Loading Events

« All Events

MƯỜNG TƯỢNG VỀ VIỆT NAM TRONG ĐÔNG NAM Á ĐƯƠNG ĐẠI – MỘT TIẾP CẬN SO SÁNH VÀ THỊ GIÁC

  • This event has passed.

Hướng dẫn bởi: Nguyễn Quang Dũng
Ngày: 16 tháng Sáu đến 07 tháng Bảy 2019
Thời gian: 15g00-17g30
Ngôn ngữ: tiếng Việt

The Factory hân hạnh giới thiệu một chương trình giáo dục lần đầu tiên được mang tới một không gian phi học thuật mang tên ‘Mường tượng về Việt Nam trong Đông Nam Á đương đại – Một cách tiếp cận so sánh và thị giác’ do Tiến sĩ Nguyễn Quang Dũng hướng dẫn.

Điều gì kiến tạo nên ‘Đông Nam Á’? Lôgic mà nói thì nó sẽ bao gồm những đặc trưng và các xung lực khác biệt về địa lý và văn hoá, vậy làm sao để định vị Việt Nam trong miền địa-chính trị này? Những đặc tính hay điều kiện cụ thể nào về Việt Nam làm cho nó là một một phần của ‘Đông Nam Á’? Trong diễn ngôn nghệ thuật đương đại toàn cầu gần đây, Đông Nam Á là một khái niệm và một vùng địa lý ngày càng nhận được sự quan tâm từ các bảo tàng, nhà sưu tập, giám tuyển, sử gia và các cây viết nghệ thuật, tuy vậy đây cũng là một khu vực gây tranh cãi. Tương tự, các nghệ sĩ đương đại ở khắp nơi trên khu vực này cũng đang nghiên cứu những lịch sử liên ngành lẫn nhau, đào xới lên những trần thuật tương đồng và những lễ nghi ít ai biết tới trước đây. Điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta thử khảo sát khu vực này với cách tiếp cận liên ngành (interdisciplinary) giữa nhân học thị giác và xã hội học kết hợp với phương pháp so sánh (comparative) và thị giác (visual) – liệu cách tiếp cận này có thể đóng góp gì vào việc giải quyết những tình thế lưỡng nan về xã hội, văn hoá và kinh tế mà chúng ta chia sẻ nhiều điểm chung?

Khoá học gồm 6 phiên này sẽ cung cấp những góc nhìn chuyên sâu bằng cách tiếp cận liên ngành và phương pháp so sánh, nhằm đào sâu vào các chủ đề đương đại trải khắp Việt Nam và các nước Đông Nam Á – có thể kể đến như các đặc trưng xã hội, các khung khổ chính trị, xã hội dân sự, các phong trào xã hội, quang cảnh giới, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa thế tục (secularism), các mối quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia Đông Nam Á, các cộng đồng bên lề xã hội, các vấn đề môi trường, căn tính văn hoá trong tương quan với tính hiện đại.

Sử dụng nhiếp ảnh, phim, các phương tiện truyền thông mới (new media), và các cách tái trình hiện thị giác đa dạng, khoá học cũng sẽ truy vấn và vấn đề hoá những khắc hoạ thị giác về lịch sử, văn hoá và các xã hội đương đại Đông Nam Á, với tập trung đặt vào Việt Nam. Đồng thời, chúng ta sẽ cùng xem xét sự đan cài của những căn tính văn hoá, các quá trình phát triển mang tính lịch sử, cũng như nhiều các vấn đề chính trị-xã hội khác ở các quốc gia Đông Nam Á đương đại. Khoá học cũng sẽ giới thiệu tới người tham gia các tác phẩm thị giác quan trọng đã và đang hình thành nên các cuộc thảo luận về sự phát triển của Việt Nam, góp phần mở rộng một khái niệm ‘bản sắc Việt’ đa chiều, tinh tế hơn.

Thời gian khoá học: từ 15g00 – 17g30, các ngày thứ bảy và Chủ nhật hàng tuần từ 16/06
Ngôn ngữ sử dụng: tiếng Việt (với một số bài đọc bằng tiếng Anh trình độ cơ bản – trung bình)

 

Lịch workshop cụ thể:

Phiên 1 (ngày 16/06): Đông Nam Á, điều gì ẩn chứa trong cái tên này? Đào sâu vào ‘căn tính Việt Nam’ trong bối cảnh khu vực
Phiên 2 (ngày 22/06): Các vấn đề về môi trường ở Đông Nam Á
Phiên 3 (ngày 23/06): Những hành động và cảm thức tập thể, từ Facebook tới hoạt động xã hội
Phiên 4 (ngày 30/06): Vai trò của tôn giáo trong các xã hội Đông Nam Á
Phiên 5 (ngày 06/07): Tưởng tượng lại về quang cảnh giới ở Việt Nam
Phiên 6 (diễn ra ngày 07/07): Điện ảnh Đông Nam Á, một nghiên cứu trường hợp của điện ảnh Việt Nam và Thái Lan

 

WORKSHOP NÀY LÀ DÀNH CHO BẠN, NẾU BẠN:
– Quan tâm tới văn hoá, xã hội Đông Nam Á;
– Ưu tiên các bạn sinh viên, ham hiểu biết và muốn trau dồi tư duy phản biện, cách tiếp cận so sánh liên ngành;
-Sử dụng: tiếng Việt. Tiếng Anh ở cấp độ đọc hiểu cơ bản do một số tài liệu đọc và thuyết trình.

