FarBar giới thiệu chương trình chiếu phim và thảo luận online “Đất, Sông, và Biển: Cảnh quan dịch chuyển ‘Của Kẻ Đi Săn và Kẻ Hái Lượm’” do các giám tuyển thuộc dự án ‘Pollination’ Kittima Cheeraprasit và LIR (Mira Asriningtyas & Dito Yuwono) hình thành. Các nghệ sĩ làm việc với hình ảnh chuyển động và nhà làm phim tài giỏi từ Indonesia và Thái Lan được mời để chia sẻ những quan sát và kinh nghiệm trên hành trình họ lần theo những dấu vết ‘tri thức bản năng của địa phương’ – từ một trang trại ở Bandung; tới con sông cát dưới ngọn núi lửa dạng tầng đang hoạt động ở Yogyakarta; từ một hòn đảo đang chìm ở bờ biển phía bắc của Jakarta; tới tận lưu vực sông Mê Kông, nơi các tuyến đường đã bị chặn lại bởi các con đập để tạo nên “Bình điện của Đông Nam Á”. Hành trính kết thúc tại làng Klity ở Kanchanaburi, Thái Lan, nơi nguồn nước hùng vĩ này đã bị một nhà máy chế biến khoáng sản làm ô nhiễm.
Chương trình chiếu phim này tìm hiểu quan hệ sinh thái giữa đất, nước và con người – một mối quan hệ được đúc kết từ đa dạng các nguồn kiến thức và kinh nghiệm của các cộng đồng địa phương (đặc biệt là sức mạnh của ký ức chứa đựng trong hiểu biết uyên thâm khi con người phải đối mặt với những đổi thay). Với sự tham gia của các nghệ sĩ / nhà làm phim Tita Salina, Prilla Tania, Wut Chalanant, Nontawat Numbenchapol và Maryanto.
Diễn đàn trực tuyến ngày 29 tháng 4 sẽ diễn ra giữa các giám tuyển Kittima Cheeraprasit, LIR (Mira Asriningtyas & Dito Yuwono), cùng nghệ sĩ / nhà làm phim Tita Salina, Nontawat Numbenchapol, và Zoe Butt. Lấy cảm hứng từ nội dung của chương trình chiếu phim, cuộc thảo luận này sẽ đào sâu vào các cuộc khủng hoảng môi trường cụ thể mà Indonesia và Thái Lan hiện đang phải đối mặt, để qua đó làm nổi bật cách thức mà nghệ sĩ và tác phẩm không chỉ mở rộng quan điểm về tính bức thiết của việc tái tìm kiếm cân bằng (giữa ham muốn của con người và đối tượng của ham muốn); mà còn khẩn cầu chúng ta cân nhắc các lựa chọn có tính bền vững hơn (những lựa chọn chỉ có thể nảy sinh từ hiểu biết thực tế, thông qua việc nhìn nhận các góc độ, địa bàn và địa phương khác nhau).
Sự kiện này là một phần của chuỗi chương trình cộng đồng ‘Của Kẻ Đi Săn và Kẻ Hái Lượng’, xoay quanh phiên bản thứ ba của chương trình ‘Pollination’ (do The Factory khởi tạo và tổ chức). Được giám tuyển bởi Kittima Cheeraprasit và LIR (Mira Asriningtyas & Dito Yuwono), phiên bản thứ ba bao gồm triển lãm ‘Kẻ Đi Săn’ với các sáng tác của Maryanto and Ruangsak Anuwatwimon (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại MAIIAM, Chiang Mai); chuỗi hội thảo trực tuyến ‘Kẻ Hái Lượm’ (do The Factory và Selasar Sunaryo Art Space đồng tổ chức, với hỗ trợ từ Gray Centre for Arts and Inquiry); và một website dành riêng cho dự án (ra mắt ngày 28 tháng 05)
….
Về Pollination:
Khởi xướng bởi The Factory vào năm 2018, chương trình ‘Pollination’ (‘Thụ phấn’) kiến tạo cơ hội để nghệ sĩ và giám tuyển trẻ Đông Nam Á hợp tác và phát triển, thông qua các kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng nghệ thuật tư nhân độc đáo của khu vực – các mạng lưới, tổ chức và không gian nghệ thuật hướng đến sự xây dựng và chia sẻ các ý tưởng và hoạt động sáng tạo mang tính phản biện. Với mục đích tạo dựng một cộng đồng mang tính khu vực, kết nối các tài năng (giám tuyển và nghệ sĩ) với các mạng lưới, không gian nghệ thuật, cũng như cơ hội triển lãm, ‘Pollination’ mong muốn nuôi dưỡng thực hành nghệ thuật thông qua các truy vấn xung quanh thực hành giám tuyển. Chương trình tin rằng, những kết nối sâu sắc hơn giữa nghệ sĩ và giám tuyển sẽ hỗ trợ quá trình tự vấn, phê bình và thảo luận mang tính phản biện, nhằm tạo ra các diễn ngôn cần thiết và nguồn tài nguyên kiến thức xuyên khu vực mà ai cũng có thể tiếp cận, sử dụng, đối chiếu. ‘Pollination’ được hình dung như một trao đổi – kết hợp dài lâu giữa các đơn vị/ tổ chức nghệ thuật khác nhau trong khu vực Đông Nam Á. Ở vị trí là một trong những chương trình tư nhân/ phi-chính phủ đầu tiên thử nghiệm với ý tưởng và phương pháp vận hành này, ‘Pollination’ hy vọng sẽ phát triển và nuôi dưỡng kỹ năng cũng như mạng lưới giữa các nghệ sĩ và giám tuyển trong khu vực, những người cùng mong muốn khám phá và chất vấn các phương pháp sản xuất triển lãm và trưng bày nghệ thuật mang tính chính thống.
Phiên bản thứ ba của ‘Pollination’ do Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory tổ chức; với đồng tài trợ từ SAM Funds for Art and Ecology (Jakarta) và Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại MAIIAM (Chiang Mai), với hỗ trợ từ Selasar Sunaryo Art Space (Bandung) và Gray Center for Arts and Enquiry (Chicago). Thời gian của phiên bản: Tháng 01/2020 – Tháng 05/2021.
Lấy cảm hứng từ ngôn ngữ và phương pháp thực hành nghệ thuật của Maryanto và Ruangsak, phiên bản thứ ba của ‘Pollination’ tái hình dung mối quan hệ của con người và Tự nhiên qua triển lãm ‘Kẻ Đi Săn’ (diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại MAIIAM từ Tháng 03 – Tháng 04/2021). Cùng lúc, khái niệm ‘tri thức bản năng của địa phương’ cũng sẽ được khảo sát qua chuỗi chương trình cộng đồng ‘Kẻ Hái Lượm’ diễn ra tại Selasar Sunaryo Art Space vào Tháng 05/2021(kèm theo ra mắt website dành riêng cho dự án mang tựa ‘Của Kẻ Đi Săn và Kẻ Hái Lượm’, với đóng góp từ Tita Salina, Sutthirat Supaparinya, Prilla Tania, The Forest Curriculum, Wut Chalanant (nghệ sĩ); và Elizabeth D. Inandiak, Adam Bobbette, JJ Rizal, and Napak Serirak (học giả, người viết)
Về FarBar:
Là cách để duy trì các đặc tính của loạt chương trình Sidebar thông thường của Gray Centre for Art and Inquiry trong thời điểm đại dịch, FarBar là một phương tiện để đối thoại nghệ thuật và học thuật với những người thực hành từ khắp nơi trên thế giới. Trong suốt năm 2020-2021, các cuộc trò chuyện theo kế hoạch của chúng tôi với các nghệ sĩ ở Puerto Rico, Haiti, Nam Phi, Việt Nam, Lebanon, Philippines và Chicago sẽ xoay quanh dịch thuật, tính đồng nhất, sự sụp đổ sinh thái và kinh tế, lôgic của việc khai thác, khủng hoảng, ký ức và thực hành lưu trữ. Những hoạt động trực tuyến trong năm cũng sẽ cho phép Grey Center tiếp cận khán giả vượt xa địa lý Chicago của chúng tôi, vì vậy hãy mời những người bạn phương xa của bạn cùng tham gia.