Loading Events

« All Events

‘PHONG CẢNH KHÔNG NGÂY THƠ’ – TRÒ CHUYỆN CÙNG TRẦN HẬU YÊN THẾ

  • This event has passed.

Diễn giả: Nhà nghiên cứu nghệ thuật/ Nghệ sĩ thị giác Trần Hậu Yên Thế
Ngày & Giờ: 12 tháng 12 năm 2020 | 15:00 – 17:00
Ngôn ngữ: phiên dịch song song Anh – Việt
Sự kiện diễn ra trực tuyến qua ZOOM

Là một hình thức hội hoạ phổ biến trong mỹ thuật phương Đông và phương Tây, tranh phong cảnh có khả năng phản ánh đa chiều những nhận thức của con người, thể hiện sinh thái văn hóa, bối cảnh chính trị, ý niệm tôn giáo. Vậy nhưng, phong cảnh trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam – từ khi bắt đầu tới đầu thế kỷ XX – lại không phải là điểm nhấn (thể hiện qua việc phong cảnh ít xuất hiện trong tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống; hoặc mơ hồ thấp thoáng đâu đó trong trang trí kiến trúc cổ, nhưng lại không cụ thể về nơi chốn hay địa danh).

Vậy, phong cảnh trong nghệ thuật Việt Nam (với trọng tâm là hội hoạ) đã thay đổi như thế nào từ đầu thế kỷ XX tới nay, đạt được những thành tựu gì quan trọng, và đặt ra những vấn đề gì cần trao đổi? Chẳng hạn, ở thời Pháp thuộc, kĩ thuật tả thực, mô tả không gian 3 chiều và phong cách Lãng mạn được đẩy xa; chủ đề sáng tác thường xoay quanh cuộc sống thường nhật của lớp trung-thượng lưu hoặc ‘chim hoa cá gái’. Sau này, nghệ thuật chuyển sang dạng thức Hiện thực Xã hội, được sử dụng với mục đích tuyên truyền cách mạng và củng cố ý thức chủ quyền; chủ đề sáng tác xoay quanh hình tượng các nhà hoạt động chính trị và ‘sĩ công nông binh’, mô tả hiện thực đời sống khó khăn trong chiến tranh, đồng thời tiếp truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân. Ở mặt khác, một nhóm nhỏ các nghệ sĩ ‘bên lề’ (tiêu biểu là Bùi Xuân Phái) đã sử dụng phong cảnh để mô phỏng và thể hiện tâm cảnh cá nhân (trong đối trọng với việc thuần tuý coi phong cảnh là bối cảnh cho các hoạt cảnh, hoặc nghệ thuật là công cụ tuyên truyền). Sau thời kỳ Đổi Mới (bắt đầu vào năm 1986), phong cảnh xuất hiện trong hội họa dành cho khách du lịch, tiếp tục ngoại lai hoá những mường tượng của người nước ngoài về một Việt Nam bình dị (với đồng ruộng mướt mát xanh và những bóng hồng trong tà áo dài đạp xe trên phố). Đồng lúc, lứa nghệ sĩ thử nghiệm (từ cuối những năm 1990 tới hiện tại) ở khắp các miền đã, và đang liên tục khám phá những khía cạnh khác về phong cảnh của xã hội Việt Nam. Họ mô tả hiện thực, nhưng là một hiện thực mang tính biện luận và phản tư cao, liên tục chất vấn cả ‘di sản’ lẫn hậu quả mà quá trình hiện đại hoá-công nghiệp hóa mang lại. Trong văn hoá đại chúng, ta khó có thể bỏ qua một hiện tượng khác: sự lên ngôi của tranh phong cảnh thêu thùa tỉ mẩn, dát vàng dát bạc, được làm từ đá hay gỗ quý; xuất hiện nhan nhản như những vật trang trí, những biểu tượng của quyền lực tiền tài.

Vậy, phong cảnh xuất hiện trong nghệ thuật Việt Nam có khởi nguồn (mang tính văn hoá/xã hội/chính trị) và lịch sử phát triển như thế nào? Dựa vào các phong trào/phong cách nghệ thuật khác nhau, ta có thể gọi tên, điểm mặt những cột mốc nào đánh dấu sự thay đổi trong cách thức biểu đạt thị giác về phong cảnh? Những hệ thống niềm tin, lý tưởng và mường tượng về ‘chức năng’ của nghệ thuật trong xã hội, đã ảnh hưởng ra sao tới việc phong cảnh trở thành không chỉ là ‘nhân chứng’ không ngây thơ, mà còn là nhân tố góp phần thay đổi tình hình xã hội, văn hoá, chính trị địa phương? Các băn khoăn trên sẽ được nhà nghiên cứu nghệ thuật – nghệ sĩ thị giác Trần Hậu Yên Thế trao đổi và bàn luận trong sự kiện cộng đồng tiếp theo xoay quanh dự án ‘Gióng chỉnh Ngũ hành’ của The Factory.

Thông tin về diễn giả: 

Trần Hậu Yên Thế (sn.1970) là nghệ sĩ thị giác đồng thời là nhà nghiên cứu nghệ thuật. Trên phương diện thực hành nghệ thuật, ông đã có những sáng tác trong lĩnh vực nghệ thuật Sắp đặt, nghệ thuật Ý niệm, là một trong những lớp nghệ sĩ trẻ đầu tiên tham gia các loại hình nghệ thuật mới ở Việt Nam. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật cổ truyền, ông cũng là một chuyên gia, đã có những ấn phẩm công bố những công trình nghiên cứu về nghệ thuật cổ truyền của người Việt. Năm 2016 ông bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử mỹ thuật. Luận án tập trung  vào nghệ thuật trang trí cổ truyền người Việt trong mối quan hệ giao lưu và tiếp biến văn hóa.

– – –

Phí tham gia:

Người lớn: 100,000VND

➖ Hội viên Inner Circle và Sinh viên/Học sinh: 40,000VND. Sau khi mua vé, hội viên Inner Circle và Học sinh-Sinh viên, vui lòng gửi ảnh chụp thẻ hội viên hoặc thẻ học sinh-sinh viên của bạn đến email info@factoryartscentre.com  hoặc nhắn tin đến trang Facebook của The Factory để nhận hướng dẫn truy cập vào chương trình qua ZOOM. (Vé của bạn sẽ không hợp lệ nếu chúng tôi không nhận được thông tin thẻ hội viên/ học sinh-sinh viên của bạn).

Chúng tôi sẽ gửi hướng dẫn và đường dẫn đến buổi trò chuyện trên ZOOM qua email của bạn trước 02 ngày sự kiện diễn ra.
– – –

Để được giải đáp thắc mắc về chương trình, vui lòng liên hệ hotline +84(0)28 3744 2589 hoặc nhắn tin cho trang Facebook của The Factory.

*Người tham gia mặc định đồng ý cho phép The Factory sử dụng tất cả những hình ảnh, ý kiến của mình để làm tư liệu của chương trình; ban tổ chức và The Factory được quyền sử dụng hình ảnh, ý kiến hợp pháp với mục đích phi lợi nhuận như: lưu trữ, viết bài báo, quảng bá…

Tickets

The numbers below include tickets for this event already in your cart. Clicking "Get Tickets" will allow you to edit any existing attendee information as well as change ticket quantities.
Tickets are no longer available