Loading Events

« All Events

QUÊN LÃNG NÊN THƠ

  • This event has passed.

Nghệ sĩ: Thảo Nguyên Phan
Giám tuyển bởi: Zoe Butt
Ngày triển lãm: 15 tháng Tư đến – 2 tháng Sáu 2017

Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory hân hạnh giới thiệu triển lãm cá nhân đầu tiên và hoàn chỉnh nhất của Thảo Nguyên Phan tại Việt Nam, được thực hiện trong thời gian cô tham gia chương trình The Rolex Mentor and Protégé Arts Initiative, dưới sự hỗ trợ chuyên môn từ Joan Jonas – nghệ sĩ trình diễn và video lừng danh người Mỹ

Không có kỉ vật, hẳn sẽ rất khó khăn để tưởng nhớ một thời đã qua. Không có nghi thức, niềm tin vào thế giới tâm linh hẳn sẽ lung lay trong ngờ vực trước sức mạnh Ơn trên. Không cho phép tâm trí ghi nhận ước mơ khi mường tượng về tương lai, hẳn như thoi thóp sống trên bề mặt của một cuộc đời đã bị từ chối hy vọng. Thảo Nguyên Phan tồn tại ở khoảng giữa những khuôn viên tâm lý này; thực hành nghệ thuật của cô tung hứng với cấu trúc của lịch sử, thơ mộng mường tượng về một hiện tại đã có thể thành hình.

Để đắm mình vào vô vàn tường thuật hiện hữu tại triển lãm này, mọi khuôn mẫu cho việc lưu trữ và tưởng nhớ thời gian cần được để ngỏ ngoài hiên. Bên trong không gian trưng bày, vô số những trang sách lơ lửng treo dọc tường ở các góc độ và nhịp điệu ngẫu hứng. Thay vì ‘đọc’ chúng, ta dõi theo những hình ảnh được vẽ đè bên trên câu chữ, như thể ở đây, bối cảnh được đề cao hơn ngữ cảnh. Những chiếc nỏ hiện thân ở trung tâm gian phòng. Như những người canh giữ, chúng câm lặng và vô dụng khi nửa còn lại – những mũi tên – không có mặt, như một đội quân tình yêu chẳng có tình nhân. Ở phòng triển lãm tầng trên, một chuỗi sơn dầu trên tấm lót phim x-quang, phác hoạ một vài hình thù và hoạ tiết nhất định (đã thấp thoáng đâu đó giữa những trang sách và đội quân nỏ) trở thành trọng tâm, như thể chúng được Thảo Nguyên giao cho vai diễn chính trong vở kịch của cô. Quây quanh là các hiện vật và tư liệu về một quá khứ mà chúng gợi nhắc: một điêu khắc gỗ mô phỏng bậc cao nhân già cỗi, tay ôm chặt kho tàng tri thức; chuỗi văn bản ố vàng, trên đó ghi lại những ví dụ được cho là đầu tiên của chữ Việt viết theo hệ La-tinh; hay điêu khắc ánh sáng nhuộm màu nắng, phảng phất hình dáng hoa lá trang trí ta thường thấy trên phố mỗi độ Xuân về.

‘Quên lãng Nên thơ’ (Thảo Nguyên Phan) là nơi ‘Chúa Ruồi’ (William Golding) gặp gỡ ‘Đảo Ngược’ (Eduardo Galeano). Để đào sâu hơn vào thế giới của Thảo Nguyên, ta cần phiêu du tới miền không-thời gian khác – nơi quá khứ bị dịch rời khỏi hệ quy chiếu và hoàn toàn diễn dịch lại, như thể buông thả tầm quan trọng của nó. Phương pháp thực hành nghệ thuật của Thảo Nguyên tựa như cách làm việc của một nhà nghiên cứu khoa học xã hội ở thế kỷ 21. Cô sử dụng các phương tiện nhân học để quan sát và phân loại, sau đó dàn xếp lại các hệ thống và biểu tượng văn hoá, xã hội thành những tổ hợp thị giác và văn bản bất thường, đôi khi hoàn toàn trừu tượng. Tại triển lãm này, Thảo Nguyên – bằng thái độ thơ ngây và tinh nghịch – vinh danh lịch sử của chữ Quốc ngữ, đặc biệt quan tâm tới lý do tại sao và bằng cách nào mà hệ thống chữ viết tiếng Việt lại sử dụng bảng chữ cái La-tinh. Các văn bản được viết bởi nhà truyền giáo người Pháp A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ (Alexander de Rhodes) và đàn nỏ tượng trưng cho bi kịch tình yêu Mỵ Châu – Trọng Thuỷ (một trong những ví dụ sớm nhất của tài liệu được ghi chép lại bằng chữ viết tiếng Việt La-tinh do Thầy giảng Bento Thiện thực hiện) va chạm với (hoặc tìm nơi ẩn nấu trong) những trò chơi thơ dại của đám trẻ con – những kẻ dường như đã đánh mất chìa khoá để mở thư viện của lịch sử. Loạt kỷ vật được Thảo Nguyên nâng niu chọn lựa trong triễn lãm này có thể được hiểu là những điểm tham chiếu cho kho tàng thị giác của cô – nơi kết cấu của kí ức và hệ thống ngôn ngữ của nó sản sinh ra những kết nối khác lạ về ý nghĩa và giá trị; nơi dải phân bố đạo đức của con người bị trượt giữa những vùng mơ hồ trong cách thức ta phân biệt đâu là thực tế, đâu là hư cấu.

Tổ chức và tài trợ bởi:

Đồng tài trợ bởi: