The Factory rất vui mừng được công bố nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai đã trở thành nghệ sĩ đạt ‘Giải thưởng Nghệ sĩ Xuất sắc’ lần đầu tiên của chúng tôi!

 

GIẢI THƯỞNG NGHỆ SĨ XUẤT SẮC

 

Giải thưởng nhằm vinh danh thực hành nghệ thuật bền bỉ vượt ra ngoài phạm vi không gian xưởng cá nhân của họ, mang đậm tính thể nghiệm, thể hiện tư duy liên ngành với một nhãn quan độc đáo; cũng như ghi nhận việc nghệ sĩ tiếp cận, xoáy sâu và nuôi dưỡng con người và nơi chốn tác phẩm sinh ra hay đề cập tới. 

 

‘Nghệ thuật là một công cụ để tôi quan sát và truy vấn bản thân. Nhờ có sự tương tác với những cộng đồng người di cư, cựu chiến binh, bà con nông dân cũng như những người tôi có duyên được gặp trong chặng đường sáng tác mà tôi có được những mảnh kí ức tản mạn. Từ chính những manh mối này, tôi thị giác hóa những mường tượng, câu hỏi và liên tưởng của mình về lịch sử và xã hội xung quanh mình’.

 Nguyễn Thị Thanh Mai

 

‘Nguyễn Thị Thanh Mai là một trong những nghệ sĩ châu Á nổi bật nhất, và cô ấy đã đóng góp một tiếng nói độc đáo không chỉ ở địa phương, mà còn ở khu vực và quốc tế. Thanh Mai làm việc với đa dạng phương tiện: cô ấy từng sáng tác tác phẩm từ những quả cà chua héo, từ những chiếc gai khô, từ video cho tới collage ảnh, cùng nhiều chất liệu và kỹ thuật khác. Sức thử nghiệm dồi dào này trong hình thức lẫn kỹ thuật có một sự đồng vọng tương xứng trong tính mới mẻ về ý niệm và sự quả cảm trong những theo đuổi của cô đối với các vấn đề xã hội, lịch sử trong các tác phẩm của mình. Nghệ thuật của Thanh Mai cũng kể những câu chuyện của nhiều cộng đồng ít  được cất tiếng trong xã hội ngày nay, từ phụ nữ, trẻ em, cho tới những người lính và những cộng đồng không quốc tịch. Về quy mô, các tác phẩm của Mai mang tính xuyên quốc gia, và đã được phát triển cũng như trưng bày ở nhiều không gian lớn tại Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Áo, Đức, Thái Lan và nhiều nơi khác’.

Thành viên hội đồng giám khảo, TS Roger Nelson (Giám tuyển, Bảo tàng Quốc gia, Singapore)

 

‘Một nghệ sĩ hiếm hoi, lặng thầm làm nghệ thuật như đang thở’

Thành viên hội đồng giám khảo, nghệ sĩ Trần Lương

 

Thay mặt hội đồng giám khảo, The Factory xin gửi lời chúc mừng tới tất cả các nghệ sĩ được đề cử trong giải thưởng mùa đầu tiên năm nay. Thực hành nghệ thuật của họ đã thể hiện rõ rằng, ngày nay, nghệ thuật mang bản chất liên ngành, và vì thế, để sáng tác tác phẩm nghệ thuật của mình, họ được ảnh hưởng và sử dụng các ý tưởng, công cụ từ nhiều cộng đồng và lĩnh vực khác nhau. Do vậy, đây là một giải thưởng nhằm ghi nhận các nghệ sĩ đã có những đóng góp cụ thể cho các cộng đồng và nơi chốn, cũng như đã góp phần nuôi dưỡng ý thức xã hội về mối quan hệ giữa văn hoá và xã hội.

 

Nghệ sĩ đạt giải của chúng ta – Nguyễn Thị Thanh Mai –  sáng tác với nhiều dạng vật liệu và kí ức khơi dậy cảm quan mạnh mẽ và sự đồng cảm. Trong các tác phẩm của Mai, sự hiện diện của cơ thể người hàm chứa cả sức nặng vật lý và tâm lý – khi dưới dạng những cái gai đen đông cứng trong khối băng, lúc thì qua những dụng cụ khám phụ khoa bọc kín bằng lớp pha lê nhựa đặt trang trọng trong hộp kính, hay cũng có lúc là bóng hình ám ảnh của những người dân Việt di cư dọc sông Mekong lên Campuchia. Làm việc với các ngôn ngữ đa dạng như hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, trình diễn, sắp đặt và video, nghệ thuật của cô hé lộ đời sống của nhiều cộng đồng người yếm thế, chẳng hạn như những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người lao động di cư, người tị nạn, người chuyển giới,… đồng thời chất vấn những định kiến xã hội tác động trực diện tới cuộc sống của họ. Mai tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Nghệ thuật thị giác tại Đại học Mahasarakham, Thái Lan. Cô hiện sống và làm việc tại Huế, tham gia giảng dạy nghệ thuật đồ hoạ tại trường đại học Huế song song với việc sáng tác và tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật có tiếng vang như “Nổ Cái Bùm” – tuần lễ nghệ thuật do nghệ sĩ điều hành diễn ra lần đầu tại Huế năm 2020.

 

Danh sách nghệ sĩ đề cử:

Lương TrịnhĐức VũNguyễn Thị Thanh MaiTuấn MamiTrần TuấnMai Nguyên AnhNguyễn Phương LinhNguyễn Huy An

Truy cập trang web của Vietcetera để đọc thêm thông tin của các nghệ sĩ.

 

Được The Factory khởi xướng vào năm 2021, giải thưởng lưỡng niên này vinh danh các nghệ sĩ có thực hành sáng tạo không chỉ giới hạn nơi xưởng làm việc; mà còn nỗ lực đóng góp cho cộng đồng địa phương và bối cảnh xã hội của họ theo một cách nào đó. Bởi, nghệ thuật ngày nay hàm chứa tính liên ngành, và trong thế kỉ 21 này, tiếng nói của văn hóa có ảnh hưởng lan tỏa tới nhiều lĩnh vực khác.

 

Ở thế kỷ 21, nghệ sĩ làm việc với tất cả mọi nguồn tri thức và phương pháp làm việc. Tại Việt Nam, có những nghệ sĩ làm việc với các nghệ nhân truyền thống nhằm phục dựng những kỹ thuật và tri thức bản địa như Bùi Công Khánh; có những nghệ sĩ làm việc với các doanh nghiệp để tạo ra những tác phẩm phản ánh tinh thần trách nhiệm với môi trường như Ưu Đàm Trần Nguyễn; cũng có những nghệ sĩ làm việc với các tổ chức động vật hoang dã để lên tiếng về tình trạng khai thác thú quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như Tuấn Andrew Nguyễn; có những nghệ sĩ xây dựng các không gian tự vận hành, để kết nối, trao đổi và sáng tác (có thể nghĩ tới ở đây Sàn Art, Art Labor, Hanoi Doclab, Nhà Sàn và nhiều hơn thế nữa), đó là những người liên tục hiện diện với những phương thức hồi đáp với bối cách đã và đang hun đúc cho sự phát triển của một cộng đồng nghệ thuật địa phương với khả năng tư duy phản biện cùng mạng lưới quốc tế vững chắc.

 

Xa hơn về mặt địa lý, chúng ta thấy có những nghệ sĩ làm việc với kiến trúc sư (chẳng hạn như Ngải Vị Vị đã từng cộng tác với Herzog và De Meuron để tạo ra Sân vận động ‘Tổ chim’ cho Thế vận hội Mùa hè 2008); có những nghệ sĩ làm việc với các nhà thiết kế (chẳng hạn như Yayoi Kusama trong lần kết hợp với Louis Vuitton); có nghệ sĩ làm việc với các nhà hoạch định chính sách về môi trường (ví dụ như Martha Atienza và cách cô nâng cao nhận thức về tiêu thụ plastic ở quần đảo Bantayan); hay cũng có những nghệ sĩ làm việc với công nghệ (ví như nhóm Forensic Architecture được chính phủ Li-băng thuê để vẽ bản đồ thị giác dựa trên các dữ liệu từ hàng tỉ hình ảnh được chụp trước vụ nổ cảng kinh hoàng năm 2020). Đây là những nỗ lực “thay đổi cuộc chơi” trong thế giới nghệ thuật – họ là những người mà tư duy liên ngành của họ đã đưa ra những va chạm thú vị và sáng tạo. Ở Việt Nam, The Factory mong muốn giới thiệu và nuôi dưỡng những phương cách làm việc này – khích lệ cộng đồng của chúng tôi tư duy ‘ngoài khuôn khổ’ về định nghĩa nghệ thuật ngày nay.

 

Với một khoản quỹ sẽ được sử dụng để hỗ trợ nghệ sĩ sản xuất tác phẩm mới và một triển lãm cá nhân tại The Factory, ‘Giải thưởng Nghệ sĩ Xuất sắc’ ra đời nhằm đáp ứng với bối cảnh văn hóa cụ thể của Việt Nam – nơi cơ sở hạ tầng cho nghệ thuật còn hạn chế.  Hiện tại, ở nước ta, giáo trình nghệ thuật của các cơ sở đào tạo chính quy không dạy về nghệ thuật đương đại một cách bài bản, sâu sát. Bên cạnh đó, hệ thống  bảo tàng do nhà nước quản lý có rất ít những nghiên cứu chuyên sâu về tính liên ngành, về sự đa dạng ngôn ngữ nghệ thuật. Về phía hoạt động lợi nhuận, hệ thống gallery thương mại phần lớn nhắm tới thị trường khách du lịch và nhìn chung đều phải đối diện với sự kiểm duyệt của các cơ quan cấp phép.

 

Tuy nhiên, đối mặt với tất cả những trở ngại trên là một thế hệ trẻ khởi nghiệp đang phát triển lớn mạnh, nhiều người được giáo dục nước ngoài, có khả năng tài chính cùng sự quan tâm không ngừng gia tăng đối với văn hóa. Họ đặc biệt chú trọng tới nền văn hóa của chính mình, tới ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của nó – không chỉ ở địa phương mà còn cả trên trường quốc tế. Từ những năm cuối của thập niên 80, Việt Nam cũng đã xây dựng được một nền nghệ thuật năng động và bền bỉ, được nuôi dưỡng bởi các cá nhân và tổ chức độc lập, thông qua sự tạo lập của các nhóm nghệ sĩ, các không gian nghệ thuật hoạt động tập thể, các chương trình lưu trú – trao đổi ‘ngầm’, cũng như các mô hình tồn tại và thực hành nghệ thuật khác. Suốt thập kỷ vừa qua, nghệ sĩ đương đại Việt Nam cũng đã nhận được những chú ý đáng kể từ bạn bè quốc tế. Điều này cũng giúp mang lại nhiều cơ hội để cộng đồng địa phương phản tư, đồng thời mở rộng hơn nữa quan điểm của chúng ta trước bản chất, mục đích và vai trò của việc thực hành nghệ thuật, đặc biệt là trong bối cảnh hôm nay.

 

Mặc dù vậy, tại The Factory, chúng tôi vẫn tự hỏi: Liệu ta có thể làm gì để đem lại một sự công nhận mang tính quốc gia dành cho nghệ sĩ – những người đáng được vinh danh rộng rãi? Và ở một nơi không tồn tại nhiều những thước đo chuyên nghiệp, có tính đối chiếu so sánh, thì các nhà sưu tập địa phương đầy triển vọng sẽ dựa vào bộ tiêu chuẩn nào để đo lường sự thành công của nghệ sĩ và giá trị của tác phẩm? Chính vì vậy, The Factory tin tưởng rằng giải thưởng này sẽ vinh danh không chỉ sự ‘xuất sắc’ trong tay nghề kỹ thuật và phương pháp xử lí chất liệu (một khía cạnh không thể không cân nhắc), mà còn đề cao cả tầm quan trọng của những yếu tố khác trong quá trình ‘cân đo đong đếm’ giá trị của thực hành nghệ thuật ngày nay, chẳng hạn như lòng thấu cảm, tinh thần sẻ chia và sự chú tâm chăm sóc của nghệ sĩ trước những trần thuật, cộng đồng và vấn đề nhức nhối của địa phương.

