Loading Events

« All Events

HƯ CẤU KHÔNG THỂ THIẾU

  • This event has passed.

Nghệ sĩ: Tammy NguyễnHà Ninh
Giảm tuyển: Zoe ButtBill Nguyễn
Ngày triển lãm: 16 tháng Tám đến 27 tháng Mười 2019 (Khai mạc vào lúc 18g00 ngày 16 tháng Tám 2019)

Những câu chuyện và công cụ văn hoá mà ta kế thừa – chúng dẫn dắt ta như thế nào trong cuộc sống? Các mường tượng của nghệ sĩ (hay, các tác phẩm nghệ thuật) – chúng tái xác định giá trị và tầm quan trọng của những (gì bị giả định là) di sản văn hoá ra sao? Tại triển lãm Hư cấu Không thể thiếu, vai trò của bản đồ, huyền thoại và những câu chuyện được khám phá thông qua sức mạnh của hội hoạ, xuyên suốt các tác phẩm trên toan, giấy và gỗ của Tammy Nguyễn và Hà Ninh. Mỗi nghệ sĩ dựng nên một thế giới siêu thực khác biệt, được kết nối bởi mong muốn khảo sát các chiều kích mang tính kiến trúc và nhân dạng của sự ham muốn, của niềm khao khát. Thị giác mà họ tạo ra chơi đùa, hoán đổi các thế giới của cỏ cây, chim muông và con người; đồng thời chất vấn khao khát làm chủ thời gian và kiểm soát đạo đức như là một bình diện sai lệch từ gốc rễ, mang đầy tính bóc lột. Ở đó, bản tính bàng quang và khiếm nhã của con người, tiếc thay, thường chiếm thế thượng phong.

Suốt hàng nghìn năm qua, bản đồ – và thuật vẽ bản đồ – đã luôn đóng vai trò thiết yếu trong đời sống, sự tò mò và trí tưởng tượng của con người. Bản đồ hỗ trợ ta định vị các chòm sao; mở rộng đường biên kiến thức; khám phá những miền đất mới, các nền văn hoá khác. Chúng giúp ta hiểu được cách thức mà các nhóm người/các nền văn hoá khác nhau, ở những thời điểm nhất định trong lịch sử, đã hình dung ra sao về thế giới – qua lăng kính vật lý, tâm lý và tôn giáo. Bản đồ khơi nguồn sáng tạo, nhưng cũng là công cụ phục vụ mưu đồ bành trướng quyền lực, điều hướng dòng chảy di cư, hạn chế hoạt động của con người vào những đường biên định sẵn. Tương tự, từ khởi thủy, người kể chuyện vẫn luôn được ngưỡng vọng cả ở phương diện xã hội lẫn văn hoá, như những nhà giáo dục, như những nhà tiên tri. Câu chữ của họ khéo léo đối chiếu cả ý thức lẫn sự thờ ơ của loài người, qua đó hé lộ năng lực tinh thông (nhưng đầy lầm lỡ) của chúng ta. Những câu chuyện họ kể (ta có thể nghĩ tới Ovid, Shakespeare, Khổng Tử, Rumi hay Ferdowsi) vẫn giữ được mối liên đới mật thiết tới đời sống đương đại, mặc dù tiếc thay chúng cũng thường bị công cụ hoá bởi các cá nhân hay tổ chức, làm méo mó kim chỉ nam đạo đức mà vốn các câu chuyện hướng về. Là những công cụ, di sản thiết yếu, cả bản đồ và những câu chuyện đều đảm nhận trọng trách quan trọng: chúng gìn giữ kiến thức, đúc kết trải nghiệm, duy trì sự tồn tại của loài người.

Loạt tác phẩm Đất Mình của Hà Ninh (bắt đầu từ 2017 tới nay) vừa là một dự án vẫn đang tiếp diễn, vừa là một thế giới đang dần định hình. Ở đó, vô số các tự sự thị giác xoay quanh một vũ trụ tưởng tượng liên tiếp được phôi thai trong vòng tuần hoàn của lớn lên, trưởng thành, giao thoa; để hoá thân vào một thể nào đó chưa hoàn toàn hiện hữu. Với hệ thống logic, hệ thống đo lường và trần thuật lịch sử của riêng mình, được thể hiện qua các câu chuyện, bản đồ và mật mã thị giác, Đất Mình mời gọi ta bước vào lãnh địa của Hà Ninh, vào một giấc mộng du hành vượt đại dương và châu lục, băng qua các lâu đài, làng mạc và trang trại hư cấu, qua cả những cảnh quan, nơi chốn thần kì, mang dáng dấp của những câu chuyện cổ tích, những bộ phim khoa học viễn tưởng hay những hành tinh của tương lai. Ở đây, điểm kết thúc của câu chuyện này có thể đánh dấu điểm khởi đầu của câu chuyện kia, và việc nhìn ngắm một tiểu tiết có thể dẫn ta đến một miền không-thời gian/một thế giới hoàn toàn khác. Như những nhà khảo cổ, ta nhận lời mời khai quật vùng đất này, lần theo các di tích và chỉ báo vùi dưới lòng đất, mong sao phần nào cảm thụ được lịch sử (hư cấu) của nó. Như những kẻ mộng mơ, ta được yêu cầu trút bỏ các tiền nghiệm, và thả mình chìm đắm vào vũ trụ huyễn tưởng của Đất Mình, mong sao hành trình khám phá một thế giới (nơi ta hằng ước được sinh sống) sẽ khởi hành.  

Trải rộng tầm mắt ra khắp bề mặt các bức hoạ phong cảnh rực rỡ, khắp các hoạt cảnh tĩnh vật sống động và các điêu khắc di động của Tammy Nguyễn, ta dần thấy các mô-típ thị giác hiển lộ. Nào là những con mắt lấp láy, cuộn xoắn, lén nhìn từ đằng sau tán lá đang khóc nấc lên, hổn hển đớp khí. Nào là màu da con người nhuốm sắc thổ hoàng của đất đai, phản chiếu số phận chung luôn trong tình thế bị chất vấn bởi chính màu da của họ. Nào là loài thực vật bị phó mặc, giam hãm, thua cuộc trước sự nông cạn của loài người khi trí tưởng tượng của họ chẳng thể thấu hiểu các tự sự giàu biểu tượng của sinh cảnh này. Tràn lan là những ham muốn phát tiết. Che giấu sau mặt nạ là sự mục rữa. Sứ mệnh tìm kiếm cái siêu phàm hoá ra lại là sự cưỡng đoạt những miền đất xa xôi. Mưu cầu quyền lực được đánh đổi bằng sự đổ máu từ những cuộc xâm lăng. Ở loạt hình ảnh mà Tammy tạo ra, lòng tham của con người luôn luôn thống trị. Như một cuộc đối thoại ẩn dụ giữa đức tin, khoa học và đồng tiền, với các trích dẫn đến từ đa dạng triết lý (từ Ovid tới Blake; từ Swift tới di sản thần thoại của Nusantara), điều cuối cùng ta có thể đúc kết là: loài người đã chẳng học được gì từ những người kể chuyện – những nhà tiên tri; ngược lại, họ chỉ biết dấn sâu – từ thế hệ này sang thế hệ khác – vào mối tình mù quáng không điểm dừng với những mường tượng của chính họ.

Dẫu cho bản đồ, huyền thoại và những câu chuyện có giá trị lịch sử và xã hội như thế nào, thì tầm quan trọng của các loại hình nghệ thuật này lại nằm ở khả năng gây ảnh hưởng lên nhận thức nội tại của con người, cũng như khả năng mô phỏng thành tựu của con người thông qua các cấu trúc, chất liệu vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính tưởng tượng. Nói một cách khác, chúng là những hư cấu không thể thiếu. Bộ tác phẩm của Tammy Nguyễn và Hà Ninh, vì thế, nhắc nhở (đồng thời cảnh báo) về sức mạnh vượt trội (cũng như nguy hiểm đáng gờm) của trí tưởng tượng loài người – một quyền năng diệu kỳ có thể chứa đựng và truyền tải thông tin xuyên suốt lịch sử, qua các miền thời gian và văn hoá khác nhau. Và nếu được trao cho đúng người, trí tưởng tượng ấy còn có thể hồi phục, huỷ diệt hoặc chuyển hoá đời sống hiện thực nơi ta đang sống.

Đêm Khai Mạc Triển Lãm

Tài trợ và tổ chức bởi:

Hỗ trợ truyền thông: