Trong bài nói chuyện này, nhà văn-nhà thiết kế Nguyễn Quí Đức sẽ chia sẻ cho chúng ta về các yếu tố văn hóa có ảnh hưởng đến cách tiếp nhận, bộc lộ phong cách và ý thức văn hóa.
Đầu tiên là nhìn nhận ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Khổng giáo trong bản sắc văn hóa và cuộc sống của người Việt. Khổng giáo rõ rệt là môt cách suy nghĩ, và cách sắp đặt một xã hội coi trọng tôn ti, trật tự, có trên có dưới, có Trời, có vua, có thần dân—và những mối quan hệ khá cứng nhắc. Điều quan trọng là sự hài hòa giữa các thành phần trong xã hội, từ trong gia đình ra đến cộng đồng. Bên cạnh Khổng giáo, người Việt cũng sống với các quy tắc và ước vọng của đạo Phật – tinh thần vị tha, chấp nhận hoàn cảnh, biết tiếp nhận niềm vui của những gì sắn có trước mặt. Những người theo đạo Phật được huấn luyện để không đòi hỏi nhiều, và phần nào những nhu cầu, ý thích cá nhân đều được kiềm chế. Tương tự như thế, đạo Giáo, hay còn gọi là đạo Lão, cũng yêu cầu mình sống với thiên nhiên, không chế ngự môi trường với các ý thích và hành động riềng tư. Cùng lúc, con người trở nên phần nào thụ động hơn, và có thể nói là họ tránh không muốn vật lộn, tranh đấu quá độ, vượt lên trên những khuôn phép đã ấn định. Cả ba tôn giáo này đặt nặng tinh thần luân lý, tinh thần cộng đồng, tránh các ham muốn và ý tưởng cá nhân, khác biệt. Khác biệt một tí cũng đã bị cho là cần gây sự chú ý, là lập dị, làm gì đặc biệt một chút đã được coi là táo bạo.
Thế nhưng, ngoài những câu chuyện bên trên, con người Viêt Nam cũng đang phải đối đầu với một xung đột mới—ấy chính là những xung đột giữa những giá trị truyền thống và những xu hướng đang du nhập vào đây từ thế giới phương Tây. Trong giai đoạn tiếp xúc với nền văn minh châu Âu, đặc biệt là sau một thời gian nằm dưới ảnh hưởng của các tư tưởng của nước Pháp, nhiều bậc trí thức, các nhà văn, chí sĩ Việt Nam đã muốn thay đổi tư duy, cải cách, và phần nào đưa xã hội Việt Nam ra khỏi vòng cưỡng bách lâu đời của luân lý, đạo đức và nếp sống cổ xưa. Trong các xã hội tư bản, con người được khuyến khích và thậm chí bị bắt buộc phải tranh giành quyền riêng tư. Họ cần cạnh tranh với mọi người chung quanh để tiến lên, để thu lại lợi ích cho mình, để thắng thể trong cuộc tranh luận ý tưởng, hay trong cuộc chạy đua trong thương trường.
Trong bối cảnh ngày nay, làm thế nào để chúng ta đủ can đảm và sáng suốt để cân đối nhu cầu hài hòa với tập thể, cùng lúc đáp ứng được mưu cầu hạnh phúc để sống và nói thật, để có ý thức sáng tạo, và để thể hiện đúng con người của mình? Liệu có hay không một sự dung hòa giữa nề nếp và truyền thống lâu đời với các trào lưu toàn cầu? Câu trả lời sẽ được thảo luận trong buổi chia sẻ với nhà văn – nhà thiết kế Nguyễn Quí Đức tại The Factory vào ngày 28 tháng Mười sắp tới.
*Sự kiện diễn ra bằng tiếng Việt, có phiên dịch tiếng Anh