Chúng tôi hân hoan gửi lời chúc mừng tới ba nghệ sĩ đã được lựa chọn để triển lãm trong chương trình ‘Materialize’ năm 2017. Tháng Tám, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Đạt Vũ (đến từ TP. Hồ Chí Minh) trưng bày quá trình nghiên cứu mối quan hệ mật thiết của người Việt và văn hoá, thực hành tâm linh đặc trưng của từng địa phương. Tháng Chín, nghệ sĩ đa phương tiện Hoàng Thanh Vĩnh Phong (đến từ Hội An) giới thiệu bộ tác phẩm đa dạng về chủ đề, tinh tế về kĩ thuật và sắc nét về thái độ thực hành tới khán giả Sài Gòn. Và tháng Mười một, hoạ sĩ Lê Thế Lãm (đến từ TP. Hồ Chí Minh) đưa ra những suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống và sự tồn tại, thông qua quá trình chất vấn các đặc tính của hội hoạ – một trong những ngôn ngữ nghệ thuật có lịch sử lâu đời nhất. Mời các bạn xem thêm thông tin về các triển lãm dưới đây.

THÁNG MƯỜI HAI - LÊ THẾ LÃM

Triển lãm ‘Chứng tích’ đưa chúng ta vào một thế giới riêng của Lê Thế Lãm, nơi chất chứa nhiều mối lo âu và nỗi buồn của xã hội Việt Nam sau khi đã trải qua thời hậu chiến. Loạt tranh được trưng bày thể hiện các trạng thái của ‘cái chết lặng lẽ’, trong nhiều không gian giả lập khác nhau. Bên cạnh những gam màu u uất, sự kết hợp với cách dựng khối và hiệu ứng ánh sáng khiến những không gian trong tranh anh dường như kín bưng và chật hẹp. Hình ảnh con người lay lắt như những cái bóng và những chiếc hộp gỗ đã đóng hiện diện thường xuyên. Không phải do bom đạn, đói khát hay dịch bệnh…, Lãm quan tâm nhiều hơn đến nguyên nhân nhân gây ra sự chết vượt ra ngoài khái niệm sinh học. Người ta không ngưng thở, cũng không phân hủy. Họ dường như chỉ loay hoay và lụi tàn đi trong đời sống tưởng chừng như mênh mông mà hóa ra chật hẹp, trong gánh nặng vật chất, bởi những tàn hủy âm thầm khi xã hội đang  biến đổi lên quá nhanh mà tâm hồn còn người thì ngày càng băng hoại.

THÁNG CHÍN - HOÀNG THANH VĨNH PHONG

Thiên đường đã mất’ của Hoàng Thanh Vĩnh Phong (sn. 1971) dẫn ta vào một thế giới nơi những điều thân thuộc trở nên lạ lẫm, những gì trần tục hoá thành thần thoại, và trật tự của các biểu tượng được dời đổi và tái sắp xếp. Qua việc thay hình đổi dạng và xoắn vặn chất liệu của các vật dụng hàng ngày, nghệ sĩ đã tách rời chúng  khỏi bối cảnh quen thuộc, đặt chúng vào một vùng mơ hồ kỳ lạ, và đòi hỏi người xem vượt qua vẻ bề ngoài để nhìn sâu hơn vào những gì bên trong.

THÁNG TÁM - ĐẠT VŨ

Những cuộc đối thoại (c)âm’ là bộ ảnh vẫn đang tiếp diễn của Đạt Vũ (sn. 1991) đi vào tìm hiểu những lối sống và phong thức suy nghĩ tâm linh hay mê tín của người Việt. Bộ ảnh của Đạt bao gồm cả những hình ảnh được dàn dựng lẫn hình ảnh bắt gặp trong quá trình đi khắp Việt Nam. Những bức ảnh này hé lộ cách người Việt ở nhiều vùng miền khác nhau thực hiện các nghi lẽ ở những chốn thiêng liêng và trong cuộc sống hàng ngày; những bức ảnh ám chỉ những khác biệt giữa cuộc sống nông thôn và thành thị; giữa không gian công cộng và không gian riêng tư; giữa cách hiểu về bản thân chúng ta trong vai trò là người quan sát, kẻ hiếu kỳ hay người khiêu khích.