‘Thiên đường đã mất’ của Hoàng Thanh Vĩnh Phong (sn. 1971) dẫn ta vào một thế giới nơi những điều thân thuộc trở nên lạ lẫm, những gì trần tục hoá thành thần thoại, và trật tự của các biểu tượng được dời đổi và tái sắp xếp. Qua việc thay hình đổi dạng và xoắn vặn chất liệu của các vật dụng hàng ngày, nghệ sĩ đã tách rời chúng khỏi bối cảnh quen thuộc, đặt chúng vào một vùng mơ hồ kỳ lạ, và đòi hỏi người xem vượt qua vẻ bề ngoài để nhìn sâu hơn vào những gì bên trong.
Trong cả triển lãm, sự hiện diện của con người chùng xuống hoặc mờ dần vào hậu cảnh, trong khi các vật vô tri vô giác lại được đẩy lên vị trí trung tâm như những chủ thể nghiên cứu. Ở ‘Ảo ảnh hoàn thiện’, ta thấy điêu khắc một người đàn ông với hai cánh tay giơ lên – ám chỉ nỗi tuyệt vọng, hay sự giác ngộ? Ở ‘Chất vấn thời gian’, người đàn bà cúi xuống suy tư quan sát cái bụng bầu của mình – thể hiện niềm hạnh phúc, hay cảm giác chông chênh rối bời? Đầu của cả hai đều bị thay thế bởi những vật dụng thường nhật – phải chăng là một gợi ý, ám chỉ những xung đột tâm lý mà các nhân vật này đang hứng chịu, có gốc rễ từ lời hứa hẹn viển vông của cái gọi là ‘Trăm năm hạnh phúc’. Tương tự, trong sê-ri ‘Ba chân dung’, cơ thể con người hoàn toàn bị thay thế và phải hứng chịu sự đày ải của vòng kìm kẹp mang tên “gia đình”. Nơi mà thông thường ta sẽ thấy chân dung của các thành viên gia đình, giờ bị thay thế bởi hình ảnh ba tấm nệm đơn lẻ, với bề ngoài hoàn toàn không có dấu vết gì của tình máu mủ ruột thịt. Trôi nổi vật vờ và lẩn trốn trong cách ngóc ngách của thiên đường đã mất này, còn có những ngôi sao và cánh chim đại bàng. Chúng hiện hữu như những biểu tượng không thay đổi của sức mạnh, quyền uy và niềm tin, lần lại lần được nhào nặn và lưu truyền qua tôn giáo và truyền thuyết, tiếp tục tồn tại và đại diện cho các giá trị xã hội.
Quần tụ lại với nhau, những hình ảnh, vật dụng, và nhân vật này tạo nên một cuộc đổ bộ đầy tính rong chơi nhưng cũng thừa nham hiểm vào một thế giới – nơi con người như bị tê liệt bởi sự nhàm chán thường nhật; nơi bản ngã tâm tính và lý tính của họ bị đầu độc bởi những ảo vọng mà họ theo đuổi, để cuối cùng bị giam cầm trong chính những giới hạn mà họ không đủ can đảm để tìm lối thoát. Ở đây, cái hư cấu trở thành lời phê phán cái thực tại, mời gọi ta suy tư về cách thức mà ta vẫn thường nhìn nhận và thấu hiểu cái gọi là sự thật.
Hoàng Thanh Vĩnh Phong là nghệ sĩ thứ hai tham gia vào ‘Materialize’, một chương trình đề xuất bởi The Factory và đồng bảo trợ bởi Indochina Arts Partnership. Chương trình mong muốn tạo cơ hội triển lãm cho các nghệ sĩ Việt Nam đang sống trên đất nước và chưa có nhiều cơ hội để trưng bày các tác phẩm của mình. Chương trình mở cửa cho các nghệ sĩ trên 25 tuổi, sinh ra và hiện đang sống tại Việt Nam. Vòng xét tuyển tiếp theo sẽ bắt đầu vào tháng Mười hai năm 2017.