TƯỚNG ĐỔI THẾ RỜI: HOẠ NGƯỜI TỪ HAI THỜI ĐẠI

Nghệ sĩ: Trương Hiếu, Thái Hà, Ngô Viễn Chí, Nguyễn Thanh Châu, Trương Tiến TràTrương Công Tùng.
Đồng tổ chức bởi:
Trung Tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory và VIN Gallery; với sự hỗ trợ của Galerie Quynh
Ngày:
10 tháng Năm – 27 tháng Mười 2019

Trong tiếng Hán Việt có nhiều hơn một từ để diễn tả vẻ bề ngoài của một người, trong số đó có tướng mạo diện mạo. Hai từ này mang những sắc thái khác nhau về ngữ nghĩa, dù là vi tế. Trong khi từ diện mạo ám chỉ dáng vẻ bên ngoài của một người mà mắt thường có thể nhận thấy được, tướng mạo lại có ánh nghĩa về tướng số (như cảm nhận và suy đoán về tâm tính một người thông qua những đặc điểm hình thái bề ngoài và cử chỉ của họ; hay như câu tục ngữ ông bà ta thường nói “trông mặt mà bắt hình dong”). Đổi rời đều có nghĩa thay đổi, chuyển rời, từ một trạng thái này sang một trạng thái khác. Thế (hay thế thời) được hiểu là thời đại, một khoảng thời gian lịch sử được xác định với các biến động xã hội. Tiêu đề của trưng bày này, Tướng đổi thế rời, vì thế gợi tới khả năng đoán biết về ngữ cảnh văn hoá, xã hội-chính trị của một thời kỳ thông qua việc đào sâu vào cách mà dáng hình, tướng mạo của con người thời đó được vẽ nên dưới ngòi bút của những người nghệ sĩ. Phiên bản lần thứ hai của chương trình Glass Box, Tướng đổi thế rời, do The Factory và VIN Gallery đồng tổ chức với sự hỗ trợ của Galerie Quynh, đối chiếu thời chiến với đương đại từ điểm nhìn của những tác phẩm hoạ người trong các tác phẩm của bốn hoạ sĩ kháng chiến như Trương Hiếu, Ngô Viễn Chí, Nguyễn Thanh Châu, Thái Hà trong tương quan với các tác phẩm của hai nghệ sĩ đương đại Trương Tiến Trà và Trương Công Tùng.

 

Góp mặt trong trưng bày này có đại diện của thế hệ hoạ sĩ thời chiến kỳ cựu: Trương Hiếu, Nguyễn Thanh Châu, Thái Hà và Ngô Viễn Chí. Những người hoạ sĩ này sử dụng ký hoạ không chỉ như một loại hình mỹ thuật thuận tiện nhất lúc bấy giờ, mà còn là một công cụ hữu hiệu nhất cho phép họ hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên và mệnh lệnh đaọ đức chính họ giao phó cho mình.

 

Ký hoạ đáp ứng được những yêu cầu và điều kiện sáng tác của cuộc kháng chiến khi ấy: nhanh (phải chớp lấy quang cảnh diễn ra ngay trước mắt trong thời gian ngắn nhất có thể, nhất là khi buộc phải ký ngay trên mặt trận); tiết kiệm, thuận tiện (để ký hoạ cụ chỉ cần một tờ giấy và cây bút); thân mật (hãy khi hoạ sĩ ký hoạ chân dung một người – người hoạ sĩ sẽ ngồi rất lâu, ngắm, quan sát người được vẽ kỹ lưỡng; khoảng thời gian “câm” chỉ trao đổi ánh nhìn thu ngắn khoảng cách giữa người vẽ và người được vẽ). Chiếm chủ yếu về mặt nội dung trong ký hoạ thời chiến là chân dung của cả dân và quân, cảnh sinh hoạt thường nhật và cảnh chiến trường. Những bức ký hoạ này thường đi theo lối hiện thực chủ nghĩa – khắc hoạ làm sao cho giống nhất với cuộc sống quan sát thấy. Bấy giờ, tự tâm những người hoạ sỹ có nhu cầu tham gia vào cuộc chiến và đóng vai trò ghi chép hiện thực, như hoạ sỹ Quách Phong trong dự án ‘Phác thảo lịch sử Việt Nam’ (2016) từng chia sẻ: “Thời đó chẳng có sáng tạo gì. Thực sự hiện thực lịch sử quá lớn, quá đẹp. Thành ra mình chẳng có nhu cầu phải sáng tạo gì. Chỉ vẽ cho nó đúng, nó trung thực những hiện tượng lịch sử đó.” Đối với những người nghệ sĩ này, chủ nghĩa dân tộc đồng dạng với niềm tin ý thức hệ.

 

Gần nửa thế kỷ sau khi cuộc chiến kết thúc, vào những năm đầu của thế kỷ 21, người nghệ sĩ đương đại Việt Nam có một cách diễn giải khác về hoạ người. Trong các tác phẩm ký hoạ thời chiến, do đòi hỏi của nghệ thuật bấy giờ là ghi chép lại cuộc sống, kích cỡ và dáng dấp con người luôn được mô phỏng theo đúng tỉ lệ thực tế. Hoặc không, nó sẽ được phóng đại nhằm mục đích anh hùng hoá. Trong hội hoạ đương đại, như có thể thấy đại diện ở đây là các tác phẩm của Trương Công Tùng và Trương Tiến Trà, giờ khi gánh nặng của hiện thực chủ nghĩa không còn đè nặng tren vai, họ tự do chiêm nghiệm trong tư duy và thể nghiệm trong biểu đạt về những trải nghiệm sống ở thế kỷ 21.

 

Các tác phẩm này đều tĩnh lặng, trầm mặc nhưng không kém phần mãnh liệt. Dường như cả trưng bày là một người kể chuyện thông thái, đáng kính – người đã sống qua cả thế kỷ với những biến động xã hội quan trọng. Thời gian như thể ngưng lại, chuẩn bị cho một hành trình về với những ký ức ẩn mật của cuộc chiến từng diễn ra tại Việt Nam.

 

Phiên bản 2 của The Glass Box được đồng tổ chức bởi Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory và VIN Gallery, với sự hỗ trợ của Galerie Quynh. Các tác phẩm trong chương trình này đều có thể được đặt mua, trừ khi có ghi chú khác từ trung tâm.

Đồng tổ chức bởi:

 

 

VG Logo-01

Với sự hỗ trợ của: