Các cuộc tranh cãi xung quanh việc đạo nhái trong ngành thời trang nói chung được giải quyết không phải ở toà án, mà là trong các phiên xét xử trên mạng xã hội. Những kẻ sao chép (copycats) này, cùng những người ủng hộ họ, thường bị chỉ mặt đặt tên trên mạng xã hội, dẫn đến hàng loạt các ảnh hưởng về vật chất hoặc kinh tế. Một trong những ảnh hưởng đó là nhà phân phối có thể dừng kinh doanh các mặt hàng liên quan, dẫn đến nhiều mất mát trong doanh thu và đầu tư. Ngoài ra, việc bêu xấu những kẻ bắt chước này trên mạng xã hội còn dẫn đến những hệ quả mang tính biểu tượng, bao gồm cả việc tổn hại đến hình ảnh thương hiệu của các nhà phân phối hoặc nhà thiết kế (bị cho là) đạo nhái. Nói cách khác, người sử dụng mạng xã hội đang đóng vài trò rất lớn trong việc vận hành và điều tiết thị trường thời trang. Trong buổi nói chuyện cùng học giả Minh-Ha T. Pham, hai vấn đề chính sẽ được bàn luận: làm thế nào để người sử dụng mạng xã hội định nghĩa và kiểm soát quyền sở hữu thời trang và vi phạm bản quyền thời trang? Và những hoạt động online này ảnh hưởng thế nào tới cách hiểu của chúng ta về quy mô và phạm vi của sức lao động tiêu dùng, cũng như của sự kiểm soát từ công dân?
Minh-Ha T. Pham là giáo sư ngành nghiên cứu truyền thông tại Học Viện Pratt, Thành phố New York. Cô nghiên cứu và viết về quyền lực và lao động thời trang trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu và kỹ thuật số. Cô là tác giả của cuốn Người châu Á mặc quần áo trên mạng Internet (Asians Wear Clothes on the Internet), khảo sát cách mà chủng tộc và giới tính hình thành nên công việc và nền kinh tế viết blog cá nhân. Cô cũng đã đóng góp nhiều tiểu luận học thuật và các bài báo đại chúng. Cô sống tại Brooklyn, New York.