“Như bao đứa trẻ người Mông nông dân thuộc thế hệ 9x khác, hồi nhỏ tôi thường được nghe kể những câu truyện cổ tích từ bố mẹ, ông bà và các cô chú. Đó là khoảng thời gian sau bữa tối, bên bếp lửa, những đứa nhóc vừa phụ người lớn tẽ ngô, nhặt trấu vừa chăm chú nghe những câu truyện cổ tích từ người lớn. Đó là quãng thời gian chưa có điện lưới, chưa có trường bán trú và thậm chí là chưa đến trường. Hằng đêm, những đứa trẻ ngủ quanh người lớn, xin xỏ được nghe những câu chuyện đầy hấp dẫn với sự lên xuống giọng nhịp nhàng dần đưa chúng chìm vào giấc ngủ. Đó là những câu chuyện về các loài động vật, con vịt mỏ dẹt hơn con gà; con trâu có sừng nhưng không có hàm răng trên; con ngựa có răng lại không có sừng; con khỉ mặt nhăn, không dám xuống đất hay con cáo hiền lành. Đó là những câu chuyện về cây khèn, cây đậu, cây ngô, cây lúa. Đôi khi đó còn là những câu chuyện về những người anh em, về cậu bé mồ côi, về những vị vua huyền thoại, những vị thần trong tín ngưỡng Mông.
Về sau, khi học trong hệ thống trường nội trú, phải sống xa nhà, xa quê, xa những câu truyện đã khiến tôi luôn nhung nhớ nhưng cũng sớm giúp tôi nhận ra rằng không gian truyện cổ gần đi vào quên lãng cùng với sự phát triển của điện lưới, của truyền hình, truyền thanh, báo chí và đặc biệt là trường học bằng tiếng Việt. Sau này khi lớn lên, tôi thấy được sự cần thiết. Tuy truyện dân gian là những câu truyện truyền khẩu với những ngôn ngữ thông dụng và những hình ảnh đặc trưng rất đời thường, nhưng để hiểu hết các tầm nghĩa của truyện dân gian không phải là một điểu dễ dàng bởi ngầm ẩn dưới những hình ảnh và biểu tượng giản dị đó là một hệ thống phức tạp đan cài những giá trị tinh thần không dễ nắm bắt tạo nên cảm thức, văn hoá và thế giới quan của người Mông. Từ những vốn văn hoá này mà niềm tin tín ngưỡng, cấu trúc xã hội, những phong tục truyền thống tạo nên triết lý sống và thế giới quan của người Mông được dựng xây, trao truyền và gìn giữ từ đời này qua đời khác.” (trích từ tuyển tập ‘Chuyện bên bếp lửa’ (2017) do nhóm AHD biên tập)
Do chữ viết bị thất truyền trong quá trình thiên di, người Mông chỉ còn lưu giữ lại lịch sử, tri thức, giá trị văn hóa và các tục lệ bằng những câu truyện dân gian, những câu dân ca, những điệu hát, những bài tang ca, hỷ ca. Trong số đó, truyện dân gian, truyện cổ tích là hình thức phổ biến hơn cả, bởi sự đơn giản và tính dị bản được chấp nhận của thể loại này. Cùng một câu chuyện, nhưng số dị bản là vô số bởi qua lời kế của mỗi người khác nhau là một dị bản khác nhau. Số lượng truyện cổ tích của người Mông, vì thế cũng là vô số, nhưng đều xoay quanh một số nhân vật, cốt truyện điển hình. Nhân vật được nhắc đến nhiều nhất chính là những chàng trai, cô gái mồ côi hiền lành phúc hậu, đấu tranh chống lại cái ác, diệt trừ thị phi. Từ nhiều truyện chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy hai hướng chính của truyện cổ tích: Hướng 1 là những câu chuyện lí giải văn hóa, lý giải cuộc sống; hướng 2 là những câu truyện mang thiên hướng giới thiệu những nhân vật, những hình ảnh tượng trưng điển hình trong văn hóa. Dù là hướng phát triển nào, cách chấp nhận dị bản của người Mông đều hướng đến giá trị giáo dục sáng tạo, khuyến khích đời sau sáng tạo dựa trên những kinh nghiệm, kiến thức của đời trước, cố gắng hướng con người đến tự do, hạnh phúc trong cuộc sống, trong suy nghĩ. Trong kho tàng truyện cổ đồ sộ của người Mông, Tuaam Khaab, thuộc nhóm biên soạn cuốn ‘Chuyện bên bếp lửa (2017)’, cố gắng giới thiệu về ba thể loại truyện chính trong kho tàng đó gồm: Truyện về thiên nhiên và con người – Chuyện chàng Ruam chàng Ntse; và truyện lý giải văn hóa người Mông – Chùm truyện về cây khèn; truyện về lịch sử người Mông và nhân loại – Chuyện đại hồng thủy và sự tái tạo nhân gian.
Trong chương trình Hais lug nruag (tạm dịch trong tiếng Việt là: Nghe kể chuyện cổ tích) tại The Factory, chúng tôi mời Tuam Khaab tới để thủ thỉ với chúng ta nghe những chuyện cổ tích gói ghém từ ký ức cá nhân ẩn mật cho tới tri thức cộng đồng do các già làng trao truyền lại. Nhưng truyện cổ tích sẽ không chỉ dành cho trẻ nhỏ, vì ở đây “Chuyện bên bếp lửa” không còn là một cuốn sách, mà trở thành một không-thời gian đậm tính thần thoại và huyền ảo của một nền văn hoá với tinh thần tự trị, phóng khoáng nhưng cũng giàu tính thơ. Với những nỗ lực tái dựng không gian truyện cổ này, liệu truyện cổ tích còn có thể lưu truyền những giá trị vốn có cho đời sống đương đại và các thế hệ sau? Đương đầu với những vấn đề phức tạp mới nảy sinh của cuộc sống, liệu chúng ta có thể ghé thăm lại những câu chuyện cổ tích để tìm sự an ủi và gợi ý câu trả lời? Tại buổi Hais lug nruag – Cổ tích Mông, chuyện không chỉ để kể, chúng ta sẽ cùng bước vào không gian của chuyện kể, vào thế giới của lời khèn, núi rừng, chim muông, thần thoại giữa lòng thị thành. Cùng ngồi quanh Tuam Khaab, một kẻ đắm đuối với di sản văn hoá mình, một thành viên tích cực thuộc nhóm biên soạn ‘Chuyện bên bếp lửa’, để được nghe kể chuyện như thời bé thơ và cùng thảo luận về vai trò của truyện cổ tích trong cuộc sống thường nhật.
Chương trình này được tổ chức trong tương quan với triển lãm đang diễn ra tại The Factory, ‘Hư cấu không thể thiếu’ của Tammy Nguyễn và Hà Ninh. Trong quá trình sáng tác, Tammy Nguyễn cũng tìm được cảm hứng trong thần thoại (Hy Lạp) để diễn giải phần nào cuộc sống đương đại.
Phí tham gia:
➖Vé người lớn: 100,000VND (online); 130,000VND (tại cửa)
➖Vé học sinh/sinh viên: 40,000VND
**Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…