Loading Events

« All Events

CHÚNG TA Ở ĐÂY, CÙNG NHAU

  • This event has passed.

Nghệ sĩ: Julia SarisetiatiVicky Đỗ
Giám tuyển: Grace SambohBill Nguyễn

Ngày triển lãm:
14 tháng Mười hai 2018 – 27 tháng Một 2019 (khai mạc vào lúc 18g00 ngày 14 tháng Mười hai 2018)

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory tự hào giới thiệu ‘Chúng ta ở đây, cùng nhau’ –  triển lãm thuộc phiên bản mở màn của chương trình ‘Pollination‘ (‘Thụ phấn’), nhằm kiến tạo các mạng lưới tương trợ tích cực giữa nghệ sĩ, giám tuyển và cộng đồng nghệ thuật trong khu vực Đông Nam Á. The Factory là đơn vị khởi xướng chương trình, cùng với SAM Fund for Arts and Ecology (Quỹ Nghệ thuật và Sinh thái SAM) (Indonesia) là đơn vị đồng phát triển và tài trợ cho phiên bản mở màn. Từ tháng 2 đến tháng 12/2018, hai giám tuyển được lựa chọn – Grace Samboh (Indonesia) và Bill Nguyễn (Việt Nam) – đã cùng nhau học hỏi và chia sẻ về bối cảnh địa phương và đam mê của mỗi người. Họ đã lần lượt lựa chọn Julia Sarisetiati (Sari) (Indonesia) và Vicky Đỗ (Việt Nam) là những nghệ sĩ đồng hành xuyên suốt dự án và triển lãm.

‘Chúng ta ở đây, cùng nhau’ lấy cảm hứng từ khái niệm “kita” trong tiếng Indonesia – tuy không dễ để chuyển ngữ sang tiếng Anh, nhưng có thể tạm dịch là “we” hay “us”. Tương tự, trong tiếng Việt có “chúng ta”. Là những từ mang tính bao hàm, chúng nhận diện người nói và (những) người nghe là thành viên của cùng một nhóm; phản chiếu một cách hiểu về “ta” và “những người khác” không chỉ dưới góc độ riêng rẽ đơn lẻ, mà còn xem xét cả mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Mối dây này nhìn nhận những tương đồng kết nối ta lại với nhau; những khác biệt có thể phá vỡ trạng thái cùng-nhau đó; đồng thời ám chỉ nhu cầu ta cần cùng tiếp bước về phía trước, rời xa khỏi điểm chia lìa.

‘Chúng ta ở đây, cùng nhau’ là cuộc khai mở hành trình Sari và Vicky định vị và dấn thân vào đời sống – nơi chốn, cộng đồng, con người, chính sách xã hội – xung quanh họ. Là những người thực hành nghệ thuật độc lập, cùng lúc là thành viên của các nhóm nghệ sĩ tự do (Sari với ruangrupa¹ tại Jakarta và Vicky với Chaosdowntown² ở Sài Gòn), cả hai đều thể hiện mối quan tâm sâu sắc không chỉ trong cộng đồng nghệ thuật, mà còn tới cả địa phương nơi họ sinh sống. Suy ngẫm lại về khả năng vừa là chủ thể vừa là khách thể của nghệ sĩ, Sari và Vicky tự vấn về vị trí là người kiến tạo, đồng thời cũng là người bị/được kiến tạo, thông qua quá trình cân đo bóc tách những tình thế đặc thù và trạng thái khu biệt của chính những môi trường họ đặt chân tới và trải nghiệm, với cùng niềm hy vọng nới rộng và vượt khỏi những hạn chế, kỳ vọng và định kiến mang tính địa lý và xã hội.

Dự án của Sari khởi nguồn khi cô đang làm việc tại Hàn Quốc và gặp gỡ những người đồng hương Indonesia. Dù bị cho là lực lượng lao động kỹ năng thấp³ trong bối cảnh Indonesia, thiếu điều kiện cần thiết cũng như đào tạo chuyên môn để thăng tiến, những người lao động di trú này thực ra lại chiếm đóng một không gian vùng trũng (liminal space)⁴ quan trọng. Họ đứng giữa những ngả đường đổi thay: một bên là cách định hình danh tính, cuộc đời và cộng đồng đã cũ; bên còn lại là hướng đi mới mà họ vẫn chưa thể mường tượng hay tạo dựng. Sau quá trình cùng làm việc với cộng đồng này (luân chuyển giữa Hàn Quốc và Indonesia) từ năm 2011, thông qua nhiều dự án nghệ thuật, Sari tiếp tục chất vấn: bằng cách nào ta có thể chuẩn bị bản thân để ứng phó trước những thời thế không kiên định? Bằng cách nào để học hỏi lẫn nhau, chia sẻ chiến lược sinh tồn, hay giải trừ những giáo điều đã được chỉ dạy? Thông qua các phương tiện nhiếp ảnh, in, sắp đặt video và tư liệu lưu trữ, Sari vừa bóc tách các câu hỏi trên, vừa vun đắp, xây dựng mối quan hệ với cộng đồng lao động di trú – từ những người chuẩn bị rời khỏi Indonesia, những người đã đang lao động ở nước ngoài, tới những người chuẩn bị hồi hương. Trong mối gắn kết này, họ cùng nhau tìm cách di chuyển và điều hướng hoàn cảnh sinh sống, môi trường làm việc và vai trò của chính phủ trong đời sống hằng ngày.

Song song, dự án của Vicky bắt đầu từ khu vực nơi cô cư trú – Quận 4 – một trong hai mươi tư quận tạo nên Sài Gòn, thành phố lớn nhất Việt Nam. Với lịch sử đầy rẫy bạo lực và tệ nạn xã hội, Quận 4 từng là nơi sinh sống của tầng lớp bị coi là thấp kém trong xã hội, từng bị lãng quên như một ổ dịch của thành phố. Giờ đây, nó trở thành một điểm nóng trên thị trường bất động sản, với những thay đổi và phát triển cơ cấu hạ tầng cỡ đại diễn ra từng ngày. Là hội tụ của một quá khứ ẩm đạm và một thực tại dường như tươi sáng, trộn lẫn giữa bần hàn và giàu sang, Quận 4 là ví dụ điển hình cho hiện thực đang diễn ra phổ biến ở các siêu đô thị châu Á. Ở đó, những vấn đề về bất bình đẳng xã hội, phân chia tầng lớp, và đời sống lưu vong ngày càng trở nên rõ nét. Trong dòng chảy hối hả của xã hội, làm sao ta có thể tìm được một chốn bình yên để gọi là “nhà”? Được truyền cảm hứng bởi các thành tố tạo nên tinh thần và tính chất đặc thù (genius loci)⁵ của Quận 4 và con người nơi đây, Vicky sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật video, sắp đặt, điêu khắc và kể chuyện để làm mờ ranh giới (tượng trưng) giữa ký ức cá nhân và tập thể, giữa thực tế và hư cấu. Qua việc đào sâu tìm hiểu – ở vị trí bản thân là một cư dân và một người quan sát, một người trong cuộc và một kẻ ngoại lai, Vicky đưa ra các câu hỏi về ý nghĩa của việc thuộc về một nơi chốn và cộng đồng; và làm sao để khái niệm “nhà” có thể dung nạp cả cái “tôi-riêng” và cái “ta-chung”.

Trong tháng 1 và 2 năm 2019, một phần phiên mở màn ‘Pollination’ được trưng bày tại Jogjakarta dưới sự hỗ trợ của Galerie Lorong Cemeti Institute for Art and Society.

Để đọc thêm thông tin về ý tưởng, động lực, bối cảnh và cách vận hành của ‘Pollination’, vui lòng xem thêm tại đây.

[1] ruangrupa là một tổ chức nghệ thuật đương đại phi lợi nhuận, do một nhóm nghệ sĩ Indonesia thành lập tại Jakarta năm 2000. Mục tiêu của họ là thúc đẩy các ý tưởng nghệ thuật trong bối cảnh đô thị và đẩy mạnh phạm vi hoạt động của văn hoá thông qua các hoạt động triển lãm, liên hoan nghệ thuật, phòng thí nghiệm nghệ thuật, workshop, nghiên cứu, và ấn phẩm (sách, tạp chí, và bài viết trong các tập san trên mạng). Kể từ năm 2018, ruangrupa hợp tác với Serrum và Grafis Huru-Hara (GHH), để xây dựng GudSkul, một môi trường giáo dục với mục tiêu khám phá tính cộng đồng và hệ sinh thái trong thực hành nghệ thuật đương đại.

[2] Chaosdowntown là một collective nghệ thuật phi lợi nhuận ở Sài Gòn, được hai nghệ sĩ Thanh (Nu) Mai và Xuân Hạ đồng sáng lập năm 2015. Tập trung vào thế hệ Millennials/thế hệ Y  (sinh ra từ đầu những năm 1980 tới cuối những năm 2000), một trong các mục tiêu của Chaos là tìm kiếm, hỗ trợ, và quảng bá nghệ sĩ thử nghiệm trẻ, hoạt động độc lập, những người chưa có cơ hội đưa các tác phẩm đến với công chúng. Chaos đóng góp cho cộng đồng văn hoá nghệ thuật đương đại địa phương bằng cách tạo nên nguồn năng lượng tích cực thông qua chuỗi các hoạt động triển lãm, workshops, chiếu phim, thảo luận và trao đổi với nghệ sĩ trong và ngoài nước.

[3] Dựa trên số liệu của chính phủ Indonesia, vào năm 2017, lực lượng lao động của quốc gia này chiếm khoảng 120 triệu người. Trong số đó, 78% không có bằng cấp cao học, và hơn một nửa trong số 78% này mới chỉ hoàn thành bậc tiểu học. Việc không có nền tảng giáo dục bài bản là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc họ bị đưa vào nhóm lao động kỹ năng thấp. Vì lý do này, các quốc gia với chính sách tiếp nhận lao động di trú sẽ giới hạn thời gian lao động của những người này, cũng như siết chặt quy chế tái nhập cảnh đối với họ.  

[4] Nhà nhân học Victor Turner miêu tả không gian vùng trũng (liminal space) như một giai đoạn chuyển biến về chính trị hay văn hoá, nơi thể chế trước kia bị xóa bỏ, hệ thống cấp bậc bị đảo ngược, và các khả thể tương lai tạm thời ngưng đọng. Sự linh hoạt biến chuyển của không gian này tạo điều kiện hình thành nên các thực hành và cơ cấu tổ chức mới. Xem thêm: Victor Turner, 1967, “Betwixt and Between: The Liminal Period in Rites de Passage”, trong cuốn The Forest of Symbols (Ithaca, New York: Nhà xuất bản Đại học Cornell).

[5] Genius loci – tinh thần, tính chất hay cảm nhận đặc thù về một nơi chốn – hàm chứa những khía cạnh làm nên bản thể của một nơi chốn, tách biệt với những nơi khác. Nhà nghiên cứu Isis Brook xem các khía cạnh này mang tính tâm linh lẫn khoa học, trừu tượng lẫn vật chất. Chúng bao gồm: các sinh linh đặc biệt/ thần canh gác (như các linh hồn hay những vị tiên) của nơi chốn; những cấu thành nhất định về thổ nhưỡng và môi trường tạo nên các điểm tích tụ năng lượng; lịch sử, tính đặc trưng vùng miền, cũng như bản chất/linh hồn của chính vùng đất; những đặc thù vật lý và thành tố kiến trúc được gán lên và định hình nên vùng đất; con người và các nền văn hoá tồn tại/chiếm hữu vùng đất… Xem thêm: Isis Brook. ‘Can Spirit of Place by a Guide to Ethical Building’, trong cuốn ‘Ethics and the Built Environment’ (Warwick Fox chủ biên). Routledge, London, 2011, trang 139-151

Toàn cảnh triển lãm

Thuộc chương trình:

pollination_final-black (1)

Tài trợ và tổ chức bởi:

Đồng tài trợ bởi:

Đối tác tổ chức tại Indonesia:

Galeri Lorong

 

 

Hỗ trợ khai mạc:

Đối tác truyền thông: