Trưởng thành ở Việt Nam trong giai đoạn 80-90, khi văn hóa manga Nhật Bản đang trỗi dậy mạnh mẽ, Lê Hoàng Bích Phượng do đó cũng chịu ảnh hưởng từ những bộ truyện tranh đại chúng như Doraemon, Maruko, Thủy Thủ Mặt Trăng..v..v. Trong thế giới của cô, “Vẽ tranh cũng như viết nhật ký, nhưng khác biệt là những kí ức được lưu lại bằng ngôn ngữ hội hoạ trên bề mặt không chứa những dòng kẻ…” Bản thân cô, kể từ những ngày đầu trong sự nghiệp sáng tác, đã rất quan tâm tới thực hành hội hoạ trên chất liệu lụa truyền thống. Cô tiếp cận tranh lụa một cách cảm tính và coi nó như một cuộc đối thoại với chính nội tâm của mình. Từng lớp màu, lần lại lần, được cô kiên nhẫn tỉ mỉ đặt, chồng lên nhau cho tới khi thỏa mãn nhất.
Trong loạt tác phẩm ‘Chân dung củ khoai tây’ vừa được hoàn thành năm 2016, cô vẫn giữ phong cách nhẹ nhàng thường thấy. Sự kiểm soát cao độ về đường nét và màu sắc tạo nên những dáng hình thanh tao, nhẹ tênh như sương khói, nhưng lại thể hiện một ý tưởng quyết liệt mạnh mẽ. Mối quan hệ giữa đất, khoai tây và tham vọng của con người được Bích Phượng liên kết một cách hoàn toàn độc đáo: “Đất tượng trưng cho cơ thể người, hình ảnh của sự sống. Khoai tây, một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng cũng chứa đựng độc tố. Ngoài việc tiêu thụ thức ăn để duy trì năng lượng hoạt động cho bộ máy cơ thể, ta cũng tiêu thụ một lượng lớn mơ ước để duy trì đời sống tinh thần. Việc thu hoạch khoai, nếu đúng thời điểm sẽ cho những vụ mùa bội thu, nhưng đôi khi ta lại muốn kéo dài thêm vài ngày với hy vọng thu hoạch những củ to hơn. Những ước mơ lớn dần, rồi trở thành tham vọng – giống như việc mọc mầm của khoai tây, các chất dinh dưỡng trở thành độc tố, âm ỉ lan toả rồi trưởng thành. Nơi sinh ra những điều tốt lành cũng là cũng là nguồn gốc của những xấu xa. Từ đó, vòng tuần hoàn cứ thế xảy ra.”
Với ‘Mắc xích’, Bích Phượng đặt cho bản thân mình một thử thách mới khi thử nghiệm kết hợp các khái niệm về mối tương quan và nghiệp cảm mang hơi hướng Phật giáo, với kỹ thuật làm gốm sứ truyền thống của Việt Nam. Cô tạo ra một ‘thế giới’ mà ở đó, Dải Ngân Hà (2015) – sắp đặt gồm 999 ngón trỏ được làm hoàn toàn thủ công bằng sứ trắng, với sự hỗ trợ của các nghệ nhân có tay nghề tại làng gốm Bát Tràng – biểu hiện một chuỗi dài những kỳ vọng, những chỉ trích, những mệnh lệnh chỉ thẳng vào chúng ta. Mỗi ngón tay là một hành tinh nhỏ trong dải ngân hà, như mỗi chúng ta là một cá thể trong thế giới rộng lớn này. Trong ‘vũ trụ’ đó cũng tồn tại một Lỗ Đen (2015) – sắp đặt gồm 4 quả lựu mang trên mình những ngón tay bọc vàng, mọc kí sinh, đâm chỉa méo mó, được trưng bày trên bục trắng trong phòng tối. Theo văn hóa thờ cúng của Việt Nam, quả lựu tượng trưng cho sự thịnh vượng, sinh sôi nảy nở; còn vàng tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Những ngón tay mọc trên thân quả lựu như sự ích kỷ, tham lam; sự tôn sùng vật chất, đang hút cạn kiệt và bóp nghẹt nguồn sống của sự sinh sôi.
Đối với Bích Phượng, mỗi cảm xúc, hành động của con người đều có liên kết với nhau như những mắc xích không đối xứng, tạo thành những dải ngân hà trong vũ trụ. Thế nên, mỗi người – mỗi hành tinh nhỏ – đều có tác động, ảnh hưởng tới nhau và tạo nên những chuỗi hệ quả. Bích Phượng tin rằng, ‘miền đất hứa’ về sự bình yên luôn tồn tại trong ý thức của mỗi người. Nhưng đôi khi, chúng ta mải mê theo đuổi những ‘giấc mơ’, những ‘thế giới không tưởng’, những ‘miền đất hứa’, mải miết tìm kiếm những không gian rộng lớn hơn, và rồi sự tranh giành, đố kỵ, ghen tuông, một cách vô tình khiến các hành tinh va đập, xô lệch chúng ta ra khỏi hệ thống vận động của vũ trụ, khiến ta quên mất việc hoàn thiện bản thân mình – mảnh đất bình yên của chính ta.
Nghệ sĩ chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hóa Việt Nam – Đan Mạch (CDEF).