họ hồi phục trở lại.
Từ việc trải nghiệm hai thảm họa thiên nhiên này, câu chuyện “Babad Ngalor-Ngidul” được ra đời (với minh hoạ của họa sĩ Heri Dono) – tiếp nối cuốn Lahirnya Kembali Beringin Putih (1999). Tác phẩm mới nhất của cô có tựa đề “Mimpi-Mimpi dari Pulau Emas”, được hình thành cùng với dân Làng Muara Jambi ở Sumatra, những người đã sử dụng tri thức địa phương, truyện cổ tích, và con mắt thứ ba để khai quật khu cổ tự Phật giáo kỳ vĩ. Ở đó, cô đã cùng người dân xây dựng một ngôi nhà của trí tuệ và hòa bình: Rumah Menapo (ngôi nhà của Menapo).
Prilla Tania
Prilla Tania là một nghệ sĩ đa lĩnh vực với các tác phẩm điêu khắc mềm, tác phẩm sắp đặt, video và ảnh. Các tác phẩm của cô được truyền cảm hứng bởi khái niệm ‘chủ quyền lương thực’ (food sovereignty) và mối quan hệ bền vững giữa con người với thiên nhiên. Các triển lãm tiêu biểu gần đây bao gồm ‘In To The Future’, National Gallery of Indonesia, Jakarta (2019); ‘Jogja Biennale XII: Not A Dead End’, Yogyakarta (2013); ‘E’, Selasar Sunaryo Art Space, Bandung (2013, solo). Hiện cô đang quản lý một khu vườn được đặt tên là Leuwigoeng ở Bandung, tập trung vào canh tác hữu cơ và lối sống bền vững.
Sutthirat Supaparinya
Thực hành trên nhiều phương tiện khác nhau, Sutthirat Supaparinya (Som) chất vấn và diễn giải thông tin đại chúng, tập trung vào sự ảnh hưởng của hoạt động con người lên quang cảnh và những cộng đồng khác; đồng thời bóc tách, đặt câu hỏi về những cấu trúc đang ảnh hưởng đến cô/chúng-ta với tư cách là các công dân quốc-gia/toàn-cầu. Sutthirat nỗ lực nuôi dưỡng sự tự do biểu đạt thông qua thực hành nghệ thuật của cô. Các triển lãm nổi bật gần đây bao gồm A Beast, a God, and a Line”, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại MAIIAM, Chiang Mai (2021); Noodles and the Wild Things, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại MAIIAM, Chiang Mai (2020); Jogja Biennale Equator #5, Yogyakarta (2019); 12th Gwangju Biennale, Gwangju, (2018); 38th EVA International – Ireland Biennale (2018), và một số triển lãm khác.
Wut Chalanant
Wut là một nghệ sĩ / nhiếp ảnh gia sống tại Chiang Mai, Thái Lan. Tiếp cận nghệ thuật của anh xoay quanh mối quan hệ giữa con người và không gian trong thời kỳ hiện đại. Các tác phẩm nhiếp ảnh của anh thể hiện mối quan tâm về hệ tư tưởng phát triển đô thị, về sự biến chuyển của đất đai trước những chuyển dịch của nền kinh tế toàn cầu. Những thay đổi ấy khoét những lỗ hổng trong bối cảnh, mở ra cơ hội cho các diễn giải mới về thực tế. Wut tốt nghiệp Hochschule für Grafik und Buchkunst (Học viện nghệ thuật Leipzig), Leipzig, Đức. Các triển lãm gần đây bao gồm ‘Southeast X Southeast’ (2018) tại Southeast Museum of Photography, Daytona Beach, Mỹ; ‘most of the wild – least of the wild’(2018) , hgb leipzig (rundgang).
