Loading Events

« All Events

JUA – MỘT DỰ ÁN CỦA ART LABOR – TRÒ CHUYỆN CÙNG ART LABOR

  • This event has passed.

Diễn giả: Arlette Quỳnh-Anh Trần, Phan Thảo NguyênTrương Công Tùng
Ngày: 17 tháng Tám 2019
Thời gian: 16g00-18g00
Ngôn ngữ: tiếng Việt với phiên dịch tiếng Anh

Trong buổi trò chuyện này, nhóm nghệ sĩ Art Labor sẽ chia sẻ về dự án mới của nhóm, ‘JUA’, một dự án nhằm khảo sát tình hình cà-phê Robusta ở Việt Nam cũng như việc sản xuất gạo ở Camargue (miền Nam nước Pháp). Với dự án này, Art Labor thôi thúc với hai câu hỏi: Những nguồn tài nguyên này phản ánh các tập tính thực dân về sinh tồn hay về nhu cầu vui thú như thế nào? Việc đưa những loài thực vật lạ vào môi trường bản địa, cũng như tình hình khai thác nông nghiệp toàn cầu ngày nay mang lại những hệ quả gì? Đây là dự án thứ ba trong thực hành của nhóm Art Labor, và là dự án thứ hai làm việc với khu vực Tây Nguyên Việt Nam – một vùng đất mà rất nhiều người dân trồng và canh tác cà-phê. 

‘Sự tò mò của chúng tôi khởi nguồn khi chúng tôi tìm hiểu vòng xoáy nợ nần mà nhiều nông dân Việt Nam mắc phải, cá nhân hơn nữa chính là cha mẹ chúng tôi – những người trồng cà phê trên đất rừng già năm xưa của Tây Nguyên. Từ việc rũ bỏ rừng rậm, hệ thống hoá thực vật trong canh tác đến các đợt di dân do chiến tranh hoặc chính sách kinh tế, những dịch chuyển này xảy ra không chỉ với thực vật mà còn với người lao động. Vì thế, chúng tôi bắt đầu hành trình nông nghiệp của mình bằng việc lần theo con đường lịch sử gồm hai ngả: việc nhập khẩu các cây cà phê Robusta của Pháp vào Việt Nam thời thuộc địa; và việc trồng lúa của công binh Việt tại Camargue. Trong khi người Pháp mang Robusta vào Việt Nam để duy trì thú uống cà phê của họ (cũng là mong sẽ kiếm được lợi nhuận từ việc trồng loại cây này), thì những người công binh Việt Nam bị điều khỏi làng quê họ để viện trợ cho Thế chiến lần thứ II tại Pháp và cũng rất sớm sau đó, họ tìm cách trồng lúa để mưu sinh và chống đói. Hành trình này tiếp tục cho tới tận ngày nay với tình hình canh tác cây Robusta và hiện diện của loài cây này trên thị trường toàn cầu. 

Những ngả đường lịch sử này (được Art Labor nghiên cứu tại Pháp và Việt Nam) đã kết trái dưới dạng một ‘triển lãm sơ bộ’ kéo dài một ngày (với nhiều hình thức đa dạng như tranh, điêu khắc, video và các không gian tương tác cho cộng đồng tham gia) tại Thảo Cầm Viên vào ngày 28 tháng 7. Đây là một trong những vườn bách thú lâu đời nhất trên thế giới, cũng từng là ngôi nhà kính trồng các loại cây giống tiềm năng như cao su, cà phê, mía và xoài. 

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về những lịch sử giao nhau này và sự phổ biến của ‘chủ nghĩa thuộc địa xanh’ – một vấn đề cũng sẽ được đặt ra trong triển lãm sắp tới tại The Factory, ‘Những hư cấu không thể thiếu’.

Art Labor là một nhóm nghệ sĩ sống tại Sài Gòn và làm việc giữa nghệ thuật thị giác, khoa học xã hội và đời sống trong các bối cảnh khác nhau. Nhóm gồm ba thành viên chính gồm nghệ sĩ Phan Thảo Nguyên, Trương Công Tùng & giám tuyển/cây viết Arlette Quỳnh-Anh Trần. 

Nhóm Art Labor bắt đầu hành trình của họ vào năm 2012, khi ba người bạn cũ quyết định chuyển về Sài Gòn (giờ được biết tới với tên hành chính TP. Hồ Chí Minh). Thảo Nguyên, Công Tùng và Arlette thành lập Art Labor nhằm phản hồi với điều kiện khó khăn trong việc cộng tác theo nhóm ở các lĩnh vực liên ngành ở Việt Nam. Từ khi ra đời, Art Labor từng làm việc với nhiều cộng sự – từ nhà nhân học, nhà làm phim, giám tuyển, nhà văn, nhà lưu trữ, nghệ sĩ cho tới bác sĩ nhãn khoa, bệnh nhân, nông dân, nghệ nhân và doanh nhân. Mỗi dự án được xem như một thí nghiệm nhằm thử thách giới hạn của nghệ thuật, ở những khía cạnh như: hình thái của triển lãm, địa điểm triển lãm, vai trò nghệ sĩ, giới hạn giám tuyển, giá trị và sự trân trọng đối với nghệ thuật trong xã hội.

 

Phí tham gia:
➖Vé người lớn: 100,000VND (online); 130,000VND (tại cửa)
➖Vé học sinh/sinh viên: 40,000VND

 

*Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…