 

HOẠT ĐỘNG LỚP HỌC:

Khác với những khoá học nặng tính học thuật thông thường, khoá học này sẽ tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên mang tính thị giác như phim, ảnh, các kho lưu trữ trên mạng, v.v… để sử dụng làm tài liệu chính cho khoá học bên cạnh các bài báo, tiểu luận trình bày các quan điểm liên quan đến chủ đề các phiên học. Vì vậy, học viên có thể được yêu cầu xem phim trước ở nhà hoặc đọc một số tài liệu bằng tiếng Anh ở trình độ trung bình. Trong suốt quá trình học, bằng các hình thức như thuyết trình, bản đồ tư duy (mind map) hay thảo luận nhóm, học viên sẽ được rèn luyện tư duy phản biện, sáng tạo vượt qua các khuôn khổ có sẵn (out of the box) và vượt ra khỏi lối nhận định và trình bày vấn đề mang tính miêu tả mà thay vào đó, hướng đến phê bình (critique) – xoay quanh những câu hỏi How? Why?, từ đó thấy được những ngụ ý hay thông điệp từ một bài đọc, một bộ phim hay một bức tranh (thay vì chỉ tập trung vào câu hỏi What?).

Sau khoá học, học viên được kỳ vọng sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn về Đông Nam Á và Việt Nam đương đại. Các bạn cũng sẽ biết cách đưa ra những luận điểm một cách rõ ràng, mạch lạc, mang tính phản biện cao hơn; có thể tham gia đàm luận học thuật với những cuộc tranh luận đang diễn ra nóng hổi về các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo, môi trường và đặc biệt là các vấn đề lịch sử, văn hoá khu vực Đông Nam Á.   

 

CÁCH THỨC THAM GIA WORKSHOP:

Xin lưu ý: Các bạn có thể đăng ký tham gia cả khoá học hoặc đăng ký theo phiên.

  • Đăng ký tại: http://bit.ly/register_SEA.  
  • Học phí từng phiên: 300,000VND/bạn
  • Học phí cả khoá: 1,650,000VND/bạn/khoá.
  • Mỗi phiên học chỉ nhận tối đa là 25 học viên.
  • Deadline: Nếu đăng ký tham gia cả khoá, hạn nộp đơn và hoàn thành học phí là ngày 08/06/2019. Nếu đăng ký theo phiên, các bạn vui lòng đăng ký và hoàn thành học phí ít nhất 5 ngày trước ngày diễn ra phiên học.
  • Sau 3 ngày đăng ký, nếu chúng tôi chưa nhận được học phí từ bạn thì chúng tôi không đảm bảo giữ được chỗ cho bạn.
  • Hình thức thanh toán: Chuyển khoản hoặc đóng học phí tại The Factory.

 

Vì đây là một chương trình thuộc chuỗi hoạt động Phòng Đọc của The Factory, học viên được khuyến khích tận dụng tối đa nguồn tài nguyên tại Phòng đọc của The Factory với nhiều đầu sách quý giá và đa dạng về nghệ thuật thị giác cũng như văn hoá, trải rộng từ Việt Nam, Đông Nam Á, Châu Á và thế giới.

VỀ CHUỖI WORKSHOP ĐỌC

Người xưa nói “Độc thư cầu lý” – đọc sâu để nắm bắt cái lý của sự vật sự việc; “Lý dĩ chiếu nhân tâm” – cái lý để soi sáng lòng người. Đọc sách có thể giúp di dưỡng tinh thần, bồi dưỡng tình cảm, đồng thời thu thập thêm kiến thức và vốn từ, làm vững chắc thêm bốn kỹ năng cơ bản trong cuộc sống: đọc, viết, nói, nghe. Để hỗ trợ việc đọc sách, nghiên cứu, chắt lọc kiến thức… hiệu quả hơn, ‘Mọt Sách’ của The Factory kết hợp với Thư Quán Cội Việt tổ chức chuỗi workshop hướng dẫn, khuyến khích và nuôi dưỡng các kỹ năng đọc sách mang tính cơ bản lẫn chuyên sâu.

*Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…