Chuỗi ‘Đối thoại Moving Reels: Việt Nam nhìn về Nam Á’ đã trở lại với video nghệ thuật đến từ Ấn Độ và Việt Nam: ‘Lovely Villa – Architecture as Autobiography’ (tạm dịch: ‘Lovely Villa – Kiến trúc tự sự’) của Rohan Shivkumar và ‘Home (Good Infinity, Bad Infinity)’ (‘Nhà’) của Lêna Bùi. ‘Moving Reels’ tập trung vào đối thoại trao đổi văn hoá giữa Việt Nam và khu vực Nam Á bằng cách khám phá điện ảnh như một hình thức biện luận văn hoá và thúc đẩy tương tác xã hội.
Để tiếp tục những suy tư về tính hiện đại, về hình thức/cấu trúc của không gian, lần này ‘Moving Reels’ mang tới những luận bàn về trải nghiệm sống của con người trong không gian, về cách thức mà con người và không gian tương tác và ảnh hưởng tới nhau. Thông qua những chất vấn bằng hình ảnh động, xoay quanh bố cục (ở cả bình diện ý niệm lẫn vật chất) của không gian ở ba quốc gia Ấn Độ, Việt Nam và các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), khái niệm về ‘tổ ấm’, cũng như ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của nó ở những vùng đất này, dần hiện ra. Cả ‘Lovely Villa’ và ‘Home’ đều chú trọng vào những yếu tố cốt lõi làm nên trải nghiệm cá nhân/chủ quan về thứ không gian mà ta thường gọi là ‘tổ ấm’, ví dụ như: thiết kế của không gian, chất liệu xây dựng, tổ chức, khí hậu, các mối quan hệ, kỉ niệm và cả cảm quan của những người sống trong không gian đó. Cả hai video nghệ thuật này đều khám phá cách thức mà cơ thể và nhận thức của con người hình thành trong mối tương quan với những đặc tính vật chất và phi vật chất của không gian, song song với sự gặp gỡ của những hình thức cư trú riêng biệt và tập thể. Không gian đã ghi dấu lên con người như thế nào, và ngược lại, con người để lại những dấu vết gì trong không gian?
‘Lovely Villa – Architecture as Autobiography’ (tạm dịch: ‘Lovely Villa – Kiến trúc tự sự’) của nhà làm phim người Ấn Độ, Rohan Shivkumar, lần theo tiểu sử của một nhân vật, được tường thuật qua lăng kính của không gian, ở chính tổ ấm của nhà làm phim. Tác phẩm suy ngẫm về mối liên kết giữa hai không gian, giữa quốc gia và xóm giềng, để tìm hiểu xem những trải nghiệm và giá trị nào đã trở nên khả dĩ trong kiến trúc nhà ở trung lưu tại các đô thị Ấn Độ trong thập kỷ 70? Những mường tượng nào về các khái niệm gia đình, cộng đồng và công dân đã được người ta cân nhắc trong thiết kế của một khu căn hộ ở ngoại ô Mumbai? Qua việc tạo nên một thể hiện hình ảnh cho những quan hệ hữu hình và vô hình giữa lịch sử và hiện tại, tác phẩm khéo léo biến không gian thành người tường thuật. Với cách tiếp cận tạo hình mang tính kiến trúc, tác phẩm cũng đồng thời quan sát tỉ mỉ các bề mặt, bóng tối, ánh sáng, âm thanh – những yếu tố mà qua đó ta cảm nhận và trải nghiệm không gian.
‘Home (Good Infinity, Bad Infinity)’ (‘Nhà’) của nghệ sĩ thị giác người Việt Nam, Lêna Bùi, soi xét khái niệm ‘tổ ấm’ trong một địa hình biến động, nơi không gian, cảm giác và chuyển động – vốn là những yếu tố của trải nghiệm đời sống thường nhật – bị định hình và kiểm soát bởi phát triển công nghiệp và dòng chảy toàn cầu của hàng hoá và vật chất. Hiện lên trong tác phẩm của Lêna là cuộc đối thoại giữa một bên, là những biến đổi không gian (đang xảy ra với quy mô toàn cầu), liên quan tới địa hình đường nước chảy tại Sài Gòn và Sharjah; và bên còn lại, là dấu vết của sự thay đổi này lên cơ thể, sinh kế và hi vọng của người dân nơi đây. Nằm ở trung tâm của tác phẩm là câu hỏi về sự phân loại không gian thành những khu vực riêng biệt (ví dụ khu vực nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, cư trú…) và cách thức mà những phạm trù này được tổ chức; cách chúng bao gồm, phân biệt, cho phép và hạn chế con người. Trong những khu vực này, con người làm gì để chung sống, cũng như đối diện, trước cả hệ thống sinh thái tự nhiên lẫn hệ thống sinh thái nhân tạo?
Sau buổi trình chiếu sẽ là workshop dành cho các khán giả quan tâm, được điều phối bởi Tiến sĩ Shweta Kishore (nhà nghiên cứu phim và giám tuyển), Andrew Stiff (Giảng Viên, khoa Truyền thống & Thiết kế, ĐH RMIT – Việt Nam) và Lêna Bùi (nghệ sĩ thị giác).
*Ảnh: Lovely Villa – Architecture as Autobiography (Đạo diễn: Rohan Shivkumar. 2019). Nguồn ảnh: Charles Correa Foundation
—
Moving Reels là gì?
‘Moving Reels’ là một chuỗi các buổi workshop nhằm khám phá các công năng đa dạng của điện ảnh như một dạng văn bản hay một cách thực hành trong văn hoá công cộng. Chương trình mong muốn mở ra một diễn đàn thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hoá ở Việt Nam với các khu vực địa lý khác, tập trung đi sâu vào cách quần chúng và nghệ sĩ sử dụng điện ảnh như một công cụ để phản ánh, đồng thời đánh giá, những chuyển biến bên trong cá nhân và xã hội, và xem xét tầm ảnh hưởng của những đối thoại này lên môi trường tự nhiên và tâm lý. Ví dụ, năm đầu tiên của chương trình, do Tiến sĩ Shweta Kishore phát triển và lựa tuyển, sẽ tập trung vào mối quan hệ hợp lực giữa điện ảnh Việt Nam và Nam Á, đặc biệt là diễn ngôn chung giữa giữa Việt Nam và Ấn Độ về sự tác động qua lại giữa kiến trúc công cộng và quá trình xây dựng quốc gia trong đời sống thành thị. Mang cấu trúc của một chương trình chiếu phim kèm theo một buổi thảo luận có hướng dẫn về các chủ đề liên quan, chuỗi workshop ‘Moving Reels’ mong muốn đóng góp có tính xây dựng vào văn hoá điện ảnh và kiến tạo các không gian xem phim quanh Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một cơ hội để nhìn vào thế giới đan xen quanh chúng ta qua lăng kính vạn hoa của nghệ thuật thứ bảy!
Mục đích của chương trình này là bồi đắp những điểm chung giữa các nhóm cộng đồng xa gần, thông qua việc bóc tách các ‘chất liệu cuộc sống’ chung khởi nguồn từ những hoàn cảnh lịch sử đan xen, những chìm nổi trong xã hội, và những bối cảnh văn hoá – tất cả đều được thông dịch qua ngôn ngữ của hình ảnh động. Quan trọng hơn, The Factory cũng hy vọng tạo ra một cộng đồng xuyên ngành nghề cho các nghệ sĩ thị giác, nhà làm phim, kiến trúc sư, nhà nhân học, và những người làm văn hoá ở Việt Nam, nhằm mở rộng biên độ cho sự liên quan và cách hiểu về điện ảnh trong cuộc sống ngày nay.
—
Phí tham gia:
➖Vé người lớn: 100,000VND (online); 130,000VND (tại cửa)
➖Vé học sinh/sinh viên: 40,000VND
**Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…