Loading Events

« All Events

TƯƠNG LAI HOÀN THÀNH – LÊ GIANG

  • This event has passed.

Nghệ sĩ: Lê Giang
Tổ chức bởi: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory
Thời gian triển lãm: Triển lãm sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối 2022

‘Vạn vật hữu linh’ [1] – lời dạy lâu đời này của ông cha ta đóng vai trò như kim chỉ nam xuyên suốt quá trình nghiên cứu và sáng tác của Lê Giang một năm qua, giúp cô hướng tới triển lãm cá nhân mang tựa ‘Tương lai Hoàn thành’. Thuộc khuôn khổ chương trình ‘Gióng chỉnh Ngũ hành’ do The Factory khởi xướng, triển lãm này truy vấn nguyên tố ‘Thổ’ (đất), đồng thời khảo sát hiện tượng Thiên nhiên (đặc biệt là đá quý và đá bán quý) bị khai thác để phục vụ sản xuất, tiêu thụ vật phẩm Phong thuỷ [2] tại Việt Nam. Lê Giang tìm kiếm thông tin và chắt lọc cảm hứng ở nhiều nguồn tri thức: từ kho tàng truyền thuyết – truyện dân gian về tục thờ đá; các báo cáo khoa học và khảo sát địa chất; tới các bản tin xã luận xoay quanh vấn đề khai thác đá và sự bùng nổ các kênh buôn bán vật phẩm Phong thuỷ trên mạng xã hội. Bị cuốn hút bởi quy trình mà sự vật – sự việc được gán ‘tính thiêng’, bởi cách thức mà biểu tượng tâm linh bị biến đổi và đúc ép để trở thành hàng hoá đại trà, Lê Giang khám phá các cơ chế được sử dụng để phân loại và kiểm soát Thiên nhiên, để tạo tác và gán nghĩa mới cho chúng theo nấc thang giá trị tiêu dùng. Qua đó, triển lãm của cô đưa ra những chất vấn xoay quanh không chỉ các ngành công nghiệp và cộng đồng khai thác – buôn bán vật phẩm và trải nghiệm tâm linh, mà còn cả bộ phận người mua có xu hướng mê tín dị đoan, tiêu thụ trong niềm tin mù quáng. 

Đồng vọng theo tiêu đề triển lãm, xuất hiện trong không gian trưng bày là chuỗi tác phẩm đa dạng chất liệu (từ hội hoạ, điêu khắc, tới video và sắp đặt); đóng vai trò như các viễn cảnh mang hình hài và sắc màu biến ảo, về một thế giới khởi sắc đến từ ‘tương lai’ đầy hy vọng. Đây đó, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo – len giữa những bức họa trừu tượng thơ mộng, cài vào những thước phim lãng mạn đậm chất ‘sơn thuỷ hữu tình’ [3]. Ẩn dưới phông nền non xanh nước biếc này, là điệp trùng bạo lực máy móc. Liên tục chém – băm thịt đá, cắt – cứa da đá, mài – nhẵn mặt đá. Xa xa, các tác phẩm khác dần xuất hiện. Giữa gian phòng rực đỏ tựa điện thờ, chậm rãi xoay tròn pho tượng hình núi non (từa tựa dáng dấp mặt hàng Phong thuỷ đại trà được bày bán khắp nơi). Bao bọc xung quanh nó, rực rỡ và kì ảo, là nguồn sáng phát ra từ những bóng đèn LED (một sản phẩm hỗ trợ gia tăng giá trị hình thức của cả người lẫn vật, thường được dùng để chụp ảnh selfie hay quay video livestream quảng cáo). Ở một gian phòng khác, phủ mặt tường nhuốm đen là video hai kênh, lấp lánh ánh xanh đỏ, lần mò khám phá ‘nội tạng’ của một hang động có thật (ở tỉnh Yên Bái) [4], phô diễn cả vẻ đẹp hùng vĩ lẫn những chi tiết thị giác độc đáo mà Tự nhiên ban tặng. Như bao hang động khác, hang động xuất hiện trong video này đã được trang trí bằng đèn neon, đèn LED giá rẻ; ‘tái thiết kế’ để trở thành khu du lịch tâm linh.  Vang vọng trong không gian, ‘chủ sở hữu’ hang – một người phụ nữ người H’Mông – qua lời kể bằng tiếng mẹ đẻ, sẽ thuật lại câu chuyện về quá trình hang được thay hình đổi dạng. Ta nhận ra rằng, tuy đây là nỗ lực mưu sinh của gia đình cô (một trong những đại diện của người dân địa phương), nó đồng thời vẫn là một hành động nhuốm màu thao túng niềm tin.

