Loading Events

« All Events

TRÒ CHUYỆN | MỘT DẪN NHẬP VỀ JUDITH BUTLER CÙNG NGUYỄN THỊ MINH

  • This event has passed.

Diễn giả: Nguyễn Thị Minh
Thời gian: 16:00 – 18:00, 25 tháng Bảy năm 2020
Ngôn ngữ: tiếng Việt

Nhằm đẩy xa cuộc bàn luận về nữ quyền luận trong triển lãm ‘Khuất Dạng‘ của nghệ sĩ Hương Ngô, The Factory hân hạnh mời diễn giả Nguyễn Thị Minh chia sẻ trong một chương trình gồm hai phần — buổi trò chuyện (ngày 25/07) và buổi workshop đọc (ngày 01/08) — nhằm giới thiệu và dẫn chúng ta tìm hiểu tư tưởng của triết gia có tầm ảnh hưởng lớn, Judith Butler.

BUỔI NÓI CHUYỆN NGÀY 25/7: ĐỜI SỐNG CỦA CƠ THỂ VÀ SỰ HIỆN DIỆN TRONG KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG: TỪ HANNAH ARENDT TỚI JUDITH BUTLER

Học giả Judith Butler luôn ủng hộ một cuộc đời đáng sống dành cho con người (đặc biệt là phụ nữ, người không theo quy chuẩn giới tính thông thường, người thuộc nhóm thiểu số về giới tính), ở đó, con người ‘không bị giam cầm trong những phạm trù không phù hợp với mình, những phạm trù áp đặt và lấy đi tự do của mình’[1]. Bà đã phát triển con đường nghiên cứu bằng cách tiếp nối và phê phán nhiều triết gia lớn, trong đó có Hannah Arendt (một trí thức Do Thái gốc Đức, là một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất của thế kỉ 20). Mặc dù không đồng tình với sự tách biệt quá nghiêm ngặt của Hannah Arendt giữa không gian công cộng và không gian riêng tư (mà theo bà là vô hình trung đã biến những người nội trợ thành ‘những cái bóng, bị tước đi sức nặng bản thể luận và không được thừa nhận, thấu hiểu từ góc độ xã hội’[2]), Judith Butler lại tìm thấy những gợi ý quý báu, làm cơ sở cho các suy tư của mình trong sự trình bày của Arendt về không gian của sự hiện diện (the space of appearance) — hay không gian công cộng.

Trong buổi nói chuyện này, diễn giả sẽ phân tích những tiếp thu và phê phán của Butler đối với ý niệm về đời sống của cơ thể và sự hiện diện trong không gian công cộng của Hannah Arendt, bao gồm việc làm sâu thêm quan niệm của Butler về tính trình diễn của giới tính xã hội (the performativity of gender), về khả thể của việc tạo ra một không gian an toàn cũng như trách nhiệm tôn trọng những cá thể đang hiện hữu trong đời sống bất kể ta có lựa chọn việc chung sống với họ hay không. Diễn giả đồng thời đưa ra những gợi ý về việc nghiên cứu giới ở Việt Nam từ góc nhìn của Judith Butler.

[1] Phát biểu của Judith Butler nhân kỉ niệm 25 năm xuất bản cuốn sách ‘Gender Trouble : Feminism and the Subversion of Identity’.

[2] Gayatri Chakravorty Spivak và Judith Butler, ‘Who Sings the Nation-state? Language, Politics and Belonging’, Seagull Books, tr. 15.

Nguyễn Thị Minh là người dịch cuốn sách đầu tiên của Hannah Arendt, ‘Giữa quá khứ và tương lai’, ra tiếng Việt, và hiện là giảng viên Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Hướng nghiên cứu chính của cô là nghiên cứu so sánh văn học, chuyển thể điện ảnh từ lý thuyết chủ thể và kí hiệu học. Cô đã tham gia các hoạt động hợp tác nghiên cứu tại Nhật Bản (2017, 2019) và Mỹ (2017-2020), tham gia tổ chức và trình bày báo cáo tại nhiều hội thảo trong và ngoài nước. Cô là dịch giả và đồng dịch giả của nhiều ấn phẩm triết học kinh điển. Cô cũng là người đồng sáng lập ‘The Ladder – Không gian học thuật cho cộng đồng’, một không gian kết nối, chia sẻ của những người yêu mến tri thức, với mong muốn làm cho các tri thức hàn lâm trở nên gần gũi và đến với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam.

Judith Butler sinh năm 1956, hiện giảng dạy tại Khoa Văn học so sánh và chương trình Lý thuyết phê phán tại Đại học California, Berkeley. Bà là một triết gia, nhà nghiên cứu giới rất có ảnh hưởng, đồng thời là người luôn ủng hộ một cuộc đời đáng sống dành cho con người (đặc biệt là phụ nữ, người không theo quy chuẩn giới tính thông thường, người thuộc nhóm thiểu số về giới tính), khi ta ‘không bị giam cầm trong những phạm trù không phù hợp với mình, những phạm trù áp đặt và lấy đi tự do của mình’ (phát biểu trong hội thảo ‘Why Bodies Matter’ (Lisbon, 2015) nhân kỷ niệm 25 năm xuất bản cuốn sách ‘Gender Trouble: Feminism and the Subversion of Identity’).

– – –

LỊCH CHƯƠNG TRÌNH:

Buổi trò chuyện: 16h00 – 18h00, ngày 25 tháng 07 năm 2020

+ Phí tham dự:

➖ Người lớn: 100,000VNĐ (mua online) hoặc 130,000VNĐ (mua tại cửa)

➖ Hội viên Inner Circle, học sinh – sinh viên: 40,000VNĐ (vui lòng mang thẻ hội viên/sinh viên)

Buổi workshop đọc sâu: 9h00 – 12h00, ngày 01 tháng 08, 2020 (Miễn phí vào cửa)

*Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…