Không phải phong trào nghệ thuật nào cũng thu hút nhiều tranh luận như Nghệ thuật Vị niệm. Dù yêu thích hay ghét bỏ nó, công chúng vẫn tiếp tục các cuộc đối thoại cũng như phản hồi hết sức mãnh liệt. Vài người thậm chí còn phủ nhận sự tồn tại của Nghệ thuật Vị niệm như một loại hình nghệ thuật đáng được công nhận. Không phải ngẫu nhiên mà Nghệ thuật Vị niệm lại là một chủ đề gây tranh cãi. Những người tiên phong của chủ nghĩa này đã tách nghệ thuật ra khỏi những khuôn khổ thông thường thông qua sự thử nghiệm và chất vấn của họ. Họ đặt nặng tầm quan trọng vào ý niệm hơn là tác phẩm hoàn thiện, và đôi khi bản thân khái niệm trở thành tác phẩm. Những yếu tố nào đã dẫn tới bước ngoặt này trong thực hành/lịch sử nghệ thuật? Hãy cùng tìm hiểu với diễn giả/nhà quản lý văn hoá Alessandra Dias.
Theo chiều tuyến tính của lịch sử nghệ thuật, Nghệ thuật Vị niệm gắn liền với các tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn từ giữa những năm 1960 đến giữa những năm 1970. Tuy nhiên, Chủ nghĩa Vị niệm thực chất đã có cội rễ từ rất lâu trước đó, và nó tiếp tục vươn nhánh phát triển cho tới tận thế kỷ 21. Nghệ sĩ khắp mọi nơi trên thế giới đã chấp thuận và hoan nghênh Nghệ thuật Vị niệm, chú trọng hơn vào nội dung thay vì chỉ sáng tác thị giác. Họ sử dụng đa dạng chất liệu và phương tiện để sáng tác; các tác phẩm giờ có thể là bất kì thứ gì: từ sắp đặt, nhiếp ảnh, tới trình diễn, hay chỉ đơn giản là một chuỗi các lời hướng dẫn. Buổi trò chuyện này sẽ giới thiệu về các khía cạnh mang tính lịch sử cũng như đương đại của Nghệ thuật Vị niệm, chiêm nghiệm một số tác phẩm tiêu biểu, và khám phá những công cụ để phân tích chúng – những tác phẩm đôi khi có phần thách thức trước khán giả chúng ta .
*Buổi trò chuyện diễn ra bằng tiếng Anh, có phiên dịch tiếng Việt. Mời các bạn đến đúng giờ để có được chỗ ngồi ưng ý.
**Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…
Hình ảnh: Tác phẩm ‘One and Three Chairs’ (‘Một và Ba cái Ghế’) của Joseph Kosuth, 1965 (Bản quyền: Joseph Kosuth)