Cùng nhau, các khung cảnh và vật thể trong triển lãm này đưa ra lời cảnh bảo về một thực tại đến từ một tương lai-không-xa; đang ngày ngày sinh sôi nảy nở trên nền móng của sự bòn rút và tàn phá Thiên nhiên. Dưới bàn tay toàn năng và trí khôn tựa-Thánh mà con người tự phong, Thiên nhiên giờ có thể dễ dàng bị ‘giải thiêng’, chèn ép vào những khuôn mẫu vô tri vô giác, trở thành những thứ người ta có thể thuần hóa và sở hữu. Phản chiếu những hiện thực/hiện tại mà Lê Giang quan sát được trong quá trình nghiên cứu của mình, cơ thể tác phẩm trong triển lãm này làm hiển lộ, đồng thời tiếp biến, những cơ chế và phương pháp mà con người sử dụng để khai thác, bào chế, tiêu thụ Thiên nhiên. Ở đó, Lê Giang kiến tạo một tương lai hoàn mỹ: bề mặt tuy bao phủ sắc màu hân hoan, xong tâm căn lại bị ruồng bỏ, biến dạng và mục ruỗng.

Do đâu mà nên? Do đâu mà con người vẫn tiếp tục xẻ da lóc thịt, làm kiệt quệ và tha hoá không chỉ môi sinh của Thiên nhiên, mà còn cả đời sống tinh thần và tâm linh của chính mình? Ở một nền văn hoá nơi người ta cho rằng vật phẩm Phong thuỷ xa xỉ có khả năng mang lại năng lượng tích cực, sức khoẻ dồi dào và sự thịnh vượng may mắn, triển lãm này khẩn cầu người xem suy ngẫm lại về vẻ đẹp nhân tạo, về lời hứa hão huyền, về sự huỷ diệt đầy tính bạo lực, đang ẩn náu dưới những hình hài và sắc màu ảo ảnh của các sản phẩm và thực hành tâm linh (mà giờ đây đã bị đẩy đi quá xa so với những lời răn dạy nguyên thuỷ). Mắc kẹt trong sự bàng quan, trong những nhu cầu sinh kế và nhục dục của cải, tiền tài, lợi lộc, liệu ta có thấy rằng, các ngành công nghiệp sản xuất niềm tin đang diễn ra trong sự vô ưu trước thực tế là Thiên nhiên bị săn lùng, chế tác và buôn bán một cách cực độ? Liệu ta có nhận ra rằng, trong khát khao tìm kiếm an trú tâm linh, ta đang chỉ chú tâm vào những ai được lợi – và thờ ơ trước những gì bị hại? Liệu ta có bao giờ tự hỏi, là ta có đủ thời gian để tạm dừng và đảo ngược thực tại của-ngay-lúc-này – một thực tại đầy rẫy những hậu quả bất khả vãn hồi? 

Rời khỏi ‘Tương lai Hoàn thành’ này, ta liệu có còn tiếp tục băn khoăn? 

(Nội dung trên phỏng theo phản tư giám tuyển của Bill Nguyễn, mang tựa ‘Tương lai nào cho ta?’ Vui lòng đọc phiên bản đầy đủ tại website của The Factory)

* Hình ảnh: Lê Giang ‘Tương lai Hoàn thành’ 2021. Video, âm thanh, 20’

[1]  Lời dạy này minh chứng cho niềm tin đã tồn tại hàng thế kỷ của người Việt vào thuyết vật linh – là một lối suy tư, lối sống; một quan niệm triết học mà nhiều dân tộc bản địa khác trên thế giới cùng chia sẻ. Thuyết này cho rằng linh hồn (hay sự linh thiêng) tồn tại trong mọi vật (từ động vật, thực vật, tới các thực thể ta thường cho là vô tri vô giác và Thiên nhiên nói chung); rẳng những linh hồn này có khả năng tác động sâu sắc tới số phận của con người; và rằng thế giới Tự nhiên, vật chất và siêu nhiên có mối liên hệ mật thiết với nhau. Gương treo ở cửa để xua đuổi tà ma; thờ cúng gia tiên – mồ mả; tế lễ để tỏ lòng thành kính với các thần Thiên nhiên v.v. – vài ví dụ kể đây để thấy các cách thức khác nhau mà thuyết vật linh được thực hành ở Việt Nam. Từng bị cho là ‘mê tín dị đoan’, những thực hành tín ngưỡng này đã và vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở từ những năm 1980.

[2] Phong thủy là học thuyết có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ đại (thường bị cho là một thực hành giả khoa học), chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống con người. Tổng hoà các yếu tố đặc trưng về địa thế và Tự nhiên, xưa kia, Phong thuỷ được sử dụng để tìm kiếm nơi mai táng phúc thọ bình yên; để xác định vị trí thuận lợi cho ‘an cư lạc nghiệp’; cũng như để điều hướng và quản lý hình dạng, bố cục, mặt bằng không gian xây dựng. Phong thủy liên quan đến cát hung, họa phúc, thọ yểu và sự cùng thông của nhân sự thông qua dòng chảy hài hoà của năng lượng và sự cân bằng nguyên vẹn trong mối quan hệ giữa con người và Tự nhiên. Hiện nay, Phong thuỷ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống đương đại Việt Nam, đôi khi ở mức mê tín thái quá. Người ta không chỉ tìm đến thầy Phong thuỷ, thầy xem tướng, nhà ngoại cảm để kiếm hướng giải quyết các vấn đề cá nhân, công việc hay tâm linh. Giờ đây, số phận và sự may mắn của họ còn có thể bị định đoạt bởi số điện thoại ‘hợp tuổi’, đồ trang sức ‘hợp mệnh’, vật phẩm trang trí dát vàng bạc đá quý ‘hợp Phong thuỷ’.

[3] Sơn thuỷ hữu tình là thể loại nghệ thuật có xu hướng lãng mạn hoá phong cảnh qua việc mô phỏng núi non hùng vĩ, sông nước hài hoà, động vật thanh bình. Gồm hội hoạ (vẽ bằng sơn dầu, màu acrylic hoặc bột đá quý), điêu khắc và các sản phẩm dệt thêu, nghệ thuật sơn thuỷ hữu tình thường sử dụng bảng màu (có phần quá) rực rỡ, sống động. Ta có thể thấy nhiều bức hoạ kiểu này được trưng bày như vật phẩm trang trí trong nhiều tư gia khắp Việt Nam.

[4] Để phục vụ cho việc nghiên cứu của mình, Lê Giang đã tới Lục Yên, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) và Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An). Năm 1987, lần đầu tiên người ta tìm thấy đá quý tại Lục Yên – nơi được cho là có nguồn đá quý lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Các loại đá được tìm thấy ở đây bao gồm hồng ngọc, ngọc bích, spinel, tourmaline, feldspar, pargasite, và humite. 30 năm tiếp theo, Lục Yên trở thành trung tâm khai thác và buôn bán đá quý lớn nhất Việt Nam. Mặc dù chưa được chính thức hợp pháp hoá, nhiều công ty và nhà máy vẫn tiếp tục các hoạt động khai thác và sản xuất bất hợp pháp ngày càng chuyên nghiệp, dẫn đến nhiều tác động liên quan tới môi trường và văn hoá (chẳng hạn, hồ Thác Bà – một trong những nguồn cung cấp nước chính cho người dân địa phương – bị ô nhiễm nặng nề; hay rừng – từng được người dân địa phương coi là chốn ‘linh thiêng’ – bị tàn phá và chiếm dụng cho các mục đích khác). Quỳ Châu, được biết đến bởi trữ lượng hồng ngọc và ngọc bích dồi dào, cũng là một trong số những điểm khai thác phổ biến nhất Việt Nam. Cơn khát đá quý này đã gây ra những hậu quả khôn lường: từ tham nhũng, khai thác bất hợp pháp, tới tranh chấp giữa các băng đảng mafia và điều kiện làm việc nghèo nàn dẫn đến các tai nạn chết người. Đến những năm 2000, việc khai thác đá quý ở khu vực này dường như đã giảm (nhờ các chính sách và quy định mới của chính quyền), tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động phi pháp này vẫn tiếp tục diễn ra dưới ngầm. Thông tin thêm: https://www.gia.edu/gems-gemology/WN13-Long-Gemstone-Mining-Vietnam