Loading Events

« All Events

ĐỐI THOẠI MOVING REELS #1: VIỆT NAM NHÌN VỀ NAM Á

  • This event has passed.

Diễn giả: Ts Shweta Kishore và Mel Schenk
Ngày: 04 tháng Bảy 2018
Thời gian: 18g30 – 21g30
Ngôn ngữ: tiếng Anh với phiên dịch tiếng Việt

Đã bao giờ bạn bước qua những căn nhà nhỏ trong Phố Cổ Hà Nội, những dãy nhà shop-house* ở Chợ Lớn, hay một căn villa Sài Gòn từ thời Pháp thuộc, và tự hỏi rằng, ‘Những ai là người đang sống ở đây?’; ‘Cuộc đời của những cư dân trước kia và hiện giờ trong những căn nhà này như thế nào?’; ‘Kiến trúc nội thất của căn nhà phản ánh đời sống, ước mơ, và hy vọng của họ như thế nào?’. Buổi workshop Moving Reels #1 mời bạn cùng khám phá những câu hỏi này qua video nghệ thuật đầu tiên đến từ Ấn Độ mang tên, ‘Hoài Niệm cho Tương Lai’ (đạo diễn: Avijit Mukul KishoreRohan Shivkumar
), từ đó nhìn về câu chuyện kiến trúc của Việt Nam và mối tương quan giữa xã hội Việt Nam và Ấn Độ. 

Video xoay quanh những tưởng tượng về bốn ‘ngôi nhà’ và các nhân vật được đặt trong bối cảnh của các toà kiến trúc được xây dựng trong một thế kỷ của lịch sử Ấn Độ. Tác phẩm điện ảnh này khám phá các mối quan hệ giữa không gian và những cơ thể người tưởng tượng bên trong các không gian đó, và sử dụng những kết nối này làm khán đài quan sát, từ đó phân tích cách thức khái niệm kiến trúc hiện đại Ấn Độ đã giao thoa với quá trình tạo dựng và định hình lại một quốc gia cùng/thông qua các cư dân của nó.  

Hãy đăng ký để xem và tham gia buổi thảo luận sau đó, được điều phối bởi Tiến sĩ Shweta Kishore, nhà nghiên cứu phim và giám tuyển, và Mel Schenk, nhà sử gia kiến trúc đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Buổi thảo luận sẽ tập trung vào cách điện ảnh và kiến trúc được sử dụng trong quá trình xây dựng hình tượng quốc gia ở Việt Nam. Phim tài liệu đã giúp kiến tạo sự hiểu biết về lịch sử quốc gia của quần chúng hiện nay như thế nào, và liệu có tồn tại những dạng thức khác cho phim tài liệu bên cạnh hình thái phim tuyên truyền phổ biến? Trải nghiệm ‘hiện đại’ diễn ra và được thực hành như thế nào trong kiến trúc Việt Nam sau 1975 và/hoặc sau Thời kỳ Đổi Mới, và kiến trúc đã được sử dụng như một công cụ xây dựng căn tính quốc gia cũng như nhận thức về tính ‘dân tộc’ của công chúng Việt Nam như thế nào? Đây chỉ là một vài câu hỏi gợi ý mà cuộc thảo luận sẽ đào sâu phân tích, sử dụng những dữ kiện từ cả video và trải nghiệm cùng tìm hiểu cá nhân của những người tham gia.

Do không gian tổ chức có hạn, các bạn vui lòng đăng ký tại đây để giữ được chỗ ngồi tốt nhất.

Moving Reels là gì?

‘Moving Reels’ là một chuỗi các buổi workshop nhằm khám phá các công năng đa dạng của điện ảnh như một dạng văn bản hay một cách thực hành trong văn hoá công cộng. Chương trình mong muốn mở ra một diễn đàn thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hoá ở Việt Nam với các khu vực địa lý khác, tập trung đi sâu vào cách quần chúng và nghệ sĩ sử dụng điện ảnh như một công cụ để phản ánh, đồng thời đánh giá, những chuyển biến bên trong cá nhân và xã hội, và xem xét tầm ảnh hưởng của những đối thoại này lên môi trường tự nhiên và tâm lý. Ví dụ, năm đầu tiên của chương trình, do Tiến sĩ Shweta Kishore phát triển và lựa tuyển, sẽ tập trung vào mối quan hệ hợp lực giữa điện ảnh Việt Nam và Nam Á, đặc biệt là diễn ngôn chung giữa giữa Việt Nam và Ấn Độ về sự tác động qua lại giữa kiến trúc công cộng và quá trình xây dựng quốc gia trong đời sống thành thị. Mang cấu trúc của một chương trình chiếu phim kèm theo một buổi thảo luận có hướng dẫn về các chủ đề liên quan, chuỗi workshop ‘Moving Reels’ mong muốn đóng góp có tính xây dựng vào văn hoá điện ảnh và kiến tạo các không gian xem phim quanh Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một cơ hội để nhìn vào thế giới đan xen quanh chúng ta qua lăng kính vạn hoa của nghệ thuật thứ bảy!    

Mục đích của chương trình này là bồi đắp những điểm chung giữa các nhóm cộng đồng xa gần, thông qua việc bóc tách các ‘chất liệu cuộc sống’ chung khởi nguồn từ những hoàn cảnh lịch sử đan xen, những chìm nổi trong xã hội, và những bối cảnh văn hoá – tất cả đều được thông dịch qua ngôn ngữ của hình ảnh động. Quan trọng hơn, The Factory cũng hy vọng tạo ra một cộng đồng xuyên ngành nghề cho các nghệ sĩ thị giác, nhà làm phim, kiến trúc sư, nhà nhân học, và những người làm văn hoá ở Việt Nam, nhằm mở rộng biên độ cho sự liên quan và cách hiểu về điện ảnh trong cuộc sống ngày nay.

—–

*Một kiểu kiến trúc ở Chợ Lớn, kết hợp nhà ở với tiệm buôn ở tầng trệt. Kiến trúc này phù hợp với đặc tính thương mại của khu vực này.

**Khi tham gia chương trình tại The Factory, quý vị vui lòng mua vé vào cổng. Với vé này, quý vị có thể thăm quan triển lãm, chương trình cộng đồng và phòng đọc. Quý vị vui lòng xem thêm chi tiết giá vé tại đây.  

***Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…