‘Nắng Bằng Phẳng’ là một triển lãm nghệ thuật với mong muốn làm thay đổi nhận thức và mối quan hệ giữa chúng ta với thế giới tự nhiên—thế giới mà con người hiển nhiên thuộc về và phụ thuộc vào. Lêna Bùi thách thức chúng ta suy ngẫm sâu hơn về cách chúng ta hiểu, theo hướng tâm linh và cả vật chất, cái gì được coi là tốt, cái gì bị coi là xấu, cái gì hữu dụng và cái gì vô dụng, những gì được coi là tự nhiên theo tiêu chuẩn của thị trường so với những gì là thật sự tự nhiên trong thiên nhiên. Qua đó làm lộ diện cách những thái độ này tạo ra những ảnh hưởng xã hội lên nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Sau nửa năm khảo sát thực tế (với sự hỗ trợ từ nhóm nghiên cứu bệnh lây nhiễm giữa động vật và người của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng ĐH Oxford tại thành phố Hồ Chí Minh), Lêna đã trải nghiệm và được quan sát cách canh tác truyền thống tại các vùng nông thôn Việt Nam. Trải nghiệm này khiến cô có chút lo ngại về những ảnh hưởng của sự toàn cầu hoá lên nguồn thực phẩm chúng ta sử dụng hàng ngày và lên những cộng đồng làm nông truyền thống, khi nó phá vỡ cấu trúc chăn nuôi gia súc là một phần có liên kết chặt chẽ với mặt khác trong cuộc sống một nông hộ.. Trong triển lãm này, Lêna sử dụng ánh sáng mặt trời, nguồn năng lượng nuôi sống tất cả các sinh linh, như một ẩn dụ khi biến nó thành thứ ánh sáng liên hoàn không có ngày hoặc đêm, tạo ra môi trường nơi các giá trị giả có thể có thế lực cao nhất.
Với cách làm việc như một nhà thực vật học kiêm dân tộc học, Lêna cũng như thế hệ các nghệ sĩ đi trước đã từng sử dụng những phương thức khoa học như Joseph Banks, người đồng hành cùng thuyền trưởng Cook để nghiên cứu về hệ thực vật và động vật khi họ “phát hiện” phần đất Brazil, Tahiti, Úc và New Zealand trong những chuyến du hành vào những năm 1700; hoặc tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại Amar Kanwar, Superflex hay Kader Attia, là những nghệ sỹ đã đưa những cơ chế trong ngành dân tộc học vào các phim và tác phẩm sắp đặt của họ, để tìm hiểu về nguyên nhân và sự ảnh hưởng.
Trong bộ sựu tập “Nhật ký rau củ” của Lêna Bùi, cô đã lưu giữ (bằng phác thảo và phỏng vấn) các phản ứng vị giác và hình dáng của các loại rau quả này tuỳ theo nguồn gốc của chúng. Tác phẩm “Cây cỏ hồn nhiên”, một bộ sưu tập sống động về các loại thảo mộc mà ngày người ta thường nghĩ là cỏ dại, sẽ được “trồng” ngay trong khuôn viên sắp đặt cùng với những tài liệu chi tiết về thực vật học trong nước. Trong tác phẩm “Mandala Vũ trụ tăng trưởng”, “Hoàng hôn lan tràn”, Lêna đã vẽ nên một quang cảnh có “nắng bằng phẳng”, chốn thiên đường của chất nhựa, trôi nổi trong một lớp nhựa resin lấp lánh kim tuyến. Chúng sinh sôi, nhân rộng và tạo ra hàng cụm tựa như các nhóm vi khuẩn sinh sản trên dĩa cấy tại các phòng thí nghiệm, hay các dải đất nhân tạo trên biển, hay các vệ tinh trôi nổi trên vũ trụ mênh mông. Những sinh vật nhân tạo này sinh sôi nảy nở, sùi bọt như sự lở loét, ghẻ ngứa hay u nhọt, tựa như chúng muốn vỡ ra khỏi cơ chế tuần hoàn của chúng.