Loading Events

« All Events

KHI NGHỆ SĨ TÒ MÒ VỀ ‘XÃ HỘI’

  • This event has passed.

Diễn giả: Lêna Bùi, Trương Công Tùng, Tuấn Andrew Nguyễn
Điều phối: Zoe Butt
Ngày: 25 tháng Sáu năm 2020
Thời gian: 18:30 – 20:30
Ngôn ngữ: tiếng Anh với phiên dịch tiếng Việt
MIỄN PHÍ THAM DỰ

Một cuộc trò chuyện với các nghệ sĩ Lêna Bùi, Trương Công Tùng, Tuấn Andrew Nguyễn; điều phối bởi Giám đốc Nghệ thuật của The Factory, Zoe Butt.
Một sự kiện thuộc chương trình ‘Gióng chỉnh Ngũ hành’ (Re-Aligning the Cosmos)

Hãy tham dự buổi trò chuyện với các nghệ sĩ Lêna Bùi, Trương Công Tùng và Tuấn Andrew Nguyễn! Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về tình yêu của các nghệ sĩ này với việc tạo tác hình ảnh để tiếp tục kể những câu chuyện về tập tục và lễ nghi xã hội của con người. Thông qua các chất liệu phim, nhiếp ảnh, hội hoạ, âm thanh v.v., nghệ thuật của họ hướng tới việc phản ánh bản chất đối nghịch trong điều kiện làm người, cũng như ảnh hưởng của con người lên hành tinh này.   

Niềm đam mê, cảm hứng, sự tò mò. Đi điền dã, hợp tác với cộng đồng. Đọc, viết, nói. Giải quyết vấn đề, thử nghiệm với ý niệm, với chất liệu, với vô vàn những khả thể truy tầm khác. Trên đây chỉ là một vài trong số đa dạng các phương thức lao động trí tuệ và sáng tạo tiêu biểu của các dự án nghệ thuật liên đới với ‘xã hội’. Nhân dịp The Factory ra mắt chương trình ‘Gióng chỉnh Ngũ hành’ (‘Re-Aligning the Cosmos’), tại sự kiện này, các nghệ sĩ Lêna Bùi, Trương Công Tùng cùng Tuấn Andrew Nguyễn sẽ chia sẻ về trải nghiệm của họ trong quá trình thực hiện dự án và làm việc với một vấn đề, chất liệu hay cộng đồng cụ thể.

Buổi trò chuyện này là sự kiện khởi động ‘Gióng chỉnh Ngũ hành’, chương trình đồng hành và hỗ trợ nghệ sĩ thị giác – những cá nhân có hứng thú với mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, giữa văn hoá và môi trường, thông qua việc tìm hiểu các truyền thống tôn vinh năm nguyên tố cơ bản của người Việt – Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ.

Xem thêm thông tin về chương trình ‘Gióng chỉnh Ngũ hành’ tại đây.

*Hình ảnh: Hình ảnh tư liệu từ dự án ‘Bên kia Rừng Rậm’ của Trương Công Tùng (tiếp diễn từ 2014 tới nay)

 

Về các diễn giả:

Lêna Bùi (sn. 1985)

Tác phẩm của Lêna Bùi đôi khi là những giai thoại thú vị, đôi khi lại là những phân tích sâu sắc về ảnh hưởng của công cuộc phát triển chóng mặt lên mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên xung quanh. Lêna chiêm nghiệm về những khía cạnh vô hình của cuộc sống (như niềm tin, cái chết, giấc mơ), cũng như tác động của chúng lên hành vi và nhận thức con người. Cô thường sử dụng hội hoạ và video trong các tác phẩm của mình, và luôn sẵn sàng thử nghiệm với các chất liệu mà cô cho là phù hợp với ý tưởng sáng tác.

Tác phẩm của Lêna đã xuất hiện tại các triển lãm nhóm/cá nhân như ‘March Project’, Sharjah Art Foundation, Sharjah, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất  (2018); ‘Proliferation’, ĐH Wesleyan, Middletown, Mỹ (2018), Les Rencontres Internationales, La Gaîté Lyrique, Paris & Haus der Kulturen der Welt, Berlin (2017); ‘Flat Sunlight’, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, TP. HCM; ‘Skylines with Flying People III’, MAM Art, Bảo tàng Phụ Nữ Hà Nội (2016); ‘Sacred Water’, Image Ark, Kathmandu, Nepal (2015); ‘Disrupted Choreographies’, Carré d’Art-Musée d’Art Contemporain, Nîmes, Pháp (2014) và ‘Foreign Bodies’, Wellcome Collection, Luân Đôn (2013).

Lêna nhận bằng cử nhân về Đông Á học từ trường ĐH Wesleyan (2007). Sinh năm 1985 tại Đà Nẵng, Việt Nam, cô hiện sinh sống và làm việc tại Sài Gòn từ năm 2009.

Trương Công Tùng (sn. 1986)

Sinh ra tại Đắk Lắk, Tây Nguyên trong một gia đình nông dân chung sống với các nhóm dân tộc ít người khác nhau, Trương Công Tùng sau đó chuyển vào sống tại Sài Gòn trong những năm đầu tuổi 20. Anh đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường ở cả nông thôn và thành thị – là kết quả của quá trình hiện đại hóa xoay quanh những ham muốn và nhu cầu của con người. Vì thế, thông qua thực hành nghệ thuật của mình, Công Tùng tìm kiếm những lý giải về sự phi lý trong lý trí và hành động của con người trước thiên nhiên, qua những hoàn cảnh anh tiếp xúc ngoài đời thực, và qua cả những thông tin anh thu thập được từ thế giới ảo của internet, từ những cuốn sách khoa học cổ, những tài liệu về vũ trụ học, triết học v.v.

Các tác phẩm đa tầng lớp của Công Tùng thường được/bị thao túng và thay hình đổi dạng bởi tự nhiên và con người. Tuy xuất hiện như những câu chuyện mạch lạc, tác phẩm của anh vẫn chủ đích khiến người xem lúng túng trước các hình ảnh, thông tin và sự kiện liên tục chuyển động. Công Tùng đã từng triển lãm tác phẩm tại Para Site (Hồng Kông), Dhaka Art Summit (Bangladesh), Đài Bắc Biên niên 2016 và SeMa 2014.

Tuấn Andrew Nguyễn (sn.1976)

Thực hành nghệ thuật của Tuấn Andrew Nguyễn kết hợp thực tại và hư cấu; trích xuất và tái tạo các trần thuật về lịch sử và niềm tin của con người trước các hiện tượng siêu nhiên, để qua đó khám phá các chiến lược đối kháng chính trị thông qua phản-ký ức và hậu ký ức.

Năm 1999, Tuấn Andrew nhận bằng cử nhân nghệ thuật từ ĐH California, Irvine; và năm 2004, thạc sĩ nghệ thuật từ Viện Nghệ thuật California. Anh đã đoạt các giải thưởng từ lĩnh vực phim và nghệ thuật thị giác, bao gồm giải thưởng Art Matters năm 2010 và giải phim hay nhất tại VietFilmFest năm 2018 cho bộ phim ‘The Island’. Tác phẩm của anh đã được trưng bày tại các triển lãm quốc tế như Pacific Triennial (2006), Whitney Biennial (2017) và Sharjah Biennial (2019).

Năm 2006, Tuấn Andrew sáng lập The Propeller Group – một nhóm nghệ sĩ giao thoa giữa nghệ thuật và quảng cáo/truyền thông. Các giải thưởng nhóm đã nhận bao gồm: giải Nhất tại cuộc thi Internationale Kurzfilmtage Winterthur (2015) cho bộ phim ‘The Living Need Light, The Dead Need Music’ và giải Creative Capital cho dự án video ‘Television Commercial for Communism’. Bên cạnh triển lãm hồi tưởng của nhóm tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Chicago (MCA Chicago), The Propeller Group đã tham gia các triển lãm quốc tế như: ‘The Ungovernables’, New Museum Triennial (2012), ‘LA Biennial’ (2012), ‘Prospect3’, New Orleans Triennial (2014), và Venice Biennale (2015).