CHÚC MỪNG HAI NGHỆ SĨ ĐƯỢC CHỌN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH ‘ALL THE WAY SOUTH RESIDENCY IN EXCHANGE’!

Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory hân hạnh giới thiệu ‘All the Way South Residency in Exchange‘ (tạm dịch: Lưu trú trao đổi Tận cùng phía Nam) – chương trình cộng tác trong năm 2020/2021 của chúng tôi với Bảo tàng Times Quảng Đông (Quảng Châu, Trung Quốc).

Xin chúc mừng Ngọc Nâu (Việt Nam) và Lee Kai Chung (Hồng Kông) – hai nghệ sĩ đã được lựa chọn tham gia chương trình Lưu trú trao đổi ‘All the Way South’ năm 2020!

Ngọc Nâu sẽ lưu trú một tháng tại Quảng Châu vào nửa cuối năm 2020, còn Lee Kai Chung sẽ dành một tháng ở TP. Hồ Chí Minh vào năm 2021. Sau khi kỳ lưu trú kết thúc, một trong hai nghệ sĩ sẽ được nhận tài trợ chi phí để thực hiện tác phẩm, dựa vào đề xuất ý tưởng mà họ sẽ phát triển từ trải nghiệm trao đổi thú vị này. 

Chương trình Lưu trú trao đổiAll the Way South” đặt quá trình nghiên cứu và sáng tác của nghệ sĩ vào bối cảnh khu vực phía Nam Bán Cầu, trong tâm thế xem xét, truy vấn và phục hồi các dòng chảy văn hoá đang ngầm chảy, bất phân biên giới lãnh thổ hay tư tưởng. Trước kia, Canton (ngày nay là Quảng Châu, cũng là nơi Bảo tàng Times Quảng Đông đặt trụ sở) từng là cảng giao thương thuộc địa, là miền đất trung chuyển giữa Trung Quốc và các nước phía Nam bản đồ. Trong ba mươi năm qua, lịch sử này dường như đã bị lu mờ bởi dòng chảy biến động của xã hội và vật chất. Bằng cách củng cố mạch liên kết giữa miền nam Trung Quốc và khu vực phía Nam Bán Cầu thông qua việc hỗ trợ các dự án đề cao và tập trung vào công việc nghiên cứu, chương trình trao đổi này mong muốn tạo ra các liên kết và sự cộng hưởng mới giữa các miền Nam với nhau (miền Nam Trung Quốc và các nước thuộc khu vực Nam Bán Cầu).

Thông tin về các nghệ sĩ và các dự án của họ:

Ngọc Nâu (làm việc và sinh sống tại Hà Nội) là nghệ sĩ đa phương tiện, tốt nghiệp khoa Lịch sử – Phê bình Mỹ thuật, ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Thực hành của cô trải dài từ  ảnh động, nhiếp ảnh collage, tới trình chiếu video, hologram và augmented reality. Ngọc Nâu đã tham gia nhiều triển lãm và dự án nghệ thuật tại Nhật Bản, Hồng Kông, Bắc Ireland, Hàn Quốc, Anh, Canada, Singapore và Việt Nam. Các triển lãm tiêu biểu của cô bao gồm:  ‘South Wind Rises Asia-Pacific Contemporary Art Exhibition’, Trung tâm giáo dục Nghệ thuật Đài Loan (2018); ‘Asian Diva: The Muse and The Monster’, Bảo tàng nghệ thuật Seoul (2017); ‘In Search of Miss Ruthless’, Para Site, Hồng Kông (2017); ‘Technophobe’, The Factory, TP. HCM (2016); ‘Art Together With The Town’, Koganecho Bazaar, Nhật Bản (2015)…

Chuyến đi của Ngọc Nâu đến Bảo tàng Times dự kiến ​​sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2020. Mục đích của cô là khám phá mối liên hệ giữa nghi thức thờ cúng ‘Tam Phủ’ – ‘Tứ Phủ’ ở Việt Nam, và tín ngưỡng thờ Nữ thần Biển Tin Hau (Thiên Hậu) ở Trung Quốc. Đền Tin Hau, tọa lạc tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh, được xây dựng bởi những người Quảng Đông di cư đến Việt Nam vào thế kỷ 18. Thời điểm này, thực hành thờ cúng Tam Phủ và Tứ Phủ cũng nở rộ. Một mặt, một số nghiên cứu về tín ngưỡng ở Việt Nam đã chỉ ra rằng Tam Phủ và Tứ Phủ chịu ảnh hưởng bởi nhiều khía cạnh của văn hóa Trung Hoa, được thể hiện qua nghi thức thờ cúng, trang phục và triết học. Mặt khác, chính phủ Việt Nam cũng đã tìm kiếm những bằng chứng lịch sử để chứng minh rằng Tam Phủ và Tứ Phủ có nguồn gốc từ Việt Nam.

Lee Kai Chung (làm việc và sinh sống tại Hồng Kông) quan tâm nghiên cứu các sự kiện lịch sử, hệ thống chính trị và hệ tư tưởng khác nhau. Tác phẩm của anh nhằm chỉ ra những khiếm khuyết trong việc quản lý hồ sơ lưu trữ và các hình thức biên soạn lịch sử. Lee nhìn nhận mỗi hành vi/động tác (được thực hiện trong các trình diễn và can dự xã hội (social participation) của anh) là một nỗ lực để vượt qua các giới hạn. “Archive of the People” là dự án nghiên cứu vẫn đang tiếp diễn của Lee, chú trọng vào tính chính trị của các tài liệu lưu trữ trong bối cảnh xã hội đương đại. Vào năm 2016, Lee đã thành lập nhóm “Archive of the People” như một phần mở rộng của các nghiên cứu cá nhân, bao gồm các dự án hợp tác, giáo dục và xuất bản. Lee Kai Chung đã nhận bằng Thạc sĩ Nghệ thuật, chuyên khoa Truyền thông Sáng tạo, ĐH TP. Hồng Kông vào năm 2014. Anh cũng đã đoạt giải Nghệ sĩ trẻ (Nghệ thuật Thị giác), Giải thưởng Phát triển Nghệ thuật Hồng Kông 2017 từ Hội đồng Phát triển Nghệ thuật Hồng Kông vào năm 2018. Các triển lãm và dự án gần đây của anh bao gồm: ‘Seoul Mediacity Biennale 2018’, ‘12th Shanghai Biennale: Proregress – Art in a Age of History Ambivalence’, ‘Artist Making Movement – Asian Art Biennial 2015’.

Giữa năm 2021, Lee sẽ tới TP. Hồ Chí Minh để nghiên cứu trong vòng một tháng. Từ năm 2017, Lee đã khởi xướng loạt năm dự án xoay quanh ‘sự dịch chuyển’ và ý nghĩa lịch sử của nó trong bối cảnh Châu Á. Phần đầu tiên trong sê-ri, The Retrieval, Restoration and Predicament (tạm dịch: ‘Cuộc truy tìm, Phục hồi và Dự đoán’) (2017-19) nghiên cứu sự chuyển đổi mang tính vật chất và ý thức hệ của các tác phẩm điêu khắc công cộng ở Hồng Kông; phần thứ hai, The Narrow Road to the Deep Sea (tạm dịch: ‘Con đường hẹp dẫn đến biển sâu’) (2019-20), nghiên cứu sự dịch chuyển của con người ở Hồng Kông và Quảng Đông trong Thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản, dẫn đến vụ thảm sát Nanshitou nổi tiếng. Đề xuất nghiên cứu của Lee tại Việt Nam bắt nguồn từ dự án thứ hai, tập trung vào hậu quả của việc sử dụng vũ khí hóa học ‘Chất độc màu da cam’ trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam. Lấy lịch sử của cuộc chiến này làm gốc, mục đích của Lee thông qua chương trình lưu trú là để mở rộng nghiên cứu về chiến tranh sinh học và hóa học, truy vấn hậu quả của việc sử dụng vũ khí sinh-hoá học, để từ đó khám phá sâu hơn các học thuyết hậu chiến xoay quanh chủ đề bồi thường và tái phân phối các nguồn lực xã hội.

Hãy đón chờ những cập nhật tiếp theo của chúng tôi về chuyến lưu trú của hai nghệ sĩ!

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: info@factoryartscentre.com

KHỞI XƯỚNG BỞI:

ĐỒNG TỔ CHỨC: