The Factory chân thành cảm ơn các nghệ sĩ đã ứng tuyển cho chương trình ‘Materialize’ 2019. Tình yêu nghề và thực hành đa dạng của các bạn đã thực sự thử thách ban giám khảo của chúng tôi… Vậy nên, một lần nữa, cảm ơn các bạn!

 

Xin chúc mừng ba ứng viên đã vào vòng ‘chung kết’! Tháng 5 tới, Võ Thủy Tiên (TP. HCM) khẽ mở các tầng lớp khác nhau trong đời sống cá nhân của mình; đồng thời chất vấn những gì thúc đẩy, điều khiển nhu cầu và khao khát của con người. Vào tháng 8, chúng tôi giới thiệu họa sĩ Nguyễn Ngọc Thạch (TP. HCM) với loạt tác phẩm lấy cảm hứng từ những khoảng trống/khiếm khuyết mang tính tâm lý, là hậu quả của nhịp sống công nghiệp liên tục, bị chi phối bởi máy móc. Tháng 11, ‘Materialize’ 2019 tạm khép với Đặng Thùy Anh (Hà Nội); dự án đa phương tiện của cô nghiên cứu và so sánh những tương đồng và khác biệt trong cấu trúc xã hội, tương tác vật lý và phương thức sinh tồn của loài người và loài nhuyễn thể.

 

Thật nóng lòng mong chờ các dự án được hiện thực hoá tại The Factory! 2019 hẳn sẽ là một năm thú vị cho cả chúng tôi và các bạn!

THÁNG MƯỜI MỘT - ĐẶNG THUỲ ANH

Lặng Yên San Sátlà triển lãm cá nhân đầu tiên của Đặng Thuỳ Anh trong hành trình nghệ thuật của cô với loài ốc bươu vàng, những sinh vật đã cùng với cô nghiền ngẫm suốt hai năm qua về tầm ảnh hưởng của đô thị hoá lên đời sống con người. Trong triển lãm này, ốc bươu vàng, trái với kỳ vọng của một vật phẩm nghệ thuật thường tĩnh, mãn nhãn, lại là một nhân vật hiếu động, tinh quái, luôn thay hình đổi dạng và không ngừng biến động khó lường theo từng ngày triển lãm. Cũng tương tự như trong đời sống tự nhiên của chúng, được đưa vào Việt Nam những năm 1990 để làm thức ăn cho gia súc, ốc bươu vàng bỗng chốc trở thành một hiểm hoạ đối với nền nông nghiệp khắp cả nước, phá hoại mùa màng, làm khổ chúng sinh. Chính bởi tính bất chấp tất cả để sinh trưởng, cũng như hiện diện thị giác của loài nhuyễn thể này, mà Thuỳ Anh thấy đây chính là một phản ảnh vừa phi lý, vừa thi vị về con người trong cuộc đua tiềm tàng dự cảm không lành hướng tới sự phát triển, nhưng cũng dẫn dần tới vực thẳm ngày tàn.

THÁNG TÁM - NGUYỄN NGỌC THẠCH

Những mối quan hệ tan vỡ’ là một cuộc truy vấn của Nguyễn Ngọc Thạch vào sự chao đảo của trật tự thế giới, nơi mà những thoả ước xã hội giữa người với người đang trên bờ vực mất dần các nền tảng đạo đức. Liệu chúng ta phải chịu trách nhiệm trước ai và về điều gì cho những hành động của mình? Với cách xử lý hội hoạ đầy điêu luyện trước thẩm mỹ cảnh quan và quang cảnh của tâm trí, lúc thì mênh mang hồi tưởng về tuổi thơ trên biển, khi thì phản tư về đời sống hiện tại ở ngoại vi thành phố, Thạch nỗ lực vẽ nên một bức tranh của những trải nghiệm cá nhân khi đối diện với những trạng thái hiện sinh cùng cực, khi mà con người ta sơ suất với ảnh hưởng và kiểm soát của mình tới người khác và môi trường xung quanh.

THÁNG NĂM - VÕ THUỶ TIÊN

Cuộc hôn nhân này’ là dự án vẫn đang tiếp diễn của Võ Thuỷ Tiên, nhằm bóc tách các tầng lớp trong đời sống cá nhân của cô, để qua đó, khám phá những ý niệm về hôn nhân, thiên chức làm mẹ, chuyện riêng tư-gia đình, cũng như tính chất đan xen, chồng chéo của tình yêu và các mối quan hệ. Thông qua lăng kính hướng về quá khứ (đôi khi là tưởng tượng) của chính nghệ sĩ, các chủ đề sáng tác trên – được thị giác hoá qua việc sử dụng và dán ghép, collage hình ảnh hoa quả và đồ vật (một số mang tính biểu tượng cao trong đời sống văn hoá Việt Nam) – lần lượt xuất hiện trên các chất liệu nhiếp ảnh, điêu khắc và hình ảnh động xuyên suốt triển lãm.

Tài trợ bởi: