Mì ăn liền, kể từ khi được phát minh vào năm 1958 sau Thế Chiến thứ II bởi Momofuku Ando, đã “thống trị” thế giới với trung bình khoảng 96 tỉ gói mì được bán ra mỗi năm. Song hành cùng văn hóa “thức ăn nhanh” của Âu Mỹ, cụm từ “mì ăn liền” từ bao giờ đã vượt ra khỏi khái niệm ăn uống của người Châu Á. Trong nhịp phát triển hối hả ngày nay, liệu “mì ăn liền” có trở thành một văn hóa? Và cái văn hóa đó, liệu có phải là định nghĩa cho mọi sản phẩm được ra đời cẩu thả, nhằm thỏa mãn nhu cầu tiện lợi của người tiêu dùng? Một bữa ăn, một bản tin, một tác phẩm hay thậm chí là một mối quan hệ, liệu mọi thứ đều có thể được “đóng gói” như một túi mì, chỉ cần vài giây để chuyền tay nhau và vài phút để sẵn sàng được tiêu thụ?
Dự án Instamì diễn ra tại khu vực workshop tại The Factory được phát triển dựa trên những bức ảnh được in trong ấn phẩm XEM8, thể hiện góc nhìn khác nhau của các nghệ sĩ Quang Lâm, Phan Quang, Nguyễn Trúc, Ưu Đàm Trần Nguyễn, Hoàng Dương Cầm và Nguyễn Thủy Tiên, nhằm phản hồi lại khái niệm nhanh và chậm, mới và cũ, thật và giả trong xã hội ngày nay. Đây cũng là dịp ra mắt phiên bản số 8 của ấn phẩm XEM – một dự án thể nghiệm thị giác của các nghệ sĩ Việt Nam.
—
chú thích ảnh phía trên: một phần của tác phẩm ‘Prototype’, 2017 của Nguyễn Thủy Tiên.