VIỄN CẢNH/NỘI CẢNH: TRANH LỤA TỪ QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI

Nghệ sĩ: Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thuý, Lê Hoàng Bích Phượng và Nguyễn Thị Châu Giang
Giám tuyển bởi: 
Zoe Butt và Wang Zineng
Ngày: 
6 tháng Mười – 26 tháng Mười Một 2017

‘Viễn cảnh/Nội cảnh: Tranh lụa từ Quá khứ và Hiện tại’ là phiên bản đầu tiên của ‘The Glass Box’, một chương trình dành riêng cho hội viên do The Factory khởi xướng, với sự đồng hành của Art Agency, S.E.A
 
Tranh lụa là một trong những loại hình nghệ thuật đặc sắc nhất của mỹ thuật hiện đại thế kỷ 20 trên toàn cầu, chủ yếu được phát triển bởi các nghệ sĩ-cựu sinh viên của ngôi trường Mỹ thuật Đông Dương do Pháp xây dựng, những người đã được giảng viên khuyến khích thể hiện các chủ đề cũng như sử dụng chất liệu bản xứ trong tác phẩm của mình. Cộng đồng những nghệ sĩ Việt Nam phiêu bạt ở Paris – nổi bật nhất là Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu – rất nhạy cảm với hệ thống tư tưởng ở quê hương thứ hai; các tác phẩm của họ luôn cho thấy những ảnh hưởng mang tính đối thoại trực tiếp với các nghệ sĩ cốt cán của Trường Mỹ thuật ở Paris như Amedeo Modigliani, Raoul Dufy và Marc Chagall. Họ tìm thấy ở lụa một chất liệu với những đặc tính hoàn toàn khác biệt so với tranh sơn dầu trên toan. Khả năng hút và giữ màu của lụa buộc các hoạ sĩ phải sử dụng những đường nét mềm mại thanh thoát; nhiều khi, chúng chìm lặn hoàn toàn bên dưới những mảng màu được tiết chế để tạo nên sắc độ cho tác phẩm. Tranh lụa thế kỷ 20 – với đại diện trong trưng bày này là các tác phẩm của Vũ Cao Đàm và Mai Trung Thứ – thể hiện một sự phát triển đều đặn, không đứt quãng của lịch sử nghệ thuật nói chung trong những năm ngay sau Thế Chiến thứ II.
 
Ngược lại, các nghệ sĩ sống trong thời kì hậu chiến lại có một mối quan hệ rất khác biệt với lịch sử nghệ thuật. Sau năm 1975, mục đích của công tác giáo dục văn hoá – nghệ thuật là phản ánh tư tưởng của Nhà nước và xây dựng hình tượng một nước Việt Nam với các giá trị thấm nhuần tinh thần Hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Từ đó tới nay, hệ thống giảng dạy nghệ thuật ở địa phương vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào kỹ thuật và phương pháp, thay vì tìm hiểu hay bóc tách mạng lưới những ảnh hưởng lịch sử từ bên ngoài lên sáng tác của các bậc thầy hội hoạ Việt Nam thế kỷ 20. Một sinh viên trường Mỹ thuật buộc phải nhìn xa hơn các kiến thức chính quy hay tài liệu nguồn trong nước, và tham khảo thông tin cóp nhặt trên mạng Internet cũng như từ các cơ hội đi ra nước ngoài.
 
Các nghệ sĩ trẻ trong trưng bày ‘Viễn cảnh/Nội cảnh: Tranh lụa từ Quá khứ và Hiện tại’ tiếp cận với thế giới hội hoạ trên lụa chủ yếu thông qua số ít các bộ sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội; qua sự hướng dẫn của các nghệ sĩ địa phương ở TP. Hồ Chí Minh như Bùi Tiến Tuấn; và quan trọng hơn, qua việc nghiên cứu thực hành của các nghệ sĩ lụa hiện đại và đương đại Nhật Bản như Kitagawa Utamoro (1753-1806) và Fuyuko Matsui (sn. 1974). Thay vì bồi lụa lên giấy (như vẫn thường thấy trong tác phẩm của Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm), các nghệ sĩ trẻ trong trưng bày lại thử nghiệm với hình thức đóng lụa vào khung để tôn lên độ trong (Lê Hoàng Bích Phượng) hay xếp gấp các khung tranh để chơi đùa với khả năng tạo hình của điêu khắc (Lê Thuý). Điều này thể hiện những suy ngẫm và thử nghiệm mang tính khái niệm về không gian và chất liệu mà các nghệ sĩ đương đại Việt Nam ngày càng quan tâm trong sáng tác của mình.
 
Nếu trong các bức hoạ của Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm, tính nữ được hình dung như cái gì đó mỏng manh, gợi cảm và đầy tính mẫu (đặc tả quan điểm xã hội của thời đại mà họ sinh sống), thì các tác phẩm của Nguyễn Thị Châu Giang, Lê Thuý, và Lê Hoàng Bích Phượng lại đưa ra một phản đề bằng cách thể hiện chân dung người phụ nữ với sức mạnh bền bỉ nội tại, mang tinh thần đầy thách thức tâm lý, táo bạo chất vấn những quy chuẩn về giới nữ. Sự pha trộn chất liệu thẩm mỹ truyền thống với chiêm nghiệm phản ảnh cuộc sống đương đại trong các tác phẩm này đã cuốn hút rất nhiều bộ sưu tập của các bảo tàng quốc tế (trong đó, hai bảo tàng tiêu biểu đã sưu tập và quảng bá nghệ thuật Việt Nam từ những năm 1990 là Queensland Gallery of Modern Art (Gallery Nghệ thuật Hiện đại Queensland), Úc và the Fukuoka Asian Art Museum (Bảo tàng Nghê thuật Fukuoka), Nhật Bản).
 
Điều thú vị là, nhóm nghệ sĩ chủ chốt trong việc tiếp tục thử nghiệm với ngôn ngữ hội hoạ trên lụa ở Việt Nam hiện nay là nghệ sĩ nữ. Mặc dù nhà sử học nghệ thuật Nora Taylor đã viết vào năm 2009, ‘Từ giai đoạn thuộc địa – khi nghệ sĩ chỉ được coi là nghệ nhân và phụ nữ chỉ là người nội trợ, cho đến thời kỳ giải phóng – khi nam nữ bình đẳng trong lao động, cho đến hiện tại – với những áp lực của tư bản và thị trường nghệ thuật toàn cầu, nghệ sĩ vẫn chưa thoát khỏi những rào cản của danh tính trong hệ thống xã hội Việt Nam (1)’, những gì ta thấy trong ‘Viễn cảnh/Nội cảnh: Tranh lụa từ Quá khứ và Hiện tại’ lại thể hiện rằng, nghệ sĩ ngày nay đã có những thành công trong việc phá bỏ các lề thói xưa cũ xung quanh câu hỏi ‘danh tính’. Họ là một thế hệ nghệ sĩ mới, với số lượng nữ sĩ nhiều hơn bao giờ hết, và họ quyết tâm tìm kiếm các hướng đi khác để tiếp cận các chủ đề xã hội trong thực hành của mình.
 
Zoe Butt & Wang Zineng
Tháng Mười 2017
 
(1) Taylor, Nora. ‘Women Artists’ in ‘Painters in Hanoi: An Ethnography of Vietnamese Art’. NUS Press, Singapore, 2009, trang 107.

Phiên bản 1 của The Glass Box do Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory khởi xướng và do ‘Art Agenda, S.E.A’ đồng tổ chức. Đa phần các tác phẩm trong chương trình này đều có thể được đặt mua.