Loading Events

« All Events

NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG: TỪ A ĐẾN Z

  • This event has passed.
Diễn giả: Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Thế Thanh, Ly Hoàng Ly và đại diện từ công ty THACO
Ngày: 19 tháng Tám 2017
Thời gian: 16g – 19g

‘Nghệ thuật công cộng: Từ A tới Z’ là sự kiện toạ đàm nhằm tăng nhận thức của công chúng đối với nghệ thuật công cộng tại Việt Nam, thuộc chuỗi chương trình cộng đồng xung quanh triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Ly Hoàng Ly.

Nghệ thuật công cộng là gì? Một tác phẩm nghệ thuật công cộng liên quan thế nào tới không gian nơi nó hiện hữu? Ý nghĩa của việc sáng tạo nghệ thuật cho và trong không gian công cộng, tại thời điểm hiện tại, đã thay đổi như thế nào? Liệu có còn phù hợp nữa không – khi chỉ đơn giản đặt một cấu trúc tĩnh và có kích thước lớn tại địa điểm công cộng, và hi vọng rằng nó sẽ tham gia và tồn tại trong trí tưởng tượng của cộng đồng, sẽ được cộng đồng bàn luận và ghi nhớ?

Hãy tưởng tượng, bạn đang chạy xe dọc sông Sài Gòn (Quận 1) và dần nhìn thấy tượng đài Trần Hưng Đạo, bạn nghĩ là bạn sẽ nhớ gì về tác phẩm nghệ thuật này? Như là biểu tượng của một nhân vật lịch sử quan trọng, hay đơn giản chỉ là một dấu hiệu thông báo rằng bạn đang tiến về phía vòng xoay Bạch Đằng? Liệu, quy hoạch đô thị tại khu vực này có cung cấp đầy đủ không gian và thời gian để bạn chú ý đến tác phẩm nghệ thuật? Mà, liệu bạn có quan tâm? Có lẽ sự hiện diện của tượng đài này đã bị đồng hoá đến độ, giờ nó chỉ như một dấu hiệu thông báo giao thông rất đỗi bình thường. Có cách nào để ta thay đổi sự thờ ơ và tương tác thụ động này không? Làm sao để ta có thể từ bỏ thứ ngôn ngữ đặc tuyển của điêu khắc ngoài trời (quy mô phải hoành tráng, chất liệu phải bền vững, hình khối phải rắn chắc…) và – cùng với quy hoạch đô thị – tham dự vào một thứ ngôn ngữ chung, được cộng đồng nhận thức và chia sẻ? Làm thế nào để một tác phẩm nghệ thuật công cộng không chỉ quan tâm tới bối cảnh lịch sử và xã hội của không gian nơi nó được sắp đặt, mà còn phải phản ánh và đáp ứng được ước mơ, nhu cầu và thực trạng của cộng đồng sử dụng nó? Ai, và cái gì, là những yếu tố cần thiết để biến những băn khoăn trên thành sự thực?

Trong phần đầu tiên của sự kiện, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào – người chiến thắng Sia-Getz Architecture 2016, một giải thưởng tôn vinh những kiến trúc sư có cống hiến đặc biệt cho sự phát triển của kiến trúc châu Á – sẽ trò chuyện về “kiến trúc hạnh phúc”, một trong những yếu tố cốt lõi trong triết lý về kiến trúc của anh: sức khoẻ tinh thần của con người. Thông qua việc giới thiệu về các dự án của mình, Hoàng Thúc Hào sẽ bàn về về khả năng của kiến trúc trong việc kiến tạo hạnh phúc thông qua nỗ lực bảo tồn và phát huy những kiến thức bản địa và giá trị văn hoá của các cộng đồng yếm thế, nhắm tới bền vững về văn hóa, một khía cạnh thường bị bỏ qua ở các nước phát triển.

Phần tiếp theo của sự kiện là cuộc thảo luận nhóm xoay quanh băn khoăn “Làm thế nào để một tác phẩm nghệ thuật công cộng không đơn giản chỉ là là một tác phẩm được đặt ở nơi công cộng?” Thảo luận hi vọng đưa ra được gợi ý cho cách giải quyết những câu hỏi vừa nêu bên trên. Diễn giả khách mời:

  • Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào
  • Nhà báo, thành viên Ban biên tập báo Người Đô Thịnguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch TP. HCM – bà Nguyễn Thế Thanh
  • Nghệ sĩ Ly Hoàng Ly
  • Đại diện từ công ty Thaco, đơn vị sản xuất tác phẩm điêu khắc ‘thuyền nhà thuyền’ của Ly Hoàng Ly

* Hình ảnh: bản vẽ 3D phối cảnh tác phẩm điêu khắc công cộng ‘thuyền nhà thuyền’, 2017, thép SS 400