Loading Events

« All Events

GALERIA MÙA ĐÔNG 2019

  • This event has passed.

Nghệ sĩ: Trần Minh Đức, Ngọc Nâu 
Ngày triển lãm: 8 tháng 11 năm 2019 đến 19 tháng 1 năm 2020

Tại phiên bản Galeria Mùa Đông, The Factory xin giới thiệu các tác phẩm trước đây của Trần Minh ĐứcNgọc Nâu. Các tác phẩm này đóng vai trò như những cánh cửa, hé lộ một phần nào đó nguồn cảm hứng, những ý tưởng và chất liệu đã đặt nền móng cho bộ tác phẩm mới của họ, được trưng bày trong triển lãm ‘Xướng ca cho ai?’ (tại tầng trệt The Factory).

Trong ‘Ký Ức Gia Đình’ của Ngọc Nâu và ‘Đáp đất Nơi Nao, đáp đất tại một chiếc Hồ Chưa Biết Tên’ của Trần Minh Đức, ánh sáng trở thành nguồn năng lượng chính, mang lại ‘sự sống’ cho các tác phẩm. Ở vai trò là một thiết bị (hộp đèn), ánh sáng được hàng tỷ sóng điện từ phát ra từ phía sau, hất lên bề mặt nhiếp ảnh (của Đức) và khắc mica (của Ngọc Nâu). Chúng thu hút ánh nhìn, dẫn dắt mắt ta lần từ tiền cảnh tới hậu cảnh, dàn trải từ trung tâm tới ngoại vi của khung hình. Ánh sáng ở đây có thể tượng trưng cho đấng linh thiêng, sự bất tử và chốn tâm linh; có khả năng chống lại các thế lực hủy diệt của bóng tối, đồng thời ban sức sống cho vạn vật. Ánh sáng, cũng như khải thị, còn có thể là dấu hiệu của sự thuần khiết, trí tuệ và sự thật. Chẳng hạn, trong các tác phẩm của triết gia Plato (đặc biệt là câu chuyện ngụ ngôn về Hang động), ánh sáng không chỉ giúp con người  thấy bóng mình trên tường, mà nó còn giúp dẫn họ ra khỏi bóng tối, đi về phía mặt trời – nơi họ có thể thực sự mở mắt chiêm ngưỡng thế giới xung quanh mình. 

Vậy, trong các tác phẩm của Đức và Ngọc Nâu, bạn nghĩ ánh sáng giúp bạn thấy điều gì?

__

Ngọc Nâu chia sẻ về Ký ức Gia đình’:

“Nhóm tác phẩm này được tạo nên bởi những ấn tượng từ các các câu chuyện mẹ kể cho tôi về gia đình mình, cũng như về các gia đình khác. Mỗi bức tranh đều được tôi khắc lên những miếng in mica công nghiệp. Các nét khắc trên nền mực in đóng vai trò như những kí hoạ, giúp tôi lưu giữ kí ức của cá nhân cũng như của một tập thể trên mảnh đất nơi tôi sinh sống. Tôi tin rằng số phận của mỗi con người đều gắn liền với quang cảnh sống ở mảnh đất nơi họ sinh ra.

Mẹ tôi kể về thời kỳ mà gia đình tôi phải sơ tán về Thái Nguyên trong những năm 1960, khi miền Bắc chống Mỹ. Khi máy bay Mỹ thả bom, mẹ tôi vừa chăn trâu, vừa ngắm nhìn từng hàng bom được rải xuống những cánh đồng phía xa, như mưa. Một hình ảnh khác mà kí ức mẹ không thể xoá nhoà, là về một người hàng xóm bị các mảnh bom liệng phải, cả cơ thể bắn vướng lên ngọn cây gần nhà. Mẹ cũng không quên ngôi nhà xưa kia của gia đình ông bà tôi – một trong những nhà khá giả nhất của xóm khi bấy giờ. Nhà được xây bằng những hàng mái ngói đỏ tươi, trước sân ba cây cau mọc thẳng đứng, bao quanh là đồi chè xanh của gia đình. Đó là những nỗ lực tích góp để xây dựng một cuộc sống mới của gia đình ông bà tôi sau khi trốn chạy bom đạn từ Hà Nội.”

__

Trần Minh Đức chia sẻ về ‘Đáp đất Nơi Nao, đáp đất tại một chiếc Hồ Chưa Biết Tên:

“Chiếc dù nhảy màu hồng [xuất hiện trong tác phẩm] tượng trưng cho giấc mơ tìm tòi những vùng đất mới, những chân trời mới – một trong những ‘dự án’ khám phá và khai hoá tham vọng bậc nhất của loài người. Đi kèm với giấc mơ này, là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và các cuộc chiến tranh, với những tác động và hậu quả vẫn còn kéo dài ở nhiều đất nước, trong đó có Việt Nam. 

Tôi tìm mua được chiếc dù nhảy này tại một khu chợ ở Sài Gòn, và sau đó nhuộm nó thành màu hồng. Trong quá trình thu thập và nhuộm màu ấy, ký ức về thời chiến như thể đã ‘nhảy dù’ qua miền ký ức của tôi – một đứa trẻ hậu chiến – và đáp xuống một miền đất ảo mộng, một giấc mơ, nơi mà màu hồng của quên lãng đã che phủ  nỗi đau và sự kinh hoàng của bao nhiêu năm về trước. Làm thế nào để chúng ta – những người trẻ ngày nay – tìm hiểu được về các sự kiện và con người đã đến và đi trước chúng ta? Chúng ta có thực sự bao giờ biết đủ rộng và hiểu đủ sâu về (những) lịch sử đã qua không? Dù gì thì, hành động đáp đất này cũng có thể được coi là một phần của cuộc tìm kiếm bản thân và nguồn gốc của mỗi người – một hành trình thiên biến vạn hoá, liên tục di chuyển và mãi trong trạng thái đón nhận, phân tích, thích nghi và phát triển.”

Tổ chức và tài trợ bởi: