Trọng tâm trong thực hành nghệ thuật của Lê Thừa Tiến nằm ở việc tạo ra cuộc gặp gỡ cho người xem và tác phẩm. Sự ‘gặp gỡ’ này xoáy sâu vào nội tâm người xem, là một cuộc hành trình tiến sâu vào tâm lý và những cảm xúc mong manh. Quán xuyến nhuần nhuyễn độ sâu của ngôn ngữ sơn mài, cho triển lãm cá nhân của nghệ sĩ ở tầng trệt của The Factory, Tiến mang tới một tác phẩm sắp đặt quy mô lớn đầy lắng đọng và chiêm nghiệm. Khi đứng trước những ‘khối’ sơn mài với độ lớn tương tự khổ người của nghệ sĩ (mà liệu chăng ta nên gọi chúng là cửa sổ, cổng vào hay bức tường?), bạn có thể cảm thấy hình ảnh phản chiếu của mình trên bề mặt sơn mài trong veo tựa mặt nước. Như thể có một sự chuyển hóa nào đó khi hình ảnh của chính bạn được dội trả lại. Và có thể cảm giác đó hơi kỳ quái, như thể sơn mài đang cố nói với bạn điều gì đó. Chính tinh thần tôn trọng độ sâu của vô số lớp sơn và tính đặc quánh của sơn mài như một hiền nhân của Tiến mà ta cảm nhận được sự duyên dáng khéo léo của anh trong việc xử lý chất liệu này. Các khối điêu khắc sơn mài kì vĩ của Tiến ở triển lãm này neo giữ rất ít hình ảnh. Đây là một việc có chủ ý. Bởi lẽ khi vật liệu sâu thẳm ghi nhận và phản chiếu đối tượng hiện diện trước nó, tiêu điểm của tác phẩm trở thành chính bạn.
Lê Thừa Tiến sinh năm 1964 tại Huế, nơi anh tiếp tục sinh sống và làm việc. Được đào tạo về vẽ, sơn dầu, lụa và sơn mài tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật, Đại học Huế trong những năm đầy biến động của cuộc kháng chiến chống Mỹ (quốc tế gọi là chiến tranh Việt Nam), mối quan hệ của Tiến với nghệ thuật và ký ức mà anh cảm thấy vốn có sẵn trong chất liệu tiếp tục nuôi dưỡng sự khám phá của anh về ánh sáng và bóng tối, và từ đó đã mở rộng ra bao gồm những vật thể có sẵn, sắp đặt tương tác / sắp đặt quy mô lớn và tương tác xã hội với một cộng đồng cụ thể. Đối với Tiến, nghệ thuật tạo nên không gian nương náu cho tinh thần con người. Do đó, nó là một thực hành của việc khai quật bản thân, trút bỏ những ràng buộc vật chất, một cơ hội để đối đầu với những niềm tin chi phối không gian chúng ta sống và những hình ảnh chúng ta tự gán vào bản thân.
Tốt nghiệp Thạc sĩ Mỹ thuật chuyên ngành điêu khắc (2009) tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật, Đại học New South Wales, Sydney, Úc và đã từng giảng dạy hội họa suốt hai mươi năm tại Đại học Huế (1990-2010), Tiến là một thành viên quan trọng trong thế hệ của mình giúp mang đến những ý tưởng khác nhau về cái gì tạo nên nghệ thuật ‘đương đại’ trong một Việt Nam quay cuồng sau chiến tranh, sự chiếm đóng thuộc địa và thiết chế xã hội trĩu nặng ý thức hệ. Các triển lãm đáng chú ý bao gồm ‘Những Tiếng Thì thầm Tĩnh lặng’, Art Vietnam, Hanoi (solo, 2018); ‘Tỏa’, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom, Hà Nội (2018); ‘Globe’, Metahouse, Phnom Penh, Campuchia (solo, 2011); ‘Nam Bang’, Trung tâm nghệ thuật Casula Powerhouse và Bảo tàng Khu vực Liverpool, Sydney (2009); trong số những triển lãm khác.