 

Với ban đề cử đại diện nhiều vùng trên khắp Việt Nam (bao gồm giám tuyển, nghệ sĩ, sử gia) và hội đồng giám khảo có danh tiếng quốc tế, kiến thức chuyên môn và mạng lưới sâu rộng; với sự tài trợ và ủng hộ hào phóng từ các đơn vị khác nhau; với sự đồng hành của các đối tác truyền thông cả trong lẫn ngoài nước, The Factory hy vọng rằng ‘Giải thưởng Nghệ sĩ Xuất sắc’ sẽ thúc đẩy hơn nữa tinh thần tương trợ có tính xây dựng và thi đua trong cộng đồng thực hành nghệ thuật tại Việt Nam.

 

Lưu ý: xin chân thành cảm ơn hai đối tác, Nguyen Art Foundation sẽ tổ chức triển lãm của Nguyễn Thị Thanh Mai tại TP.HCM vào đầu năm 2023 và APD tại Hà Nội sau đó. Các kỳ tiếp theo của giải thưởng sẽ do các giám tuyển tiếp tục tổ chức, độc lập với The Factory. Chúng tôi vô cùng hân hạnh tiếp bước cùng cộng đồng trong nỗ lực ghi nhận những thực hành nghệ thuật tiêu biểu tại Việt Nam. Hẹn gặp lại một ngày không xa!

 

Đọc bài phỏng vấn sau từ Giám đốc Nghệ thuật của chúng tôi, Zoe Butt và nhà đồng tài trợ của Giải thưởng, Jun Tirtadji (ROH Project) để biết thêm về công việc của họ cũng như lý do tại sao Giải thưởng này lại quan trọng với họ.

 

 

Tổ chức & tài trợ:

Đồng tổ chức:

Đồng tài trợ:

Với hỗ trợ từ:

Đối tác truyền thông:

 

 

 

 

Thông tin thêm:

Tiêu chí đánh giá:

  • Nghệ sĩ người Việt, hiện sinh sống tại Việt Nam (bao gồm cả nghệ sĩ Việt Kiều hiện đang sinh sống tại Việt Nam)
  • Nghệ sĩ có thực hành sáng tạo không chỉ giới hạn nơi xưởng làm việc; mà còn nỗ lực đóng góp cho cộng đồng địa phương và bối cảnh xã hội của họ theo một cách nào đó.
  • Nghệ sĩ hoạt động tích cực và liên tục sáng tạo, dù các tác phẩm của họ chưa có nhiều cơ hội trưng bày (bởi quy trình cấp giấy phép triển lãm của Việt Nam khá khó khăn)

 

Quy trình đánh giá:

Mỗi thành viên trong ban đề cử sẽ chọn giới thiệu hai nghệ sĩ. Ban đề cử bao gồm Trần Lương, Nguyễn Trinh Thi, Trâm Vũ, Ly Hoàng Ly, Arlette Quỳnh-Anh Trần, Đỗ Tường Linh, The Factory.

Hội đồng giám khảo: Roger Nelson (Giám tuyển, Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Singapore), Arlette Quỳnh Anh Trần (Giám tuyển, Post Viđai), Zoe Butt (Giám đốc Nghệ thuật, The Factory), Tom Tandio (Giám đốc, Art Jakarta), Trần Lương (Giám tuyển, Nghệ sĩ, Giám đốc sáng lập APD – Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật)

 

Giải thưởng (hai năm một lần): Giải thưởng bao gồm tiền mặt (160,000,000 VND) (hỗ trợ nghệ sĩ sản xuất tác phẩm mới) và một triển lãm cá nhân tại The Factory

Nghệ sĩ được lựa chọn cho Giải thưởng mùa đầu tiên sẽ được công bố vào tháng 8 năm 2021, với triển lãm diễn ra vào tháng 8 năm 2022. Triển lãm này cũng sẽ đến Hà Nội vào năm 2023, đồng tổ chức bởi APD – Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật.

Nghệ sĩ được lựa chọn cho Giải thưởng mùa tiếp theo sẽ được công bố vào tháng 8 năm 2022, với triển lãm diễn ra vào tháng 8 năm 2023.

 

Hội đồng nghệ thuật gồm những ai?

 

Arlette Quỳnh-Anh Trần là một người lao động nghệ thuật tại Sài Gòn. Cô hiện là Giám tuyển và Giám đốc của Post Vidai – bộ sưu tập nghệ thuật đương đại Việt Nam độc đáo và chỗ đứng quan trọng – đặt trụ sở tại Geneva (Thuỵ Sỹ) và Sài Gòn (từ năm 2016). Trước đó, cô từng là Trợ lý Giám tuyển, Sàn Art (2013 – 2015) và Trợ lý Giám tuyển, Saigon Open City (2006)—nỗ lực đầu tiên nhằm hiện thực hóa một triển lãm nghệ thuật đương đại có quy mô đáng kể tại Việt Nam do Rirkrit Tiravanija và Gridthiya Gaweewong làm giám tuyển.

Các hoạt động giám tuyển của cô mong muốn mở rộng giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật, coi nghệ thuật là chất xúc tác, sử dụng ngôn ngữ hình ảnh để giải thích, đặt câu hỏi và tường thuật nhiều khía cạnh của một chủ đề. Cô tập trung vào việc hợp tác giữa nghệ thuật thị giác và các ngành khác, từ khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đến kinh doanh, thiết kế và thời trang. Arlette đã đóng góp nghiên cứu và bài viết của mình cho nhiều ấn phẩm, triển lãm và dự án trong nước và quốc tế, chẳng hạn như Istanbul Biennale (2015); Giải thưởng Hugo Boss Châu Á (2015); 2084 (2012) với Pelin Tan và Anton Vidokle; ‘Số hóa Tài liệu Lưu trữ của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Blue Space’ cho Cơ quan Lưu trữ Nghệ thuật Châu Á, Hồng Kông; Diễn đàn Biennale thế giới lần thứ nhất, Gwangju, Hàn Quốc; Synapse – International Curator Network, HKW, Berlin; và một số triển lãm cá nhân và nhóm cho các nghệ sĩ trẻ tiềm năng ở Đông Nam Á.

Năm 2012, cùng với các nghệ sĩ thị giác Trương Công Tùng và Phan Thảo Nguyên, cô đồng sáng lập nhóm Art Labor, hoạt động đa dạng, trao đổi giữa nghệ thuật thị giác, khoa học xã hội và đời sống trong nhiều bối cảnh công cộng và địa phương khác nhau. Art Labor thực hiện nhiều dự án dài hạn và đã được giới thiệu tại các không gian như CCA-NTU Singapore; CCA Warsaw; Bảo tàng Times Museum, Quảng Đông, Trung Quốc; Trung tâm Pompidou, Paris, Pháp; và Carnegie International thứ 57, Hoa Kỳ. Gần đây nhất, Arlette đã hợp tác với Eidos Collective để tạo ra chuỗi podcast ‘Dispatch’, một sáng kiến để ‘vá khoảng cách’, đặc biệt là trong thời gian đại dịch, với những câu chuyện riêng biệt và người tham gia đa dạng, từ nghệ sĩ, giám tuyển, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập, người trưng bày, v.v..

‘Trần Lương là một giám tuyển độc lập, một nghệ sĩ thị giác, một nhân vật có nhiều đóng góp cho việc tạo ra không gian cho nghệ thuật đương đại có tính phản biện ở Việt Nam. Các tác phẩm của anh dựa trên nguồn tri thức bản địa dồi dào, chất vấn  các thiết chế chính trị xã hội kìm hãm sự thể hiện cá nhân. Là một người cố vấn hào phóng cho lứa trẻ, Trần Lương vượt ra khỏi vai trò giám tuyển thông thường, khuyến khích các nghệ sĩ vượt lên trên sự hữu hạn của điều kiện sáng tác, đối thoại với chính quyền về cơ chế kiểm duyệt, tạo ra sự giao lưu nghệ thuật giữa các vùng miền ở Việt Nam. Các tác phẩm nghệ thuật lay động của anh phê phán sự đàn áp, đề cao sức bền và tinh thần mạnh mẽ của con người, và thúc đẩy tính cá nhân thông qua hành động và suy nghĩ phản tư. Đồng thời, anh cũng là một người có cam kết sâu sắc với việc phát triển không gian, các sáng kiến mới, kết nối mạng lưới và cộng đồng cho nghệ thuật trình diễn và video; đầu lĩnh trong việc đặt câu hỏi về các chuẩn mực hiện hữu, từ đó mở ra các cách nhìn khác biệt trong bối cảnh kiểm duyệt và đòi hỏi sự tuân thủ. Trần Lương luôn đấu tranh cho tự do ngôn luận, làm giàu cộng đồng và nuôi dưỡng thế hệ trẻ.’ (Trích từ Giải thưởng Prince Claus, 2014)

Trần Lương đã tham gia vào các triển lãm đa dạng cả trong và ngoài nước. Các dự án đáng chú ý bao gồm ‘Jogja Biennale 2019’, Indonesia; ‘Polyphony Southeast Asia’, AMNUA Nanjing, Trung Quốc, 2019; Chancing Modern / Gang of Five ’, Hãng phim Quốc gia, Hà Nội, 2017; ‘Sunshower: Nghệ thuật đương đại từ Đông Nam Á, những năm 1980 đến nay’, Bảo tàng Nghệ thuật Mori, Tokyo, 2017; ‘Cơ thể Mong manh – Cơ thể Vật chất’, Tuần lễ Nghệ thuật Trình diễn Quốc tế Venice lần thứ 3, năm 2016; ‘Cử chỉ và Lưu trữ của Hiện tại, Phả hệ của Tương lai: Taipei Biennale, 2016; ‘Quần đảo bí mật’, Palais de Tokyo, Paris, 2015; ‘No Country: Contemporary Art for South and Southeast Asia’, Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York, 2013, trong số những triển lãm khác. Tác phẩm nghệ thuật của anh nằm trong nhiều bộ sưu tập công cộng và tư nhân trên toàn cầu.

Trần Lương là thành viên của ‘Gang of Five’, một nhóm hoạ sĩ Hậu-Đổi Mới táo bạo (được gọi tên chính thức năm 1993); đồng sáng lập ‘Nhà Sàn’ (thành lập 1998); người sáng lập / giám đốc Trung tâm Mỹ thuật Đương đại Hà Nội (2000-2003); Chủ tịch Hội đồng cố vấn của ‘Nhà Chống Lũ’ / Sống Foundation, Việt Nam (thành lập năm 2013); và đồng sáng lập / giám đốc của ‘APD – Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật’, Việt Nam (thành lập năm 2020). Lương là người đã nhận Giải thưởng Prince Claus (năm 2014) và nằm trong ‘Hội đồng cố vấn’ của Hội đồng Văn hóa Châu Á ACC, New York (từ năm 2019).

Roger Nelson là một nhà sử học nghệ thuật và là giám tuyển tại National Gallery Singapore. Anh thực hiện công trình nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Anh là tác giả của cuốn Nghệ thuật hiện đại Đông Nam Á: Giới thiệu từ A đến Z (National Gallery Singapore, 2019) và là dịch giả của cuốn tiểu thuyết tiếng Khmer năm 1961 của Suon Sorin, Mặt trời Mới Mọc trên Đất Cũ (NXB NUS Press, 2019), cũng như các bài tiểu luận được xuất bản trên các tạp chí học thuật bao gồm World Art và ARTMargins, các tạp chí chuyên ngành bao gồm Artforum, sách và ca-ta-lô triển lãm. Anh là đồng sáng lập và đồng biên tập của Đông nam của Hiện tại: Những xu hướng mới trong Nghệ thuật Hiện đại và Đương Đại ở Châu Á (Southeast of Now: Directions in Contemporary and Modern Art in Asia), một tạp chí do NUS Press xuất bản. Anh đã từng giám tuyển các triển lãm và dự án ở Úc, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tom Tandio là một doanh nhân và nhà sưu tập thấu hiểu hạ tầng nghệ thuật ở các quốc gia có nền văn hóa bảo tàng non trẻ, cũng như những quang cảnh nơi nghệ sĩ địa phương thường chỉ có thể tiếp cận khán giả trong nước và quốc tế thông qua các cuộc triển lãm tạm thời và các khởi xướng cá nhân. Anh đã tham gia tích cực vào việc hỗ trợ mở rộng các hoạt động dạng này để đảm bảo những tài năng đó đến được với khán giả trong nước và quốc tế. Anh từng đảm nhiệm vị trí thành viên hội đồng quản trị của triển lãm quốc tế lưỡng niên Biennale Jogja, ở Yogyakarta; và là người thành lập ‘IndoArtNow Foundation’ – một không gian lưu trữ trực tuyến các tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại Indonesia.

