Diễn giả: Martha Atienza (Nghệ sĩ), Jiandyin (bộ đôi Nghệ sĩ/ Giám tuyển) và Lê Giang (Nghệ sĩ thị giác)
Điều phối bởi: Zoe Butt (Giám đốc Nghệ thuật, The Factory)
Ngày & Giờ: 30 tháng Một năm 2021 | 11:00 (GMT+7) tương đương 15:00 (GMT+11)
Ngôn ngữ: tiếng Anh
MIỄN PHÍ THAM DỰ VÀ DIỄN RA TRỰC TUYẾN QUA ZOOM. Đăng ký tham dự tại ĐÂY!
Tổ chức bởi Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, phối hợp cùng Trung tâm Nghệ thuật Đương đại châu Á 4A, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm Nghệ thuật Campbelltown. Là một phần của ‘Chương trình Cộng tác Giám tuyển’ do Hội đồng nghệ thuật Úc tài trợ.
Coi nghệ thuật đương đại như công cụ để nghiên cứu, thực hành của các nghệ sĩ Martha Atienza, Jiandyin và Lê Giang xem xét một cách kĩ lưỡng những thói quen và khao khát của con người – thông qua các hành động mang tính cộng đồng, các hợp tác đa ngành và các chiến lược thị giác trưng bày cụ thể. Gắn bó chặt chẽ với bối cảnh địa phương, đồng thời nhận thức sâu sắc về giới hạn của các nhóm thứ yếu, ba nghệ sĩ này nỗ lực làm hiển lộ hậu qủa (mang tính xã hội) của việc khai thác tài nguyên quá độ. Họ đưa ra những chất vấn quan trọng liên quan tới tính chủ quyền; tới những giới hạn khai thác của cơ thể con người; cũng như vai trò của sự xa hoa trong các thực hành mê tín dị đoan.
Từ xưa tới nay, con người đã luôn đào-bới, cắt-đốt, dịch chuyển, và di dời thiên nhiên. Khi còn sống đời sống du mục, con người săn bắn và hái lượm, nhờ cậy vào thực vật, động vật, khoáng chất để kiếm tìm thực phẩm, thuốc thang; để phục vụ cho đời sống, thói quen thường nhật; để hỗ trợ nuôi dưỡng thân thể, sức khoẻ. Thời đó, ta hiểu rằng cây cối sinh trưởng theo mùa, rằng các loài động vật khác cũng cần thức ăn để tồn tại. Ta cũng đã từng sống trong sự tôn kính tột cùng trước những loài động vật mà niềm tin của ta cho rằng chúng mang trong mình những sức mạnh đặc biệt. Nhưng, từ rất lâu trước khi công cuộc bóc lột thuộc địa nổ ra, xã hội loài người đã bắt đầu tư duy và hành xử theo một kiểu gần giống như thần thánh – tìm cách mở rộng và kiểm soát đất đai, hàng hóa vì lợi ích của chính họ. ‘Nhu cầu’ trở thành một đòi hỏi mà con người tự cho là chính đáng; ’nhu cầu’ cũng được hiểu – một cách nguy hiểm – là đồng nghĩa với ‘khát vọng’. Chính thái độ này đã thúc đẩy sự toàn cầu hóa của chủ nghĩa tư bản ngày nay; nó được ngụy trang dưới lớp vỏ của nỗ lực làm giàu cho các nền kinh tế quốc gia. Con người cứ tiếp tục tiêu thụ, bàng quan trước mức độ thiệt hại tài nguyên mà ham muốn của cải vật chất mang lại, không lưu tâm tới tính liên kết và sự phụ thuộc lẫn nhau của hệ sinh thái mà chính chúng ta đang cướp đoạt.
Ở cuộc đối thoại này, các chủ đề như: tầm ảnh hưởng của việc phân loại, phân chia và kiểm soát ‘lãnh thổ’; sự tiêu dùng bao bì nhựa thái quá; sự trân trọng đồ dùng – trang sức bằng đá quý… sẽ được mổ xẻ kĩ lưỡng. Tạo cầu nối giữa ‘ham muốn’ và những ‘hậu quả’ nó đem lại, cuộc trò chuyện này đặt ra câu hỏi, liệu có thể thay đổi hành vi, niềm tin, tâm thức của con người, để có thể kìm hãm sự hủy diệt Thiên nhiên – một vấn đề bắt nguồn từ chính ham muốn của chúng ta? Và, nghệ sĩ đóng vai trò gì trong cuộc đấu tranh khó nhọc này? Họ cân nhắc/sử dụng phương pháp nghiên cứu và chiến lược trưng bày thẩm mỹ nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?
Cuộc đối thoại này này tiếp tục mở rộng chuỗi sự kiện cộng động xoay quanh chương trình ‘Gióng chỉnh Ngũ hành’: một sáng kiến nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật The Factory (TP. HCM). Chương trình hướng đến việc đào sâu khai thác vai trò, sự hiện diện và ý nghĩa của năm nguyên tố cơ bản (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) trong đời sống xã hội đương đại, nhằm khảo sát cách mà chúng được sử dụng trong đời sống tâm linh/tinh thần của con người, phản ánh việc sử dụng (hoặc thờ ơ, bỏ bê) mà kết quả là ảnh hưởng lên thế giới của con người và của những sinh vật không phải người.
Sự kiện này mở đầu cho chuỗi hội thoại bao gồm bốn phiên, là một phần của ‘Chương trình Cộng tác Giám tuyển’ do Hội đồng nghệ thuật Úc kết hợp tổ chức cùng Trung tâm Nghệ thuật The Factory và Trung tâm Nghệ thuật Đương đại châu Á 4A. Hãy tham gia phiên thứ hai với chúng tôi vào ngày 10 tháng Tư năm 2021, cùng Giám tuyển Cộng tác Adam Porter.
*Hình ảnh: Một vài tượng đá quý ở một cửa hàng tại Lục Yên, Yên Bái. Hình ảnh thuộc sở hữu của Lê Giang.
Thông tin về diễn giả:
Martha Atienza (Hiện đang sống tại Quần đảo Bantayan, Philippines)
Thực hành nghệ thuật của Martha mang bản chất xã hội học; các tác phẩm điêu khắc đa dạng và những sắp đặt video sắp đặt của cô thường sử dụng công nghệ dưới dạng hệ thống máy móc. ‘Bản chất thực hành của Martha là theo hướng cộng sinh. Cô cùng lúc làm việc với nhiều người, mỗi người đến từ một bối cảnh khác nhau, cả những chuyên gia và cả những người dân cư ngụ ở quần đảo Bantayan – quê hương cô, nơi chốn với những trần thuật liên hệ mật thiết với các vấn đề như thay đổi môi trường, chiếm đoạt đất đai, mất mát văn hóa, khoảng cách kinh tế – xã hội.’
Bạn có thể xem thêm thông tin ở Silverlens: https://www.silverlensgalleries.com/artists/martha-atienza and http://www.marthaatienza.com/
Jiandyin (Bộ đôi nghệ sĩ/ giám tuyển: Jiradej Meemalai và Pornpilai Meemalai, hiện đang sống tại Ratchaburi, Thái Lan)
Nghiên cứu của Jiandyin mang bản chất liên ngành, được tạo ra dưới tinh thần hợp tác, và được dẫn dắt bởi các dạng thức nghiên cứu, tìm hiểu mang tính xã hội. Góp nhặt dữ liệu, sau đó phân tích hậu quả của các dữ liệu này – thực hành thị giác của Jiandyin mang phom dạng của nghệ thuật ý niệm. Các sắp đặt và điêu khắc của họ mô phỏng và truyền gửi các số liệu thống kê về thiên tai cũng như sự bần cùng của con người – một nỗ lực để kêu gọi việc đánh giá lại tính bá quyền chính trị, lũng đoạn kinh tế và ý nghĩa của giá trị tinh thần. Jiandyin cũng là đồng sáng lập của Baan Noorg Collaborative Arts and Culture, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận được khởi xưởng bởi nghệ sĩ ở Ratchaburi. https://www.jiandyin.com/
Lê Giang (Hiện đang sống tại Hà Nội, Việt Nam)
Thực hành hội hoạ và điêu khắc của Lê Giang – được bồi đắp bởi quá trình nghiên cứu các kho lưu trữ và bộ sưu tập, và trong những công trình hợp tác đa ngành – thường làm bật lên những câu hỏi về cách thức mà ký ức, hành vi và thói quen của con người được/bị hệ thống hóa. Được truyền cảm hứng bởi bộ máy tàn khốc của Lịch sử, bởi quá trình phân chia nhân loại và phi-nhân loại thành hai thế giới tách biệt, bởi những gì bị lãng quên và bỏ đi, Lê Giang tìm tới những chất liệu nhất định (chẳng hạn như than, thạch cao và đá); khám phá sức mạnh biểu tượng của vật chất; đồng thời nỗ lực làm hé lộ các lớp lang và dấu vết phức tạp mà lịch sử thuộc đia, mê tín văn hoá hay ô nhục xã hội để lại. Lê Giang hiện là đồng sáng lập của Six Space, một không gian nghệ thuật ở Hà Nội.
Zoe Butt (Hiện đang sống tại TPHCM, Việt Nam) là một giám tuyển và cây viết. Thực hành giám tuyển của cô tập trung vào việc xây dựng các cộng đồng nghệ thuật đặt tư duy biện luận và nhận thức lịch sử làm nền tảng, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia thuộc bán cầu nam. Hiện, Zoe là Giám đốc Nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory Contemporary Arts Centre, TPHCM. Cô từng là Giám đốc điều hành và giám tuyển của Sàn Art (TP. Hồ Chí Minh), dự án Long March (Bắc Kinh); Queensland Art Gallery, (Brisbane). Đồng giám tuyển của Triển lãm lưỡng niên Sharjah Biennial 14, các bài viết của Zoe đã được xuất bản trên Hatje Cantz, ArtReview, Art Asia Pacific, JRP-Ringier, Routledge, Sternberg Press và những rất nhiều tạp chí khác nữa. https://factoryartscentre.com/en/about/staff/
– – –
– – –
Để được giải đáp thắc mắc về chương trình, vui lòng liên hệ hotline +84(0)28 3744 2589 hoặc nhắn tin cho trang Facebook của The Factory.
*Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…