Nguyễn Thị Thanh Mai

‘Nghệ thuật là một công cụ để tôi quan sát và truy vấn bản thân. Nhờ có sự tương tác với những cộng đồng người di cư, cựu chiến binh, bà con nông dân cũng như những người tôi có duyên được gặp trong chặng đường sáng tác mà tôi có được những mảnh kí ức tản mạn. Từ chính những manh mối này, tôi thị giác hóa những mường tượng, câu hỏi và liên tưởng của mình về lịch sử và xã hội xung quanh mình’. 

 

Nguyễn Thị Thanh Mai (sn.1983, Huế) sáng tác với nhiều dạng vật liệu và kí ức khơi dậy cảm quan mạnh mẽ và sự đồng cảm. Trong các tác phẩm của Mai, sự hiện diện của cơ thể người hàm chứa cả sức nặng vật lý và tâm lý – khi dưới dạng những cái gai đen đông cứng trong khối băng, lúc thì qua những dụng cụ khám phụ khoa bọc kín bằng lớp pha lê nhựa đặt trang trọng trong hộp kính, hay cũng có lúc là bóng hình ám ảnh của những người dân Việt di cư dọc sông Mekong lên Campuchia. Làm việc với các ngôn ngữ đa dạng như hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, trình diễn, sắp đặt và video, nghệ thuật của cô hé lộ đời sống của nhiều cộng đồng người yếm thế, chẳng hạn như những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người lao động di cư, người tị nạn, người chuyển giới,… đồng thời chất vấn những định kiến xã hội tác động trực diện tới cuộc sống của họ. Mai tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Nghệ thuật thị giác tại Đại học Mahasarakham, Thái Lan. Cô hiện sống và làm việc tại Huế, tham gia giảng dạy nghệ thuật đồ hoạ tại trường đại học Huế song song với việc sáng tác và tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật có tiếng vang như “Nổ Cái Bùm” – tuần lễ nghệ thuật do nghệ sĩ điều hành diễn ra lần đầu tại Huế năm 2020. (https://www.facebook.com/nocaibum.hue).

 

Bài phỏng vấn nghệ sĩ trên Vietcetera