Tại buổi trò chuyện này, chúng tôi sẽ giới thiệu một dự án bao gồm các bức ảnh và sắp đặt của Lê Phi Long, kèm theo một video phim tài liệu do Madeleine Cao – nhà sáng lập của doanh nghiệp xã hội OpenM Corp – sản xuất và uỷ thác cho Lê Phi Long đạo diễn và thực hiện.
Lê Phi Long luôn luôn nhạy cảm với những thể hiện và can thiệp vào địa điểm. Vốn được đào tạo về thiết kế nội thất, anh cho rằng nơi chốn có tác động quan trọng lên trải nghiệm của người xem với một tấm ảnh hay một sắp đặt. Đồng thời, các đồ vật này có thể nắm giữ chìa khoá để tiếp cận những vấn đề liên quan đến một nơi chốn, hay thách thức những quy chụp của xã hội về nơi chốn đó. Một trong các chủ đề khiến Phi Long quan tâm là ảnh hưởng của chất thải từ con người lên địa điểm. Do đó, dự án Những Can thiệp Nối dài của anh ở trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory sẽ vừa là không gian khám phá những đam mê với địa điểm sắp đặt, vừa là nơi anh đi sâu vào mối trăn trở về sự hiện diện tràn lan của rác thải trong môi trường đô thị và nông thôn.
Sê-ri Tương lai ẩn khuất tái hiện một dự án đặc sắp đặt địa điểm (site-specific) của Phi Long, nằm trong khuôn khổ một dự án lớn hơn về môi trường mang tên ‘Clean Up the Beach’ do OpenM Corp* tổ chức. Được sắp đặt trên đảo Lý Sơn, một địa danh du lịch đang ngày càng nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ngãi, những bức ảnh này là thành quả của sự hợp tác giữa anh và hơn 70 tình nguyện viên của dự án trong việc thu gom rác xung quanh đảo, phân loại chúng theo hình dạng, kích thước, và màu sắc, sau đó sử dụng dây để đan kết rác lại với nhau tạo thành một tấm lưới rác thải, quấn thắt lấy cổng Tò Vò – một mái vòm đá có tuổi thọ hàng triệu năm, được kiến tạo từ dung nham núi lửa và sóng biển bào mòn, đồng thời là biểu tượng du lịch của Lý Sơn. Trong các bức ảnh, điểm nhìn của ống kính tương tự như những bức ảnh chụp cổng Tò Vò của khách du lịch. Tuy nhiên, sự hiện diện của tấm lưới rác sặc sỡ gần như nuốt chửng chiếc cổng biểu tượng và phá vỡ không gian thơ mộng nơi này. Sắp đặt diễn tả những quan ngại về việc một tạo vật thiên nhiên đang bị bóp nghẹt bởi rác thải do khách du lịch và cư dân địa phương để lại. Với Tương lai ẩn khuất, Phi Long đặt ra sự tương phản giữa một kỳ quan thiên nhiên và rác thải nhân tạo, nhằm đưa ra câu hỏi về những hệ quả của việc tiêu thụ và xả rác của con người lên môi trường sinh thái.
Video phim tài liệu Tương lai ẩn khuất , do Madeleine Cao sản xuất và uỷ thác cho Phi Long đạo diễn, ghi lại quá trình các tình nguyện viên dọn sạch hòn đảo, hỗ trợ Phi Long với sắp đặt ở cổng Tò Vò, và tổ chức các buổi workshop về xử lý rác thải và bảo vệ môi trường cho người dân địa phương ở Lý Sơn.
Dị bản Xâm Lăng là một sắp đặt ở The Factory, mang hình dáng một núi rác vô cơ tràn qua cửa và xâm chiếm không gian bên trong. Khối rác khổng lồ này ngập ngụa, đan xen vào cả đồ dùng nội thất**, xoá nhoà ranh giới giữa ‘rác’ và ‘đồ vật’, giữa ‘hữu dụng’ và ‘vô dụng’. Ở đây, Phi Long muốn đặt câu hỏi về định nghĩa thế nào là ‘rác’, và về vòng đời của một món đồ trong xã hội tiêu dùng ở các đô thị đang phát triển. Khi tất cả chúng ta đều được khuyến khích mua đồ mới, thay vì sửa chữa đồ cũ, đồ vật biến thành ‘rác’ một cách nhanh chóng hơn. Thông qua sắp đặt này, anh muốn mời khán giả xem và chiêm nghiệm mối tương quan giữa quá trình tạo ra rác thải và thói quen tiêu thụ quá mức của con người, đồng thời suy nghĩ một cách sâu sắc hơn về nền kinh thế thị trường và những tác động của chủ nghĩa tiêu thụ.