CHUYẾN THỰC ĐỊA ‘COSMOS’ Ở YÊN BÁI

Lần theo truy vấn của nghệ sĩ Lê Giang về đá phong thuỷ, vài tuần trước, chúng tôi, Lê Giang và Vân Đỗ, cùng thực hiện một chuyến đi nghiên cứu thực địa ở hai huyện Lục Yên và Văn Chấn (thuộc tỉnh Yên Bái)—vốn là hai địa danh nổi tiếng khắp cả nước về trữ lượng cũng như các mặt hàng làm từ đá quý và đá bán quý. Từ trên những đỉnh núi, chúng tôi men theo lăng kính của những người buôn đá và của dân bản địa để tìm hiểu sâu về vấn đề này. Hai cảnh quan đối lập hoàn toàn dần mở ra về cách mà niềm tin vào đá được biểu hiện ra bên ngoài, tiêu thụ và trân quý. 

Mặc dù bất kỳ người buôn đá nào chúng tôi gặp cũng khăng khăng quả quyết về mối tương quan giữa màu của đá và mệnh (dựa vào năm sinh), họ lại không giải thích được cặn kẽ hơn về những ý nghĩa phong thuỷ tiềm ẩn được cho là gắn với những loại đá quý này. Vào khảo sát nhiều cửa hàng, chúng tôi nhận ra sự lặp đi lặp lại của những mẫu mã bán chạy nhất: Phật Di Lặc, cóc ngậm tiền, rồng, quả cầu… những chế tác mà theo phong thuỷ sẽ mang đến cho người mua nhu cầu dường như quan trọng nhất với họ: tài lộc và giàu sang. Hầu hết những mẫu mã này đều được lấy theo Trung Quốc. Hai trong số những người buôn đá chúng tôi gặp cũng chính là những người thợ lành nghề nhất trong xưởng của họ. Họ đều học nghề điêu khắc gỗ ở Hà Nam, hoặc đã từng cố gắng thi vào các trường vẽ ở Hà Nội. Họ nói, cái giỏi của người thợ là nhìn vào một khối đá sẽ nhìn ra ngay được hình thù của nó phù hợp với mẫu mã hay tư thế nào để vừa tiết kiệm đá mà lại chọn được phần màu đẹp nhất của đá. Những khối đá càng rõ vân, màu sắc đậm nét và có độ trong thì càng đắt tiền. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên đó là tất cả những người buôn đá đều nói khách hàng của họ phần lớn là từ các tỉnh miền Nam và trào lưu đá phong thuỷ thịnh lên là nhờ sự ra đời của chức năng bán hàng livestream trên Facebook! Ban ngày làm ở xưởng đá, tối họ lại ngồi vào một góc phòng nhỏ có chút sự bài trí và thiết bị đèn chuyên dụng để livestream rao bán những sản phẩm mình làm. 

Anh Giống, người quen người Hmông của chúng tôi đón chúng tôi ở ngã ba chợ Năm Nghìn, cái chợ nằm trên cung đường quen thuộc của dân buôn đá ở Văn Chấn. Ba người tay xách nách mang trên con xe Win rẽ vào một con đường nhỏ từ khu chợ đến một bản người Hmông. Hai bên tầm mắt chúng tôi mở ra quang cảnh núi rừng những màu xanh vàng tách biệt với những bụi đá màu trắng và tiếng xẻ đá diễn ra ngoài đường quốc lộ. Thấy có người lạ đến, những người dân xung quanh, hầu hết là họ hàng anh đều ghé vào nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò. Anh Giống dẫn chúng tôi đến một tảng đá to ở cuối làng, tảng đá phủ rêu xanh nằm bên cạnh một con suối. Anh kể cho chúng tôi nghe về tục thờ đá của họ, những hòn đá họ tin đều có linh hồn: nếu một người trong làng đổ bệnh, họ sẽ tìm tới thầy cúng để xin thầy tìm cho một hòn đá và cúng hòn đá đó để khỏi bệnh. Hòn đá được lựa chọn đó không bao giờ được đem về nhà, mà họ sẽ phải tới tận nơi của hòn đá để cúng bái, và không được thay đổi hay làm biến dạng vị trí cũng như hình hài hòn đá. Trong bữa ăn ấm cúng mà anh Giống và vợ đã chuẩn bị, những người Hmông trầm ngâm kể cho chúng tôi về ba vị thần có thần núi đá, thần đất, thần suối. Hai núi đá cao nhất của cả khu vực này có hai vị thần một nam, một nữ “giữ”.  Không ai biết được cụ thể những vị thần ấy có hình thù như nào nhưng vào ngày Tết, người Hmông sẽ làm thịt một con gà và mời các vị thần về nhà mình ăn với niềm tin sẽ được phù hộ cho cuộc sống được sung túc.  

Chuyến đi càng làm chúng tôi suy nghĩ miên man về cách những cộng đồng văn hoá khác nhau hiểu và gán nghĩa cho Tự nhiên, và băn khoăn thêm về lý do tại sao miền Nam lại có nhu cầu tiêu thụ đá phong thuỷ lớn hơn miền Bắc, hoặc ảnh hưởng từ cộng đồng người Hoa ở đây liệu có đóng góp gì vào mối quan tâm đến vậy của người dân vào đá phong thuỷ miền Bắc. 

Xin được chia sẻ với các bạn một số hình ảnh từ chuyến đi đầy “bão tố” này!

Tại một xưởng chế tác đá ở Văn Chấn

Lê Giang tại cửa hàng đá quý và đá bán quý lớn nhất tại Văn Chấn

Trên đỉnh núi với những hòn đá gọi là ‘đá mồ côi’ dàn hàng

Một tảng đá được thầy cúng ấn định cho một người bị ốm trong làng

Cùng toàn bộ các ‘anh’ buôn đá đã giúp đỡ chúng tôi trong chuyến đi này

Hồ Hồng Ngọc, nơi phiên chợ đá quý nổi tiếng ở Lục Yên họp sáng sáng

Nghệ sĩ Lê Giang nở nụ cười rạng rỡ cùng củ khoai lang trên tay trước khi lên đường hồi hương

Chuyến đi nghiên cứu này là một phần trong đề xuất của nghệ sĩ Lê Giang cho chương trình ‘Gióng chỉnh Ngũ hành’ (‘Re-Aligning the Cosmos’) được khởi xướng và đồng tài trợ bởi The Factory, Quỹ Prince Claus và Viện Goethe; đồng điều phối bởi The Factory và Đại học Fulbright (Việt Nam); với sự hỗ trợ từ Nhóm Kết nối Khoa học với Công chúng, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng ĐH Oxford tại TP. HCM.