The Factory thân mời bạn tới dự buổi trò chuyện với Trần Minh Đức – một trong ba nghệ sĩ tham gia triển lãm ‘Xướng ca cho ai?’ (bên cạnh Phan Anh và Ngọc Nâu) – và cùng anh bàn luận về ‘vật tìm thấy’ (found objects*) như những nhân chứng còn lại của một thời kỳ đã qua, về khả năng của chúng trong việc gìn giữ ký ức cá nhân-tập thể và tiếp tục đời sống của các ký ức ấy xuyên không gian-thời gian-thế hệ.
Trong thực hành của mình, Trần Minh Đức thường sử các hình ảnh và hiện vật anh tìm thấy trong những hành trình tình cờ, trên những chuyến đi tìm vật liệu sáng tác, hoặc ở chính những khoảnh khắc đời sống thường nhật trên phố phường Sài Gòn. Đức sau đó kết hợp và biến chuyển chúng thành những tác phẩm của mình. Tại triển lãm lần này, ta thấy hai cánh tay từ các tượng thần linh khác nhau; một huy hiệu đã cũ; những tấm hình ghi tư liệu các buổi biểu diễn của thiếu nhi tìm thấy trên Internet; bộ ấn phẩm về hoạt động đoàn đội trong nhà trường và trò chơi tập thể bên lửa trại… Các hình ảnh-hiện vật này gợi trong ta những trần thuật, ký ức nào? Chúng đại diện-hiện thân cho ai, điều gì? Nếu coi chúng là những phân mảnh (đến từ các thể nguyên bản khác nhau) tạo thành một thể lai tạp mới, thì sự cắt dán-chắp ghép (collage) ở đây ám chỉ điều gì? Thể lai tạp mới này liệu có giúp ta tái mường tượng các thể nguyên bản không? Và, khi ta đang sống ở thời kỳ bị-được bao phủ bởi các khung diễn giải khác nhau – nơi các cách đọc-hiểu mang tính tuyến tính, nơi cái gọi là tính xác thực luôn cần được tái kiểm định – thì liệu nỗ lực này có cần thiết?
Trên đây là vài câu hỏi để ta cùng suy ngẫm và bàn luận. Không thuyết trình, không chính thống, đây sẽ là một buổi trò chuyện thân mật cùng Đức, nơi người tham dự cũng sẽ là diễn giả, và nghệ sĩ cũng là người lắng nghe.
*’Found objects’, hay các vật thể được tìm thấy, hoặc có sẵn (từ gốc là objet trouvé trong tiếng Pháp, ý chỉ các vật thể không có chức năng nghệ thuật, nhưng lại được đặt vào bối cảnh nghệ thuật, hoặc được sử dụng như chất liệu nghệ thuật), được Marcel Duchamp và các nghệ sĩ khác thuộc phong trào Dada sớm sử dụng để sáng tác trong suốt nửa đầu những năm 1900, và sau đó được phổ cập rộng rãi bởi các nghệ sĩ khái niệm như Damien Hirst và Tracey Emin (bên cạnh nhiều nghệ sĩ khác)
—
Buổi trò chuyện sẽ diễn ra bằng tiếng Việt với phiên dịch tiếng Anh
Phí tham gia:
➖Vé người lớn: 100,000VND (online); 130,000VND (tại cửa)
➖Vé học sinh/sinh viên và hội viên Inner Circle: 40,000VND (vui lòng mang theo thẻ sinh viên hoặc thẻ hội viên)
**Chú thích ảnh: Trần Minh Đức ‘Hát trong Ánh Hồng’. 2019. In kỹ thuật số in giấy, giấy nhựa bong bóng. Kích thước linh hoạt theo không gian, 136 ảnh
***Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…