Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (TP. HCM) và Art Vietnam (Hà Nội) trân trọng giới thiệu Gang of Five Lạc bước Tân kỳ – một dự án nghệ thuật do giám tuyển Lê Thuận Uyên thực hiện, khảo sát thực hành kéo dài hơn ba thập kỷ của năm hoạ sỹ gạo cội đến từ miền Bắc Việt Nam: Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hoà, Trần Lương và Phạm Quang Vinh. Với gần bốn mươi tác phẩm hội hoạ và đa dạng tư liệu lịch sử sống động (bao gồm chuỗi các bài bình luận và phỏng vấn, hình ảnh tài liệu, sổ cảm tưởng, hai phim tư liệu ngắn và một dòng thời gian lần theo sự ra đời, phát triển, và hội tụ của Gang of Five), đây là một trong số ít các triển lãm (được tổ chức tại Việt Nam) khảo sát thực hành và đời sống của nghệ sĩ (hoặc nhóm nghệ sĩ) thế kỷ 20 mang tính bao quát và chuyên sâu. Triển lãm không chỉ giới thiệu lại Gang of Five với khán giả thành phố và nhìn nhận lại vị trí của nhóm trong giai đoạn mỹ thuật Việt Nam sau Đổi Mới, mà còn cung cấp cơ hội để người xem tham quan và nghiên cứu khung cảnh nghệ thuật thời bấy giờ – một phần lịch sử nghệ thuật nước nhà mang đầy nội lực và biến chuyển.
Gang of Five hình thành vào nửa sau thập niên 80, trưởng thành và phát triển thực hành nghệ thuật trong giai đoạn chuyển giao sang một chương mới của lịch sử, sau thời kỳ Đổi Mới. “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” đã tạo nên thành công cho Gang of Five, khi các hoạ sĩ bắt đầu gỡ bỏ những ràng buộc của nghệ thuật dòng chính đã không còn thích ứng được với nhu cầu của xã hội, những thứ đã bó hẹp mỹ thuật Việt Nam trong không gian tư tưởng và địa lý chật hẹp. Trong bối cảnh đương thời, các tác phẩm của họ tách rời khỏi khuôn mẫu tư tưởng chủ nghĩa Xã hội – khi nghệ thuật minh hoạ và tranh cổ động (đóng vai trò là công cụ vận động, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, thi đua sản xuất; khơi dậy các vấn đề thời sự, trách nhiệm của công dân; thường khắc hoạ con người mang dáng dấp chắc khoẻ trong khung cảnh đất mẹ tươi sáng, tích cực) bao trùm không gian nghệ thuật miền Bắc Việt Nam tới tận những năm giữa thập niên 80.
Nghệ thuật của Gang of Five, ngược lại, mang nét táo bạo hơn – với biểu hình đa dạng hơn, cái nhìn cá nhân hơn. Thông qua nỗ lực thử nghiệm với các dạng thức biểu đạt thẩm mỹ khác nhau (nổi trội là bán Trừu tượng và Biểu hiện); nhìn nhận lại những hiểu biết và giảng dạy phổ thông về hội hoạ; tái hiện sự vật hiện tượng dựa trên cảm xúc và quan điểm cá nhân (chứ không chỉ từ những hiện thực họ ‘nhìn thấy’); xoáy sâu khắc hoạ chủ đề tâm lý con người và đời thường (chứ không phải tái tạo một thế giới được tô hồng), tác phẩm của Gang of Five dường như lại bắt đầu ‘có quyền’ được ‘lãng mạn’ hơn. Tuy vậy, ‘Tân kỳ’ của họ không chỉ toàn cái mới, mà phía sâu bên dưới vẻ bề ngoài biến đổi không ngừng kia còn cả những giá trị, những thái độ, hành vi và những tư duy cũ. Đằng sau cánh cửa của vô vàn những cơ hội lại là không ít những ẩn số, bất trắc/ những va chạm, mâu thuẫn về phương thức, về quan điểm thực hành. Hai lực kéo – đẩy đó đã góp phần định hình, thay đổi và đưa năm thành viên của nhóm tới năm bến đỗ khác nhau.
Gang of Five Lạc bước Tân kỳ diễn ra lần đầu tại Hà Nội (tháng 10 năm 2017), trưng bày các sáng tác mới nhất của các hoạ sỹ. Sau hơn hai mươi năm trên những con đường riêng của mình (từ 1997 tới 2017), chính sự thấu hiểu, cảm thông, ‘chịu’ nhau của năm hoạ sỹ đã một lần nữa tạo nên một cú kích, thúc đẩy một cuộc hội ngộ giữa những người bạn. Tháng 7 năm 2018, Gang of Five Lạc bước Tân kỳ sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, không chỉ giới thiệu các tác phẩm sáng tác trong giai đoạn trước, từ những năm 1990 tới những năm 2000 (phần nào được cho là điển hình dấu ấn hội hoạ của năm hoạ sỹ), mà còn trưng bày cả những văn bản và hiện vật mang tính lịch sử, với mong muốn mang đến cho người xem một lát cắt đời sống Hà Nội những năm cuối thế kỷ trước.
Gang of Five Lạc bước Tân Kỳ là dự án thứ hai thuộc chương trình vẫn đang tiếp diễn của The Factory mang tựa Tinh thần Bằng hữu. Chương trình biên khảo và vinh danh vai trò của tình bạn giữa các nghệ sĩ như là chất dẫn, đã và vẫn đang tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật thử nghiệm và mang tính độc lập ở Việt Nam, từ năm 1975 tới nay.
*Hình ảnh: Gang Of Five, khoảng năm 1993, do Gerhard Jörén chụp.