Loading Events

« All Events

NHỮNG MỐI QUAN HỆ TAN VỠ

  • This event has passed.

Nghệ sĩ: Nguyễn Ngọc Thạch

Giám tuyển: Vân Đỗ

Ngày triển lãm: 16 tháng Tám đến 27 tháng Mười 2019 (Khai mạc vào lúc 18g00 ngày 16 tháng Tám 2019)

‘Những mối quan hệ tan vỡ’ là một cuộc truy vấn của Nguyễn Ngọc Thạch vào sự chao đảo của trật tự thế giới, nơi những thoả ước xã hội giữa người với người đang trên bờ vực mất đi các nền tảng đạo đức. Với cách xử lý hội hoạ đầy điêu luyện trước thẩm mỹ cảnh quan và quang cảnh của tâm trí, Thạch khiêm cung ghi lại những hoàn cảnh làm người khắc nghiệt, đồng thời vẫn thẳng thừng đối mặt với những gì anh hiểu được về nỗi đau khổ và dằn vặt tâm can.

Hồi tưởng của người nghệ sĩ về ký ức tuổi thơ trên miền biển Quảng Ngãi, cuộc tản cư của bố anh từ miền Bắc vào miền Trung Việt Nam trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước, hay cuộc sống hiện tại của anh ở ngoại vi thành phố là những nguồn tham khảo chính cho triển lãm gồm 12 bức tranh (thuộc ba sê-ri) acrylic trên vải bố này. Một loạt các bức panorama thuộc những chiều không-thời gian phi tuyến tính phảng phất một không khí cõi phản địa đàng—một bờ biển hoang vu giữa đêm hôm khuya khoắt (‘Con còng gió’); một thửa ruộng xơ xác, khát khô, thiếu sức sống (‘Khát’); một con kênh đục ngầu lốm đốm người bơi, như thể ngập trong hạnh phúc (‘Con nước đen’); một công trình bỏ hoang, tàn phế đầy bóng tối (‘Những ô cửa ảm đạm’); một tấm kính dơ dáy (‘Bụi’). Với kỹ thuật ướt trên ướt (xịt nước lên bề mặt sơn nhằm tạo ra hiệu ứng của dòng chảy), các cảnh quan trong tranh như thể bỗng trở mình và bắt đầu khóc. Trong các tác phẩm này, con người xuất hiện trong trạng thái bất lực, dưới dạng những cái bóng, hoặc đôi khi cả trong sự vắng mặt hoàn toàn, như thể bị nuốt chửng bởi sự rợn ngợp của cảnh quan. Dù là con người trong tuyệt vọng hay là cảnh quan trong đổ nát, tất cả đều tê liệt: họ mắc kẹt đâu đó giữa những trông mong mòn mỏi và thực tại bất toàn.

Đối với Thạch, nghệ thuật không chỉ là những mẩu vụ đời sống nén lại trên toan (nhất là đời sống ở những khi sự bất bình đẳng được bình thường hoá, như cách anh dùng từ), mà nghệ thuật còn là nỗ lực tìm cách hiểu những mối quan hệ và các ranh giới đạo đức tồn tại giữa các tác nhân xã hội. Liệu chúng ta phải chịu trách nhiệm trước ai và về điều gì cho những hành động của mình? Trong ‘Chuyện trò’, Thạch đối mặt với một dàn những người đàn ông đóng bộ, ăn vận trong những bộ vét cao cổ; những nét tẩy/ xoá /miết / trét táo bạo khiến nhân dạng của họ trở nên vô danh. Thú vị là, kể cả khi những bức chân dung này hạ thấp quyền uy của một nhân vật thực thụ, chúng vẫn làm tròn bổn phận phản ánh và làm lộ ra mối căng thẳng kiềm toả giữa những người có quyền lực với những người trong trạng thái bất lực. Sê-ri ‘Chân dung’ trong triển lãm cũng phần nào gợi nhớ tới Francis Bacon và Marlene Dumas ở cách xử lý sơn và bố cục của tranh, đồng thời ở các mô-típ lặp đi lặp lại: khuôn miệng nổ tung (‘Vô đề 2’); những gương mặt bị hành hạ lấm máu (‘Vô đề 1’), ánh nhìn lấm lét bịt nửa mặt (‘Vô đề 3 & 4’). Từng tấm toan như thể gào lên, vỡ oà trong khiếp đảm, trong nước mắt, run rẩy trong sợ hãi—mỗi tác phẩm để lộ sự yếu đuối của con người trong những thời điểm tối tăm, cùng cực nhất. Những tranh chân dung – cũng là các tác phẩm được sáng tác đầu tiên trong triển lãm – được bén rễ từ di sản của ‘action painting’ (tạm dịch: hội hoạ hành động; một trường phái phát triển vào những năm 1940 thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ II đề cao bản thân hành động vật lý cũng như cử chỉ của việc vẽ hơn là kết quả cuối cùng là sự hoàn chỉnh của những bức tranh), và những tác phẩm hoạ người thời kỳ đầu của Đỗ Hoàng Tường, một hoạ sĩ Việt Nam khả kính mà Thạch cũng ghi nhận ảnh hưởng của ông trong thực hành của mình. Với các tác phẩm chân dung trong triển lãm, như thể đối thoại với những danh hoạ tiếng tăm thế giới, Thạch sử dụng những cây ‘cọ vẽ’ chế từ những vật dụng hàng ngày hoặc được tìm thấy một cách tình cờ—ví dụ như con dao nhặt được trong bếp hay cái bay do thợ hồ bỏ quên ở nhà anh—những công cụ có chức năng cũng để mài, miết, hay làm phẳng. Chính ở việc lựa chọn và ứng biến với những ‘hoạ cụ’ tự chế này mà phần nào Thạch cũng gửi vào đó khung khổ ý niệm của bộ tác phẩm hướng về việc khảo sát xã hội bên ngoài.

Triển lãm ‘Những mối quan hệ tan vỡ’ của Nguyễn Ngọc Thạch hé lộ một cảm quan bất an đối với đời sống đương đại, ở đó những thoả ước vốn ràng buộc con người với nhau thành một xã hội dần tan vỡ, ở đó đạo đức được đóng gói thành một món hàng, và cũng nơi đó lương tri con người ta ngày càng bị tha hoá khỏi sức lao động của chính họ. Và khi mà đổ lỗi luôn dễ hơn bất kỳ một nỗ lực nào cho việc hiểu, Thạch cho chúng ta vài phút (đủ lặng yên nhưng không kém phần dữ dội) để đặt câu hỏi: mỗi người chúng ta nên tham gia vào ma trận hỗn loạn của thế giới này thế nào? J. J. Rousseau từng nói, không một người nào có quyền uy tự nhiên lên người khác, và vì vậy chỉ còn lại với chúng ta là những thoả thuận. Vậy, những nền tảng nào mà chúng ta nên đồng ý với nhau trước khi bước vào những mối quan hệ?

Triển lãm này là một phần của chương trình ‘Materialize’, chương trình nhằm tạo cơ hội trưng bày cho nghệ sĩ Việt Nam chưa từng có dịp giới thiệu tác phẩm tới công chúng. Nghệ sĩ được khuyến khích khám phá và thử nghiệm với các chủ đề và phương tiện vượt ra khỏi lý thuyết và cách thực hành mà từ trước tới nay họ vẫn sử dụng. Chương trình dành cho các nghệ sĩ sinh ra và hiện đang sinh sống tại Việt Nam, có độ tuổi từ 25 trở lên.  Thông tin về đợt ứng tuyển tiếp theo cho phiên bản 2020 của Materialize sẽ được công bố vào tháng 10 năm 2019.

Tài trợ và tổ chức bởi:

Hỗ trợ truyền thông: