Loading Events

« All Events

THẾ HỆ MINH KHAI: NGỌN TRIỀU VÀ CHÂN SÓNG

  • This event has passed.

Diễn giả: Tiến sĩ Bùi Trân Phượng
Thời gian: 16:00 – 18:00, 15 tháng Tám năm 2020
Ngôn ngữ: tiếng Việt
Sự kiện diễn ra trực tuyến qua ZOOM

TRÒ CHUYỆN VỚI TIẾN SĨ BÙI TRÂN PHƯỢNG

Trong triển lãm ‘Khuất Dạng’, nghệ sĩ Hương Ngô lấy cảm hứng sáng tác từ cuộc đời của người anh hùng dân tộc Việt Nam – Nguyễn Thị Minh Khai – từ sức mạnh, sự bền gan và lòng quả cảm của bà trong việc lèo lái giai đoạn đỉnh điểm tiến lên Chủ nghĩa Xã hội vào thập niên 1930, qua đó đào sâu vào vai trò, mường tượng và quan niệm về người phụ nữ trong xã hội và cách mạng. Trong buổi nói chuyện ‘Thế hệ Minh Khai: Ngọn triều và Chân sóng’, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng – người say mê với công cuộc xây dựng nền giáo dục và nghiên cứu lịch sử cận hiện đại việt Nam, đặc biệt là lịch sử của phụ nữ Việt Nam – sẽ không chỉ giới thiệu chung về ‘làn sóng nữ quyền thứ nhất’ của Việt Nam hiện đại, mà còn tập trung vào một trong những thế hệ tiêu biểu của làn sóng này, trong đó, Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những gương mặt nổi bật nhất.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng đã nói: ‘Đó là thế hệ những người thuộc nhiều lứa tuổi, tuy đa số ở tuổi đôi mươi, đã khẳng định mình như những người Việt nữ cũng như nam quyết làm chủ đời mình và đóng góp xứng đáng cho đất nước, cho xã hội. Đa số là người có học thức, dù là học vấn từ nhà trường Pháp Việt do thực dân Pháp chủ trương, học ở Pháp hay tự học từ giáo dục gia đình, từ hoạt động cách mạng của bản thân.

Họ đấu tranh chính trị, vũ trang chống thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc dưới ngọn cờ chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa cộng sản. Nhưng họ cũng khẳng định mình thông qua những hoạt động xã hội hay văn học nghệ thuật khác. Họ là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu. Họ lập hội, mở trường, xây nhà văn hóa, Hội Dục anh, lập nhà xuất bản. Phạm vi hoạt động của họ không chỉ trong ba kỳ của Việt Nam lúc đó, không chỉ ở Đông Dương mà vươn tới tầm quốc tế. Bằng nhiều phương thức, diễn ngôn khác nhau, thông điệp chung của họ là khát vọng làm người. Họ nói, viết, sống, cư xử và hành động như những con người tự do, bình đẳng nam nữ, đòi độc lập với thực dân. Họ biết rõ cuộc đấu tranh nữ quyền, mà thực chất là đấu tranh nhân quyền của họ là lâu dài, kể cả sau khi mục tiêu độc lập dân tộc giành được thắng lợi.

Họ là chủ thể của làn sóng nữ quyền thứ nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam.’

Sinh năm 1950 trong một gia đình có nhiều thế hệ theo nghề giáo, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng hoàn thành chương trình trung học Pháp tại trường Marie Curie, đậu Tú tài hạng Ưu, và đi du học Pháp vào năm 1968. Bà tốt nghiệp cử nhân Lịch sử tại Đại học Paris I, Pháp (1972); tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Paris VII, Pháp (1994). Ngoài kinh nghiệm nhà quản lý giáo dục, bà còn là nhà nghiên cứu khoa học và một nhà giáo say mê. Các công trình nghiên cứu của bà tập trung vào lịch sử cận hiện đại Việt Nam, đặc biệt là lịch sử của phụ nữ Việt Nam. Đề tài luận án tiến sĩ của bà là: “Việt Nam 1918 – 1945, giới và hiện đại: những nhận thức và trải nghiệm mới” (“Viet Nam 1918-1945, genre et modernité. Émergence de nouvelles perceptions et expérimentations”). Những công trình nghiên cứu của bà luôn được các nhà khoa học quốc tế đánh giá là có cái mới về tri thức cũng như phương pháp. Từ năm 1996 đến 2016, bà là Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay bà là sáng lập viên NES Education và thành viên Hội đồng Trường Đại học Thái Bình Dương, Nha Trang.

– – –

*Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…

‘Thế hệ Minh Khai: Ngọn triều và chân sóng’ – Trò chuyện với Tiến sĩ Bùi Trân Phượng