Bộ sưu tập của cá nhân anh tập trung vào nghệ thuật đương đại Đông Nam Á. Năm 2016, bộ sưu tập của anh đã được trưng bày tại Song Eun Art Space – một tổ chức phi lợi nhuận quan trọng ở Seoul. Năm 2018, Tandio rời vị trí Giám đốc Nghệ thuật và Chủ tịch Hội đồng các Nhà Sưu tập Trẻ của ‘Art Stage Jakarta’,  để trở thành Giám đốc của ‘Art Jakarta’, hội chợ nghệ thuật quốc tế thường niên tập trung vào thị trường Đông Nam Á và Châu Á, nay đã trở thành hội chợ mỹ thuật hàng đầu của Indonesia.

Zoe Butt là giám tuyển và cây viết sống tại Việt Nam. Thực hành giám tuyển của cô tập trung vào việc xây dựng các cộng đồng nghệ thuật đặt tư duy biện luận và nhận thức lịch sử làm nền tảng, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia thuộc bán cầu nam. Hiện, Zoe là Giám đốc Nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, TP.HCM – không gian đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Cô từng là Giám đốc điều hành và giám tuyển của Sàn Art, TP. Hồ Chí Minh (2009-2016); Giám đốc Chương trình quốc tế, dự án Long March, Bắc Kinh (2007-2009) và Trợ lý giám tuyển mảng nghệ thuật đương đại Châu Á tại Queensland Art Gallery, Brisbane (2001-2007) – một vị trí đặc biệt tập trung vào phát triển Triển lãm Triennial về Nghệ thuật Đương Đại Châu Á-Thái Bình Dương.

Các bài viết của Zoe đã được xuất bản trên Hatje Cantz; Art Review; Independent Curators International; ArtAsiaPacific; Printed Project; Lalit Kala Akademi; JRP-Ringier; Routledge; và Sternberg Press, v.v. Các dự án giám tuyển của Zoe bao gồm những nền tảng đối thoại liên ngành như ‘Nhận thức Thực tại’ (2013-2016); triển lãm online ‘Những phương Nam đan xen’ (2016); và các triển lãm nhóm của nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế tại các nhiều địa điểm trên thế giới. Các triển lãm gần đây bao gồm: ‘Sharjah Biennial 14: Leaving the Echo Chamber – Journey Beyond the Arrow’ (2019); ‘Rừng Hoang: Tuấn Andrew Nguyễn’ (2018); ‘Tinh thần bằng hữu’ và ‘Quên lãng nên thơ: Phan Thảo Nguyên’ (2017); ‘Dislocate: Bùi Công Khánh’ (2016); ‘Conjuring Capital’ (2015). Zoe là một Thành viên Giám tuyển Quốc tế của MoMA; thành viên trong Hội đồng nghệ thuật Châu Á của bảo tàng Solomon R. Guggenheim New York; và trong năm 2015, Zoe được vinh danh là Nhà lãnh đạo trẻ Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế Giới.

 

Đồng tài trợ:

Sứ mệnh của Chu Foundation là thúc đẩy sự phát triển của con người thông qua giáo dục và bồi dưỡng cho nghệ sĩ dựa trên các khía cạnh khác nhau của biểu đạt. Là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, Chu Foundation hỗ trợ một số tổ chức từ thiện nhằm mang lại những ảnh hưởng tích cực cho xã hội, bao gồm Tung Wah Group of Hospitals, University of Chicago, and Hong Kong Society for the Protection of Children. Trong lĩnh vực nghệ thuật, Chu Foundation hỗ trợ các tổ chức danh tiếng như Pompidou (Pháp), Tate (Anh) và Smart Museums (Mỹ). Vào năm 2021, ‘Chu Residency’ tại Tateyama, Toyama Prefecture, Nhật Bản sẽ bắt đầu chương trình cố vấn nhằm thúc đẩy các trao đổi quốc tế về nghệ thuật và văn hoá. Được các nhà bảo trợ Natalie and Lawrence Chu sáng lập nên, Chu Foundation phản ánh mối quan tâm của họ cũng như niềm tin của họ về cách mà giáo dục và nghệ thuật có thể mang tới ý nghĩa và sự sáng tạo làm giàu có thêm cuộc sống.  https://thechufoundation.org

 

ROH Projects được thành lập năm 2012 với tầm nhìn trở thành một phòng tranh hàng đầu trong việc phát triển nghệ thuật đương đại ở Indonesia và khu vực châu Á Thái Bình Dương. ROH Projects tập trung vào cung cấp một nền tảng cho các nghệ sĩ trẻ có thực hành độc đáo cũng như giới thiệu những nghệ sĩ đã có kinh nghiệm hơn theo một cách thức tinh tế và thông tuệ. ROH đã từng triển lãm ở nhiều hội chợ nghệ thuật danh tiếng ở châu Á và thúc đẩy các hợp tác quốc tế đa tầng. https://rohprojects.net

 

Hỗ trợ:

Nguyen Art Foundation được Quỳnh Nguyễn thành lập năm 2018  nhằm mở rộng các khả năng cho nghệ thuật đương đại Việt Nam thông qua những trao đổi toàn cầu, không chỉ góp phần làm giàu có thêm các thực hành nghệ thuật của mỗi cá nhân, mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của nền nghệ thuật Việt Nam. Bộ sưu tập của Nguyen Art Foundation tập trung vào Việt Nam, nhằm vấn đề hoá khái niệm về danh tính liên quan tới quốc tịch, ưu tiên lựa chọn các thực hành, các ý niệm nghệ thuật, các tác phẩm từ cả nghệ sĩ Việt Nam lẫn quốc tế. Giáo dục là triết lý cốt lõi của Nguyen Art Foundation nhằm nuôi dưỡng một thế hệ người yêu nghệ thuật mới. Thông qua các hợp tác với các trường như EMASI và Renaissance International School Saigon, nghệ thuật được đưa vào đời sống học tập của học sinh một cách uyển chuyển, nhằm khích lệ một mức độ thưởng thức nghệ thuật cao hơn từ phía học sinh, đặc biệt chú tâm tới bối cảnh xã hội và chính trị, cũng chính là một phần trải nghiệm học tập.  https://nguyenartfoundation.com

 

Đồng tổ chức:

APD – Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật là một doanh nghiệp xã hội thành lập vào tháng 10 năm 2020 tại Hà Nội với mục tiêu hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật, thúc đẩy sự phát triển văn hóa – xã hội. Hoạt động của APD hướng đến nâng cao năng lực cho nghệ sĩ thông qua việc hỗ trợ thông tin, phương tiện và công nghệ, kết nối họ với các đối tác chuyên nghiệp để mở ra những cơ hội làm việc nhóm tương tác và sáng tác. Bên cạnh đó, APD cũng tạo thêm cầu nối giữa giới văn hóa nghệ thuật với công chúng, nhà nghiên cứu ở các ngành nghề, nhà sưu tập, doanh nghiệp, các cơ quan và tổ chức phát triển xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và nhân văn, đồng thời, xây dựng mạng lưới cộng tác để thúc đẩy thị trường nghệ thuật nội địa. APD cũng chú trọng tới hoạt động nghiên cứu và đối thoại chuyên sâu nhằm đưa ra những phân tích, đánh giá tình hình phát triển nghệ thuật một cách khoa học, khách quan, cung cấp thông tin chất lượng, kịp thời, giúp ngành văn hóa nghệ thuật có thêm góc nhìn mới. https://www.facebook.com/apdcenter.vn