Sự kiện đặc biệt thuộc chuỗi chương trình cộng đồng xoay quanh triển lãm ‘Xướng ca cho ai?’, lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Ngọc Nâu – một trong ba nghệ sĩ của triển lãm. Thực hành nghệ thuật của Ngọc Nâu khám phá và đề cập trực tiếp tới ‘Đạo Mẫu’ – một trong những tín ngưỡng lâu đời nhất của người Việt.
Năm 1959, Maurice Durand, giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp có mẹ là người Việt, xuất bản công trình đầu tiên xoay quanh chủ đề hệ thống nghi lễ nhập hồn thờ ‘Tứ Phủ’ (tức là thờ nhiều vị thần thánh thuộc phạm vi Thiên, Nhạc, Thoải, và Địa). Trong những năm 1990, truyền thống thờ này được một số nhà nghiên cứu Việt Nam ‘phát hiện lại’. Họ coi công trình mở đường của Durand như điểm tham chiếu quan trọng và tiếp tục mở rộng nghiên cứu. Qua đó, họ cũng đóng góp vào việc tiếp cận, cũng như đặt thực hành thờ Tứ Phủ trong khuôn khổ nghiên cứu shaman giáo rộng hơn, và tạo điều kiện cho nhiều học giả nước ngoài (lúc đó đang dần dần trở lại Việt Nam) tiếp tục tìm hiểu. Thực hành thờ Tứ Phủ, từ đó, trở thành một chủ đề nghiên cứu được ấn định rõ ràng. Đã có nhiều ý kiến tư biện về hiện tượng này, nay được biết tới dưới tên gọi phổ biến là ‘Đạo Mẫu’ – một hiện tượng cũng dần dần được công nhận như là một ‘tôn giáo’ hoặc ‘tín ngưỡng’ bản địa của Việt Nam. Quá trình này đã dẫn đến việc UNESCO ghi nhận thực hành thờ Tam/Tứ Phủ vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vào cuối năm 2016. Hiện nay, tranh luận về nguồn gốc lịch sử và ý nghĩa văn hóa của Tứ phủ còn tiếp tục, giữa các học giả và cả các tín đồ.
Trong buổi giao lưu này, PGS Paul Sorrentino (giảng dạy Nhân học tại Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales/Trường Cao học Khoa học Xã hội, Pháp) sẽ chia sẻ những tìm hiểu của anh về các nghi lễ của ‘Đạo Mẫu’, cũng như cách thức mà chúng được miêu tả bởi các học giả (và cả các tác giả khác) từ thời thuộc địa đến thời hậu thuộc địa. Song song, chúng ta cũng sẽ cùng anh xem xét các giả thuyết về một lịch sử sâu hơn của Đạo Mẫu, thông qua những dấu vết (từ quá khứ đó) giờ được kết tinh trong các hình thức thực hành nghi lễ hiện nay. Từ đây, ta có thể cho rằng: sự phân biệt giữa bản chất của ‘Đạo Mẫu’ và những văn bản/nghiên cứu học thuật (về ‘Đạo Mẫu’) sẽ mờ đi; và rằng: sự công nhận ‘Đạo Mẫu’ là di sản phi vật thể cũng phụ thuộc vào một quy trình sáp nhập nhiều hình thức thờ địa phương khác nhau, diễn ra trong khoảng thời gian lâu dài. Như vậy, nếu ta cho rằng Tứ Phủ là một hệ thống luôn luôn biến đổi, thì cũng sẽ tồn tại khả năng: cả buổi giao lưu của PGS Paul Sorrentino, lẫn một số tác phẩm trong triển lãm’ Xướng ca cho ai?’ cũng sẽ góp phần vào quá trình biến đổi hữu cơ đó.
*Hình ảnh: Ngọc Nâu. ‘She Dances for Desire (ảnh chụp từ tác phẩm)’ 2017. Sắp đặt video đơn kênh: 5’, HD, màu, âm thanh. Hình ảnh do nghệ sĩ cung cấp.
—
Phí tham gia:
➖Vé người lớn: 100,000VND (online); 130,000VND (tại cửa)
➖Vé học sinh/sinh viên: 40,000VND
**Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…