Loading Events

« All Events

TINH THẦN BẰNG HỮU

  • This event has passed.

Giám tuyển bởi: Zoe Butt, Bill Nguyễn, Lê Thiên Bảo
Thời gian triển lãm:
 29 tháng Chín – 26 tháng Mười một 2017 (Khai mạc vào lúc 18g00 ngày 29 tháng Chín)

Triển lãm này mong muốn tôn vinh vai trò và những đóng góp của tình bằng hữu giữa các nghệ sĩ trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển của nghệ thuật thể nghiệm ở Việt Nam từ năm 1975. Là một trưng bày mang tính giáo dục, triển lãm ghi nhận cách ‘tình bằng hữu’ đã và vẫn đang là động lực cho các ý tưởng sáng tạo, khích lệ các nghệ sĩ tiếp tục nới rộng đường biên của những định chuẩn về cách nghệ thuật được định nghĩa, giảng dạy, và triển lãm ở Việt Nam. Qua đó, tình bằng hữu củng cố niềm tin cho các nghệ sĩ vào một mục đích nghệ thuật cao cả, vượt lên trên tầm những khuôn mẫu cứng nhắc và những giá trị thương mại đơn thuần.

Được tạo dựng như ‘một triển lãm mở đề’, ‘Tinh thần bằng hữu’ đưa đến cho người xem một bản đồ khái quát theo dấu hoạt động của ít nhất 20 nhóm nghệ sĩ thị giác trên khắp Việt Nam. Nhận thấy rằng các cơ hội tiếp cận với lịch sử nghệ thuật đương đại Việt Nam còn nhiều bất cập do hạ tầng văn hoá của quốc gia vẫn đang trong thời kỳ định hình, triển lãm là một nỗ lực của The Factory nhằm tạo ra một trải nghiệm lịch sử mang tính so sánh đối chiếu cho công chúng bản địa, từ đó tạo tiền đề cho những nghiên cứu văn hoá nghệ thuật đa ngành.

Khán giả tốt nhất không nên coi triển lãm ‘Tinh thần bằng hữu’ như một bản liệt kê đầy đủ các hoạt động nghệ thuật trên khắp quốc gia, mà nên nhìn nhận nó như một chương mở đầu của một dự án nghiên cứu dài hơi với mong muốn đào sâu và khám phá lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm là chất xúc tác để cộng đồng nghệ thuật thấu hiểu hơn về cội nguồn phát triển của chúng ta cũng như những lý do và định hướng để chúng ta tiếp tục tiến bước.

Dòng thời gian của triển lãm sẽ bắt đầu từ năm 1975 và kết thúc ở thời điểm hiện tại. Các tư liệu trưng bày dưới dạng những trích đoạn phỏng vấn, hình ảnh và video tài liệu, ca-ta-lô triển lãm, và các tác phẩm của chính các nhóm nghệ sĩ sẽ khắc hoạ thời kỳ đỉnh cao của các hoạt động nghệ thuật thể nghiệm trên cả nước. Chúng ta có thể nhận thấy trong bối cảnh nghệ thuật này một ý chí sinh tồn bất chấp rủi ro. Từ việc trưng dụng phòng tiếp khách trong gia đình cho tới việc điều chế lại các không gian kiến truc truyền thống làm nơi triển lãm, từ việc kích hoạt mô hình studio nghệ thuật công cộng cho tới loại hình quán bar kết hợp với studio, từ việc thiết kế các nhà nghỉ  với mục đích hoạt động nghệ thuật tới việc trưng dụng không gian của các cơ quan ngoại giao làm nơi sáng tác, các nghệ sĩ đã không ngừng đấu tranh để được lắng nghe trong môi trường xã hội nơi tiếng nói của họ ít được coi trọng. Trọng tâm giám tuyển của triển lãm hướng tới việc chia sẻ cách các nhóm nghệ sĩ này nghiên cứu cuộc đời của những nghệ sĩ tiền bối như một cách học hỏi và bày tỏ lòng kính trọng đối với những tài sản nghệ thuật mà họ để lại cho hậu thế. Đặc biệt, triển lãm muốn nhấn mạnh vào thực hành của một số nhóm nghệ sĩ nhất định, bao gồm Salon NatashaNhà SànGroup of 10, và Sàn Art, vì đóng góp của họ vào việc kiến tạo các phương tiện biểu đạt đa dạng cũng như hỗ trợ các hình thức sáng tác, suy nghĩ, thảo luận, và lưu truyền các ý tưởng nghệ thuật. Họ đã tạo ra ảnh hưởng lên cộng đồng thông qua việc tăng cường khả năng tham gia và thấu hiểu các trải nghiệm nghệ thuật như một lăng kính để bóc tách những cách nhìn nhận đa chiều về cuộc sống đương đại.

Việc duy trì tinh thần đóng góp cho cái ‘chung’ của một nhóm bạn cùng lao động nghệ thuật không phải là điều dễ dàng. Khi khó khăn tài chính cũng như cơ hội thăng tiến trong cuộc sống trở nên lấn át, tình bằng hữu là thành luỹ duy nhất tiếp thêm sức bền cho nhóm nghệ sĩ. Thậm chí, chính tình bạn này cũng phải trải qua thử thách của niềm tin và lòng cam kết. Vì thế, triển lãm sẽ tập trung vào việc tái hiện những ký ức đáng nhớ về tình bằng hữu qua nghệ thuật thị giác. Bên cạnh đó, các chương trình cộng đồng đi kèm như các buổi trò chuyện và tranh luận sẽ đưa ra các quan sát và phản ánh biện luận, với mong muốn tạo nên một không gian đầy tính xây dựng nơi mọi người chia sẻ và thảo luận những câu hỏi nhức nhối về việc duy trì các nhóm nghệ thuật tự phát, với hy vọng nhận được các gợi ý hướng dẫn để cải thiện một cách sáng tạo.

‘Tinh thần bằng hữu’ là khởi đầu cho một hành trình dài (với trang web riêng dành cho dự án tại www.spiritoffriendship.org) nhằm tôn vinh đầu óc ứng biến và tinh thần bền bỉ của cộng đồng nghệ thuật chúng ta, những người đã không ngừng tìm kiếm các phương thức đột phá để xây dựng các không gian và phục vụ công chúng quan tâm. Triển lãm này đánh dấu những hồi tưởng về lao động nghệ thuật giữa những người bạn chí cốt. Nó cho thấy hoạt động của các nhóm nghệ thuật luôn được thúc đẩy bởi sự xung đột liên tầng giữa những định kiến xã hội đến từ cả bên trong và bên ngoài, giữa những người còn ở lại và những người đã rời bỏ cuộc chơi, giữa những tư tưởng cấp tiến và quan điểm truyền thống, giữa hoài bão ước mơ và cơm áo gạo tiền. Đây chỉ là một trong số ít những thực tế đã và đang diễn ra, tiếp tục gây ảnh hưởng lên nền nghệ thuật thể nghiệm ở Việt Nam.

Danh sách các nhóm nghệ sĩ sẽ tham gia triển lãm ‘Tinh Thần Bằng Hữu’: 

Gang of Five (Nhóm 5 Người) | Group of 10 (Nhóm 10 Người) | Salon Natasha | Hanoi Triad | Nhà Sàn | a little blah blah | Wonderful District | Zenei Gang of Five | The Propeller Group | HanoiLink | Sàn Art | OM | New Space Arts Foundation | Hanoi Doclab | Hanoi-Saigon Sculpture Group | Phụ Lục | Chaap Collective | Art Labor | Then Group | XEM | Sao La | Chaosdowntown 

Tổng quan đêm khai mạc

Tài trợ và tổ chức bởi:

Đồng tài trợ: