Nhà Sáng Lập

Tia – Thuỷ Nguyễn tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) vào năm 2006 và lấy bằng cao học tại Học viện Nghệ thuật Thị giác và Kiến trúc Quốc gia (Kiev, Ukraine) vào năm 2014.

Sử dụng chủ yếu phương tiện hội hoạ và nghệ thuật sắp đặt (bên cạnh lĩnh vực thời trang và phim ảnh), thực hành nghệ thuật của Tia-Thuỷ Nguyễn bị cuốn hút bởi sức mạnh của các hiện tượng tự nhiên, và bởi ý nghĩa tâm linh mà chúng trải dài suốt các nền văn hoá khác nhau. Trong giới thời trang, cô được biết tới qua tên gọi ‘Thuỷ Nguyễn’, và dưới danh nghĩa nhà sáng lập/nhà thiết kế chính của ‘THUY DESIGN HOUSE’(thành lập năm 2011), một thương hiệu thời trang nổi bật tại Việt Nam. Từ năm 2016, Thuỷ Nguyễn thâm nhập thế giới điện ảnh dưới vai trò nhà sản xuất, nhà tư vấn và nhà thiết kế trang phục. Tên tuổi của cô nổi bật qua các phim: ‘Cô Ba Sài Gòn’ (2017); ‘Song Lang’ (2018); ‘Quỳnh Hoa Nhất Dạ ’ (2020). Năm 2020, cô thành lập ‘Xưởng phim màu hồng’ (Pink Studio).

Tia-Thuỷ Nguyễn tin rằng nghệ thuật vốn dành cho tất cả mọi người và niềm tin này đã truyền cảm hứng để cô sáng lập nên Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory. Nghệ sĩ Tia cho biết: ‘Việc xây dựng nên một mạng lưới nghệ thuật tại Việt Nam, giúp truyền cảm hứng và giáo dục con người bằng cách đưa nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng là rất quan trọng với tôi.’ Bằng cách đưa tư tưởng của The Factory vào bối cảnh nghệ thuật Việt Nam, hoài bão của Tia – Thuỷ Nguyễn là có thể mang đến một không gian đa văn hoá, nơi những ý tưởng có thể được chia sẻ, nuôi dưỡng và phát triển.

Năm 2019, Thuỷ Nguyễn được vinh danh là một trong năm mươi phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.

Giám Đốc Nghệ Thuật (2017 – 2022)

Zoe Butt là giám tuyển, cây viết, nhà diễn thuyết và nhà giáo dục sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Thực hành giám tuyển của cô tập trung vào việc xây dựng các cộng đồng nghệ thuật đặt tư duy biện luận và nhận thức lịch sử làm nền tảng, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia thuộc bán cầu nam. Hiện, Zoe là Giám đốc Nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, TP.HCM – không gian đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Cô từng là Giám đốc điều hành và giám tuyển của Sàn Art, TP. Hồ Chí Minh (2009-2016); Giám đốc Chương trình quốc tế, dự án Long March, Bắc Kinh (2007-2009) và Trợ lý giám tuyển mảng nghệ thuật đương đại Châu Á tại Queensland Art Gallery, Brisbane (2001-2007) (với trọng tâm là phát triển Triển lãm Triennial về Nghệ thuật Đương Đại Châu Á-Thái Bình Dương). Các bài viết của Zoe đã được xuất bản trên Hatje Cantz; Art Review; Independent Curators International; ArtAsiaPacific; Printed Project; Lalit Kala Akademi; JRP-Ringier; Routledge; Sternberg Press v.v. Các dự án/triển lãm gần đây do Zoe giám tuyển bao gồm: Sharjah Biennial 14: Leaving the Echo Chamber – Journey Beyond the Arrow (2019); Giao diện: Oanh Phi Phi (2019); Rừng Hoang: Tuấn Andrew Nguyễn (2018); Tinh thần Bằng hữu (2017) và Quên lãng Nên thơ: Thảo Nguyên Phan (2017). Trong vai trò một nhà diễn thuyết/nhà giáo dục, thực hành giám tuyển của Zoe còn bao gồm cả những dự án-nền tảng thúc đaary đối thoại liên ngành như: Gióng chỉnh Ngũ hành (2020-); Nhận thức Thực tại (2013-2016) và triển lãm trực tuyến Những phương Nam đan xen (2016). Zoe là thành viên trong Hội đồng nghệ thuật Châu Á của bảo tàng Solomon R. Guggenheim New York; và trong năm 2015, cô đã được vinh danh là Nhà lãnh đạo trẻ Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế Giới.

Trợ Lý Giám Tuyển (2017 – 2022)

Bill Nguyễn là nghệ sĩ-giám tuyển quan tâm đến việc nghiên cứu và phát triển một hình thức và không gian thực hành khác, mang tính địa phương cho công việc giám tuyển tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật tại ĐH Nottingham Trent (Vương quốc Anh), Bill tái nhập cộng đồng nghệ thuật địa phương dưới vai trò nghệ sĩ, giám tuyển và người làm giáo dục. Từ năm 2009 đến 2011, anh thiết kế các chương trình workshop giáo dục cho Hà Nội DOCLAB – Trung tâm Thực hành Phim tài liệu và Video thử nghiệm. Năm 2012, anh đồng sáng lập không gian nghệ thuật Manzi Art Space (Hà Nội), và bắt đầu hợp tác với Nhà Sàn Collective (Hà Nội) dưới vai trò giám tuyển khách mời. Hiện Bill đang là Trợ lý Giám tuyển tại The Factory. Các dự án chọn lọc gần đây: ‘Chúng ta ở đây, cùng nhau’ – một dự án ‘Pollination’ (đồng giám tuyển cùng Grace Samboh), The Factory (2018), ’Tinh thần Bằng hữu’ (đồng giám tuyển cùng Zoe Butt & Lê Thiên Bảo), The Factory (2017), ‘0395A.ĐC: Triển lãm cá nhân của Ly Hoàng Ly’, The Factory (2017); ‘Những chân trời có người bay 3’, Nhà Sàn Collective, Hà Nội (2016); ‘Into Thin Air’, Manzi, Hà Nội (2016). Bill đã tham gia khoá workshop cho giám tuyển trẻ thuộc Berlin Biennial lần thứ 8, và chương trình CuratorsLAB do Viện Goethe Đông Nam Á khởi xướng.

Trợ Lý Giám Tuyển (2017 – 2021)

Thực hành của Lê Thuận Uyên truy vấn những góc nhìn chính trị – xã hội khác nhau tồn tại ở Việt Nam, thông qua những câu chuyện cá nhân không được lịch sử dòng chính ghi nhận. Các dự án Uyên tham gia thường bao gồm việc hợp tác chặt chẽ giữa cá nhân cô và các nghệ sĩ, tìm hiểu bối cảnh xã hội hiện tại cũng như những tác động của chúng tới khung cảnh nghệ thuật Việt Nam. Từ 2014 đến 2016, Uyên điều hành Nhà Sàn Collective – một không gian nghệ thuật độc lập, hướng tới khả năng hình thành những hình thức biểu đạt mới, đồng thời thúc đẩy trao đổi nghệ thuật. Các triển lãm cô đã tham gia thực hiện bao gồm: Gang of Five Lạc bước Tân kỳ (Hà Nội, 2017), Sindikat Campursari (Jakarta, 2016), (Những) phương Nam đan xen (2016), Những chân trời có người bay 3 (Hà Nội, 2015-17), trợ lý cho giám tuyển Trần Lương cho triển lãm Miền Méo Miệng (Umea, 2015),… Uyên tốt nghiệp Cử nhân Chính trị tại Đại học York và Thạc sĩ ngành Văn hóa và Sáng tạo tại trường King’s College London. Cô cũng tham gia lưu trú tại Art in General (New York) năm 2017 thông qua học bổng của Asian Cultural Council.

Trợ Lý Giám Tuyển (2019 – 2022)

Vân Đỗ (sn. 1995, Hà Nội) là một giám tuyển và người viết. Sau 23 năm sống và lớn lên ở Hà Nội, từ năm 2019 cho tới nay, Vân chuyển vào Sài Gòn để trợ giúp giám tuyển cho The Factory. Nền tảng giáo dục và nghệ thuật của Vân có được phần nhiều từ các khoá học phi chính thống và tự học. Khi còn ở Hà Nội, Vân sinh hoạt và lao động cùng các không gian nghệ thuật độc lập như Hanoi Doclab và DomDom, trong các chương trình như ‘Hanoi Docfest 2017’ và ‘Liên hoan Nhạc mới Hà Nội 2018’. Các dự án gần đây Vân tham gia bao gồm: đồng giám tuyển với Hà Ninh triển lãm nhóm ‘Cõi riêng ảo’ (Manzi Art Space, 2021); giám tuyển buổi chiếu ‘Ca tụng (cõi) vi sinh’ (Dcine, 2020); biên tập với Linh Lê tạp chí Măng Ta Journal (2020); đồng giám tuyển với Lê Thuận Uyên triển lãm cá nhân của Võ Trân Châu ‘Nhặt Lá Rừng Xưa’ (The Factory, 2020); giám tuyển triển lãm cá nhân của Đặng Thuỳ Anh ‘Lặng yên san sát’ (The Factory, 2020); sản xuất các phim ngắn của Tạ Minh Đức ‘Chiều tà’ và ‘Phim số 3’ (2018-19).

Quản Lý – Bảo Quản Tác phẩm/Thiết kế (2017 – 2022)

Nhung Lê là Quản lý – Bảo quản Tác phẩm và chuyên viên Thiết kế cho bộ phận Nghệ thuật tại The Factory. Với gần 10 năm kinh nghiệm ở vị trí tiếp chuyển, thiết kế không gian triển lãm và bảo lưu các tác phẩm, Nhung Lê là một trong số ít những cá nhân tại Việt Nam có kinh nghiệm trong việc vận chuyển quốc tế các tác phẩm đương đại, đồng thời đạt được kiến thức chuyên môn trong việc thiết kế và xây dựng không gian triển lãm. Cô từng làm việc tại Sàn Art với vị trí Trợ lý Phòng tranh và Chuyên viên Thiết kế. Các tác phẩm thiết kế từng được in ra của Nhung Lê vẫn còn được lưu trữ trong tất cả những xuất bản của Sàn Art, bao gồm ấn bản ‘Nhận thức Thực Tại’; và gần đây nhất là catalog cho triển lãm ‘Quên lãng nên thơ’ của Phan Thảo Nguyên tại The Factory.