_____
NGÀY 3: Chủ nhật, 30/05/2021
Thời gian dự kiến: 15.00 – 17.00 (Indonesia/Thailand/Vietnam | UTC+7)
Tiêu đề: “Tuyệt chủng: Ảnh hưởng của con người lên thế giới phi-nhân-loại”
Diễn giả: Napak Serirak, JJ Rizal, Tita Salina, The Forest Curriculum
Phản hồi bởi: Vipash Purichanont
Miêu tả sự kiện:
Ngày thứ ba của chuỗi thảo luận sẽ đi sâu vào khái niệm tuyệt chủng – nó liên quan đến cách sống của con người như thế nào, và ảnh hưởng đến sự tồn tại của những giống loài phi-nhân-loại ra sao. Thông qua các dự án phát triển khác nhau ở Đông Nam Á, Napak Serirak sẽ tìm hiểu về nạn phá rừng và đời sống đang bị đe dọa của các loài động-thực vật hoang dã. JJ Rizal khám phá mối liên kết giữa việc người Betawi(*) không còn thực hành văn hoá nghĩa địa như tổ tiên họ, cũng như hệ quả là thiệt hại sinh thái ở Jakarta hiện nay. Cách nghĩa địa của tổ tiên người Betawi một đoạn về phía bắc, nghệ sĩ Tita Salina đến thăm một hòn đảo chìm nơi ngôi mộ của nhà lãnh đạo chính trị Hồi giáo từng toạ lạc, kêu gọi sự công nhận những người tị nạn khí hậu và kết nối thực trạng này với những mảng lịch sử bị giấu bỏ. Forest Curriculum sẽ tập trung luận bàn vào đặc khu kinh tế (SEC) (miền nam Johor, Malaysia) và ‘Thành phố Rừng’ ở đó, cốt để thay đổi tư duy của chúng ta trước việc môi trường bị gắn nhãn là “thông minh” và “kiên cường” thông qua những tuyên truyền “quảng cáo xanh” (greenwashing) của chủ nghĩa tư bản
*(Người Betawi là một trong những nhóm dân tộc được hình thành gần đây nhất ở Indonesia, được xem là cư dân bản địa của Jakarta)
Khung thời gian cụ thể:
15.00 – 15.10 : LIR giới thiệu chung
15.10 – 15.30 : Forest Curriculum
15.30 – 15.50 : JJ. Rizal
15.50 – 16.10 : Napak Serirak
16.10 – 16.25 : Tita Salina
16.25 – 16.45 : Phản hồi lại các bài thuyết trình: Vipash Purichanont
16.45 – 17.00 : Hỏi đáp mở (Q&A) dẫn dắt bởi LIR
TIỂU SỬ CỦA CÁC DIỄN GIẢ
JJ Rizal
JJ Rizal là một học giả, nhà sử học và là người sáng lập Penerbit Komunitas Bambu – nhà xuất bản chuyên về nhân văn, lịch sử và văn hóa. Nghiên cứu của ông, tập trung vào lịch sử của Batavia-Betawi-Jakarta, đã được đăng nhiều trên tạp chí MOESSON Het Indisch Maandblad (2001-2006) (trụ sở tại Hà Lan). Năm 2009, ông nhận được giải thưởng DKI Jakarta Governor Cultural Award. Các bài viết của ông về Junghuhn xuất hiện trên National Geographic Indonesia, và được Tạp chí National Geographic International chọn là “The Best International 2010”, xếp trên hàng trăm bài báo từ 36 tạp chí National Geographic bên ngoài nước Mỹ. Năm 2011, ông nhận giải thưởng Jakarta Book Awards IKAPI (Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia) cho cống hiến “chia sẻ kiến thức và tạo ra thay đổi thông qua sách”. Một số ấn phẩm của ông bao gồm “Politik Kota Kita” (2006); “Onze Ong: Onghokham dalam Kenangan” (2007); “Sejarah yang Memihak: Mengenang Sartono Kartodirdjo” (2008); và “Raden Saleh: Anak Belanda, Mooi Indie dan Nasionalisme”.
Napak Serirak
Napak Serirak là Cử nhân Kinh tế và Thạc sĩ Nhân học tại Đại học Thammasat. Dựa trên lịch sử tình dục học, nhân học y tế và nhân học ngôn ngữ, ông đã viết rất nhiều về lịch sử văn hóa của tình dục học trong xã hội Thái Lan. Ngoài ra, ông cũng hứng thú với những bài viết về thám hiểm khoa học thuộc địa tại Đông Nam Á, cũng như lịch sử môi trường và sinh thái chính trị trong việc bảo tồn thiên nhiên trong / của khu vực; bên cạnh nhiều chủ đề khác. Ông từng là giảng viên Xã hội học và Nhân học tại Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Prince of Songkla, Pattani Campus từ năm 2013 đến 2017. Napak hiện là một nhà nghiên cứu độc lập.
Tita Salina
Trong thực hành của Tita Salina, cô sử dụng những can thiệp, sắp đặt, và hình ảnh động cùng với nhau để hồi đáp với các vấn đề mang tính đặc thù. Tác phẩm 1001st island – the most sustainable island in archipelago (Hòn đảo thứ 1001 – đảo bền vững nhất ở Archipelago) (2015) khám phá các vấn đề xuyên quốc gia như sự tước quyền của cộng đồng, ô nhiễm môi trường, hay tham nhũng của chính phủ – phô bày trong kế hoạch khôi phục và tái phát triển Vịnh Jakarta của chính phủ Indonesia. Các triển lãm tiêu biểu trong thời gian gần đây của Tita bao gồm ‘Bangkok Art Biennale’, Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Bangkok, Bangkok (2020); The Coming World: Ecology as the New Politics 2030–2100, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Garage, Moscow, Nga (2019); Irwan Ahmett and Tita Salina: The Ring of Fire (2014 – đang diễn ra), Trung tâm Nghệ thuật Đương đại NTU Singapore, Singapore, Singapore (2019); From Bandung to Berlin: If all of the moons aligned, SAVVY Contemporary, Berlin, Đức (2016); và các triển lãm khác.
The Forest Curriculum
The Forest Curriculum (Bangkok/Yogyakarta/Manila/Seoul/Berlin/Santa Barbara) là một diễn đàn dành cho nghiên cứu liên ngành và giáo dục tương hỗ, có trụ sở tại Đông Nam Á và hoạt động trên phạm vi quốc tế dưới hình thái dịch chuyển và phi định dạng. Được thành lập và chỉ đạo bởi hai giám tuyển Abhijan Toto và Pujita Guha, cùng với Rosalia Namsai Engchuan, The Forest Curriculum làm việc với các nghệ sĩ, tập thể nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, các tổ chức và các nhà tư tưởng bản địa, nhạc sĩ, và nhà hoạt động xã hội để xây dựng một khung phê bình được định vị cụ thể, chất vấn Kỷ Nhân Sinh thông qua các lớp văn hóa–tự nhiên của vành đai rừng Zomia, nơi kết nối Nam Á và Đông Nam Á. Forest Curriculum tổ chức các cuộc triển lãm, các chương trình công cộng, biểu diễn, và các dự án video và đa phương tiện. Hàng năm, họ cũng tổ chức các khóa học chuyên sâu tại các địa điểm khác nhau trong khu vực, thu hút học viên từ khắp nơi trên thế giới tham gia vào nghiên cứu tập thể và chia sẻ phương pháp: The Forest And The School, Bangkok (2019); The Forest Is In The City Is In The Forest I, Manila (2020) and II, Online (2020-2021). Diễn đàn hợp tác với các tổ chức quốc tế, bao gồm Savvy Contemporary, Berlin; Ideas City, the New Museum, NTU CCA, Singapore, Nomina Nuda, Los Baños; GAMeC, Bergamo; và những nơi khác.
Vipash Purichanont
Vipash Purichanont sống và làm việc tại Bangkok dưới vai trò giám tuyển. Anh là giảng viên bộ môn Lịch sử Nghệ thuật thuộc Khoa Khảo cổ học, Đại học Silpakorn. Các dự án giám tuyển của anh bao gồm ‘Kamin Lertchaiprasert: 31st Century Museum of Contemporary Spirit’ (Chicago, 2011), ‘Tawatchai Puntusawasdi: Superfold’ (Kuala Lumpur, 2019) và ‘Khái niệm Tranh luận Ngữ cảnh: Nghệ thuật và Tính Tập thể ở Đông Nam Á’ (Bangkok, Yogyakarta, Hanoi, Yangon, 2013-2019). Anh từng là trợ lý giám tuyển cho Biennale Thái Lan đợt đầu tiên (Krabi, 2018), giám tuyển Singapore Biennale 2019 (Singapore, 2019) và là đồng quản lý Biennale Thái Lan đợt thứ hai (Korat, 2021). Vipash là đồng sáng lập của Waiting You Curator Lab, một tập thể giám tuyển tại Chiangmai.