Nếu đã ghé thăm triển lãm ‘Khuất Dạng’ của nghệ sĩ Hương Ngô, chắc hẳn bạn sẽ chẳng thể quên không gian sân khấu tĩnh mịch của tác phẩm ‘Đàn Bà Mới’. Cuối tháng 09 này, cùng chứng kiến các lời thoại, đạo cụ và phục trang sống dậy trong phiên bản ‘Đàn Bà Mới’ được sản xuất riêng cho The Factory, dưới sự điều phối của đạo diễn Tricia Nguyễn, cùng sự tham gia của các diễn viên Bạch Mai, Minh Tú, Trâm Nguyễn và Trang Phạm.
Được viết vào năm 1944 bởi nhà biên kịch nổi tiếng Vũ Đình Long, ‘Đàn Bà Mới’ kể câu chuyện về ba người phụ nữ làm việc cho một tạp chí hướng tới độc giả là nữ giới đương đại. Mặc dù từng được hoan nghênh là mang tính hiện đại bởi phong cách ‘kịch-nói’ ảnh hưởng từ Pháp, nội dung của ‘Đàn Bà Mới’, trên thực tế, vẫn ‘ủng hộ’ một cấu trúc xã hội mang đậm tính gia trưởng và Nho giáo. Chẳng hạn, nhân vật nữ chính của ‘Đàn Bà Mới’ thì bị thao túng bởi chủ bút tạp chí (là nam giới), còn các nhân vật nữ khác thì luôn bị đẩy đến mức mâu thuẫn lẫn nhau. Lấy một câu chuyện được viết từ thế kỷ 20 làm điểm bắt đầu, Hương Ngô nhìn nhận lại mối quan hệ giữa tư tưởng phụ hệ và hệ thống tư bản, trong quá trình chúng đồng hành bóc lột những thể xác nữ-định (female-identified bodies). Tại phiên bản của mình, Hương Ngô chuyển thể vở kịch bằng cách loại bỏ tất cả lời thoại của các nhân vật là nam giới. Quá trình này để lại sau nó những khoảng trống và ngắt đoạn dài, mở ra một không gian khác – nơi ta có thể tái diễn giải và phân tích trải nghiệm của nữ giới từ điểm nhìn của con người thế kỷ 21.
Kịch bản gốc của vở ‘Đàn Bà Mới’ lấy cảm hứng từ tạp chí Phụ nữ Tân văn, vốn được xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1929 đến 1935. Nội dung của Phụ nữ Tân văn đa dạng, bao gồm các chủ đề như nội trợ, chăm con, quan hệ gia đình, chính trị, xã hội.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nghệ sĩ Hương Ngô (hiện đang sinh sống tại Chicago) sẽ ‘tham dự’ sự kiện qua Zoom, và trò chuyện với chúng ta từ 18h00.