Loading Events

« All Events

KHUẤT DẠNG

  • This event has passed.

Nghệ sĩ: Hương Ngô
Tổ chức bởi: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory
Ngày triển lãm: 19 tháng Sáu – 30 tháng Chín 2020 (Khai mạc vào thứ Sáu ngày 19 tháng Sáu 2020 lúc 18g00)

‘Người chồng duy nhất của tôi, đó là Cách mạng Cộng sản!’

Nguyễn Thị Minh Khai

‘Chưa bao giờ anh cảm thấy cô gần gũi với mình hơn những thời khắc ấy. Cô bỗng trở nên trong ngần và tất cả phẩm chất, dù chỉ hơi bí ẩn của giống nòi cô, hoàn toàn tiêu tan’

Jean Hougron, ‘Gặt Bão’ (‘Reap the Whirlwind’)

‘Chúng ta sẽ đạt đến một xã hội nữ quyền khi các định chuẩn về vai trò giới bị xoá bỏ trong các tư tưởng tôn giáo, xã hội, văn hoá hay triết học.’

Trích Liên Trương trong tác phẩm ‘Các đề xuất cho các cách dịch’ của Hương Ngô

Tại triển lãm ‘Khuất Dạng’, nghệ sĩ Hương Ngô khai đào và suy tư về các mường tượng, quan niệm và vai trò của người phụ nữ; cô quan tâm tới cách thức lịch sử lưu truyền, vinh danh những đóng góp và ảnh hưởng của họ trong các phong trào cách mạng. Cảm hứng sáng tác của cô đến từ cuộc đời người anh hùng dân tộc Việt Nam – Nguyễn Thị Minh Khai – từ sức mạnh, sự bền gan và lòng quả cảm của bà trong việc lèo lái giai đoạn đỉnh điểm tiến lên Chủ nghĩa Xã hội vào thập niên 1930. Nghệ sĩ đặc biệt bị thu hút bởi vô số những danh xưng mà Nguyễn Thị Minh Khai đã sử dụng trong suốt quá trình bà gắn bó với phong trào chống thực dân giành độc lập ở Việt Nam. Ở triển lãm này, Hương Ngô tham khảo các dữ liệu lưu trữ, văn chương, và nhiếp ảnh, để hé mở cánh cửa không chỉ về một hình tượng lịch sử nổi bật, mà còn để nói rộng hơn về cuộc đời của những người phụ nữ đã sống (và hy sinh) trong giai đoạn bão lửa đạn bom này. Sở dĩ Hương Ngô làm như vậy là để làm phát lộ ra những quan niệm xã hội về tính dục, trí tuệ và vẻ đẹp, đã từng (và tiếp tục vẫn) bị sa vào mạng lưới các diễn dịch văn hoá phức tạp — vốn được xây dựng dựa trên những cách hiểu (về giới, sắc tộc, và quyền lực) rập khuôn và mang tính thuộc địa.

Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ đã đấu tranh cho khả diện của bản thân trong một trật tự thế giới được xác lập phần lớn bởi những mong cầu cũng như diễn giải (về vai trò của phụ nữ) của đàn ông. Chính bởi những giáo lý còn tồn tại trong tôn giáo, trong ý thức hệ gia trưởng của nền kinh tế chính trị, trong quan niệm truyền thống về bổn phận, mà nhiều thế kỷ nay, phụ nữ vẫn luôn bị xem như một chủ thể (và tài sản) thuộc quyền sở hữu của đàn ông. Vào thế kỷ 20, cần tới lòng can đảm thực sự mới có thể làm rung chuyển các xác quyết xã hội thời bấy giờ về quyền bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Một số ví dụ có thể kể tới bao gồm: nhà văn người Anh – Jane Austen – vào năm 1811, đã xuất bản tiểu thuyết huyền thoại ‘Lý trí và Tình cảm’ dưới dạng một tác phẩm khuyết danh, chỉ ký tên ‘Một quý cô’; hay nhà hoạt động lừng danh từng đấu tranh đòi bãi bỏ chế độ nô lệ – Sojourner Truth – vào khoảng những năm 1820, đã chỉ ra mối quan hệ giữa nô lệ da đen và sự vật lộn của người phụ nữ trong xã hội Phi-Mỹ; hay nhà thơ, nhà thần học người Iran – Táhirih – người được trọng vọng nhờ xác tín với Babi giáo, nhưng lại bị hành hình vào năm 1852 vì lỡ ‘vén mạng’ trước sự hiện diện của đàn ông. Bắt đầu từ thế kỷ 19, công cuộc giải phóng phụ nữ ở châu Âu và Mỹ đã kêu gọi thừa nhận quyền lao động công bình giữa hai giới, phản kháng lại tư tưởng rằng: đóng góp của phụ nữ cho xã hội chỉ gói gọn trong phạm vi ‘nội trợ’ (một trong vô vàn các ví dụ đầy bất bình). Song song, tại bán cầu Nam, lời kêu gọi nam nữ bình quyền lại sóng vai cùng cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trên nền suy tàn của Đế chế Thực dân, với loạt phong trào kháng chiến mà ở đó, vai trò chủ chốt của nữ giới trong guồng máy chiến tranh được công nhận. Tại Việt Nam, câu chuyện Hai Bà Trưng đánh bại chính quyền đô hộ phương Bắc năm 40 Công Nguyên đã trở thành một di sản lịch sử và nguồn cảm hứng cho bao lứa phụ nữ trẻ hậu thế – những người kề vai sát cánh cùng anh trai, chồng, con trong công cuộc chiến giành độc lập thấm đậm tình yêu nước. Ta có thể thấy rõ điều này trong vở kịch ‘Trưng Nữ Vương’ của Phan Bội Châu năm 1913. Hay như, ‘Nghệ thuật hiện đại cũng đánh dấu vai trò chính yếu của phụ nữ trong những cuộc xung đột vũ trang. Chẳng hạn, trong cuộc Chiến tranh Đông dương lần thứ hai, phụ nữ miền Nam Việt Nam cũng cầm súng, tham gia vào quân đội Cộng sản. Vì thế, nhiều tác phẩm hiện thực xã hội chủ nghĩa của Nguyễn Thụ hay Tôn Đức Lương, cùng nhiều tác giả khác, cho thấy hình ảnh hào hùng của những người phụ nữ với thể lực cường tráng và phong thái đầy kiêu hãnh, đứng kế bên khẩu súng đại bác.’(1) Chính trên phông nền của lòng nhiệt thành nhuốm màu chủ nghĩa dân tộc này, nghệ sĩ Hương Ngô bắt tay vào cuộc truy lùng nhằm hiện diện hoá những trải nghiệm của nữ giới, với trọng tâm xoay quanh giai đoạn thập niên 30-40 của thế kỷ trước.

Tại triển lãm ‘Khuất Dạng’, Hương Ngô xây dựng và trình bày cho người xem các tác phẩm ý niệm ẩn chứa đầy mật mã (được in ấn, thêu thùa, ghi chép trên giấy, vải và các chất liệu khác), cốt để hướng đến tính ngụ ý của văn bản. Thông qua việc ‘can thiệp’ vào các văn kiện lịch sử (chẳng hạn như thư từ trao đổi, tiểu thuyết hư cấu, những lời chứng riêng tư, bản thảo kịch, giấy tờ tùy thân…), Hương Ngô đã chủ ý biến đổi các trần thuật, khiến chúng trở thành khó hiểu, rời rạc, vô hình, thậm chí cần đến bàn tay diễn dịch để tiếp tục được tái hình dung. Tại triển lãm, hình ảnh người anh hùng vắng bóng triệt để: ta không thấy bóng dáng người phụ nữ can trường, tay nắm vững cây súng; hay cảnh tượng người mẹ làm ruộng, địu em bé trên lưng; cũng không có những tà áo dài truyền thống trong tấm hình chân dung gia đình, tay bồng bế đứa con. Trong khi những hình ảnh rập khuôn vừa kể trên thường xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật hiện đại thời cách mạng, điều khiến Hương Ngô băn khoăn và mong muốn tìm hiểu lại là: tại sao vào thời điểm đó, hiếm khi phụ nữ có cơ hội được tự lột tả chính mình trên các phương tiện văn hoá đại chúng, thông qua những kỳ vọng xã hội họ tự đặt ra cho bản thân? Như một thám tử, Hương Ngô ‘ lùng sục’ các văn tự thời Pháp thuộc: từ các bản báo cáo hành tung các cán bộ Cộng sản bị nghi ngờ là gián điệp (một vài trong số đó là phụ nữ); tới thư từ giữa Nguyễn Thị Minh Khai, gia đình bà và các thành viên trong Tổ chức; tới các tiểu thuyết lãng mạn về thời đoạn này (do các tác giả nam giới phương Tây viết), trong đó tính dục của người ‘Annamite’ bị làm cho ‘lạ hoá’ như những sản phẩm ‘hương xa’(2)… Điều Hương Ngô làm lộ ra trong quá trình trừu tượng hoá này, là một phản tư về sự hết lòng hết dạ của nữ giới – những người đã can đảm cống hiến và xả thân trước lời kêu gọi giành độc lập, mặc cho tiếng nói và cơ thể họ gần như bị khai thác hoàn toàn cho mục đích dục vọng và chính trị, mặc cho vai trò và nhân dạng họ bị xóa nhoà khỏi Lịch sử. Hương Ngô mong muốn thu hút ánh nhìn của người xem vào những điểm mờ lịch sử đó – nơi ký ức, trải nghiệm và đóng góp của nữ giới hầu như không được ghi nhận. Trần thuật này được các tác phẩm của Hương Ngô tôn lên không phải qua hình ảnh (tức, một phép tu từ bị sức nặng của những rập khuôn văn hoá-xã hội về ‘vẻ đẹp’ đè nặng), mà là qua ngôn từ và tính biểu hành của nó. 

Hương Ngô đặc biệt nhạy bén với mối quan hệ giữa chất liệu và thông điệp. Nhiều thủ pháp cô ứng dụng trong sáng tác của mình ám chỉ sự ép buộc, giả mạo và mã hoá. Đây là những kỹ thuật nhuốm màu quân sự, là các cơ chế mang tính giám sát mà giờ đây trong thế kỷ 21, đang hiện diện trên khắp các kênh thông tin trực tuyến, tivi, thiết bị thông minh và công cụ chỉnh sửa hình ảnh kỹ thuật số. Vai trò của các kỹ thuật (được thiết kế vô cùng tinh vi) này được ngụ ý thông qua chất liệu văn bản, thể hiện rõ trong cách Hương Ngô sàng lọc kỹ càng những câu chữ, nhằm đưa ra thách thức trước hình dung mang tính quy chụp về thế giới của phụ nữ (vốn được cho là bí hiểm, gợi cảm, lôi cuốn và kịch tính). Bằng cách sử dụng các chất liệu mực tàng hình, mực đổi màu theo nhiệt (thermochromic ink); tìm hiểu về phông chữ thông dụng trong in ấn cũng như nội dung của ấn bản; nghiên cứu kỹ thuật in truyền đơn hectograph; thông qua những nét thêu tỉ mẩn để gợi mở cuộc hội thoại về bi kịch, hay việc phóng tác và diễn lại một vở kịch mô phỏng khiên chắn tâm lý của phụ nữ trong xã hội, triển lãm ‘Khuất Dạng’ của Hương Ngô khẩn nài người xem xem xét lại lăng kính mà ta hằng sử dùng để quan sát và thấu hiểu – một lăng kính bị kiểm soát bởi cái ta nghĩ ta hiểu và giả định về giới. 

(Trích từ tiểu luận ‘Cuộc triệu tập bằng (mật) mã’ của Zoe Butt)

Hương Ngô gửi lời cảm ơn chân thành tới các nghệ sĩ Nguyễn Phương Linh, Nhung Nguyễn và Uyên Ly vì đã cộng tác sản xuất các tác phẩm nhất định trong triển lãm, và Tricia Nguyễn vì đã tham gia đạo diễn vở ‘Đàn Bà Mới’.

*Hình ảnh:  Hương Ngô ‘Khuất dạng trước mắt (Ảnh thở)’ 2020. Nhiếp ảnh chuyển động, màu, lặp lại. Trình diễn bởi: Yến Hải Nguyễn. Bản quyền hình ảnh thuộc về nghệ sĩ.

(1) Roger Nelson, ‘Nghệ thuật Hiện đại Đông Nam Á: Giới thiệu từ A-Z (Modern Art of Southeast Asia: Introductions from A-Z)’. Gallery Quốc gia Singapore, 2020, tr. 248.

(2) Nguyên gốc tiếng Anh là ‘exotic’, ý chỉ nguồn gốc/tính chất của những thứ đến từ vùng đất xa lạ, mang yếu tố hiếu kỳ, hấp dẫn (trong quan niệm phương Tây là trung tâm, nhìn về ‘phương Đông’ – bao gồm Châu Phi, Trung Đông và Châu Á) (chú thích của người dịch).

Tài trợ và tổ chức bởi:

Đêm khai mạc